Ấn Độ và Pakistan đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí hạt nhân nhằm răn đe lẫn nhau và cả các nguy cơ tiềm ẩn bên ngoài.
Tên lửa Hatf-9 của Pakistan - Ảnh: AFP
|
Vũ khí hạt nhân chiến thuật
Mới đây, Giám đốc Cục Tình báo quốc phòng Mỹ Vincent R.Stewart đã có buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện về các điểm nóng trên toàn cầu. Trong đó, ông Stewart đã đề cập chương trình tăng cường các hệ thống phóng vũ khí hạt nhân của Pakistan. “Pakistan sẽ tiếp tục phát triển các hệ thống phóng mới, bao gồm tên lửa hành trình và những loại vũ khí tầm ngắn, nhằm gia cố thêm kho tên lửa đạn đạo của nước này”, chuyên san The National Interest dẫn lời quan chức này nói.
Phát biểu trên phù hợp với nhận định của các chuyên gia rằng Pakistan hiện không chú trọng tên lửa liên lục địa mà tập trung phát triển “vũ khí hạt nhân chiến thuật”, chỉ các loại tên lửa hành trình và tên lửa tầm ngắn mang đầu đạn hạt nhân có sức phá hủy thấp hơn. Mục tiêu của loại vũ khí này là tiêu diệt lực lượng đối phương trên chiến trường, thay vì hủy diệt diện rộng các cơ sở, thành phố của địch.
Cách đây một tuần, Pakistan thông báo phóng thử thành công tên lửa Hatf-8, còn có tên là Ra’ad, do nước này thiết kế và chế tạo. Theo Hãng thông tấn PTI, tên lửa được phóng từ một chiến đấu cơ và phá hủy thành công mục tiêu trên đất liền lẫn trên biển. Được cho là sẽ đóng vai trò chủ đạo trong kho vũ khí hạt nhân của Pakistan trong tương lai, Hatf-8 có tầm bắn tối đa 350 km cùng khả năng bay ở tầm thấp nên rất khó bị radar phát hiện. Bên cạnh đó, một vũ khí chủ lực khác đang được cấp tập phát triển là tên lửa Hatf-9, được mô tả là “tên lửa đất đối đất nhiều ống phóng tầm ngắn”. Hatf-9 có tầm bắn 60 km với độ chính xác rất cao và Pakistan đang ra sức nghiên cứu phương pháp thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để gắn cho tên lửa này.
Theo The National Interest¸ chương trình vũ khí hạt nhân chiến thuật của Pakistan nhằm ứng phó học thuyết quân sự mang tên Cold Start (tạm dịch: sự khởi đầu lạnh lẽo) của Ấn Độ. Học thuyết này xoay quanh ý tưởng sử dụng ưu thế áp đảo về lực lượng quy ước để tiến hành những đợt tràn quân nhỏ và giới hạn vào lãnh thổ Pakistan nhằm tiêu diệt những nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan mà New Delhi cho là được Islamabad bảo trợ. Một nhà phân tích giải thích với The National Interest: “Ý tưởng ở đây là các vũ khí hạt nhân thu nhỏ sử dụng trên đất Pakistan để tiêu diệt các lữ đoàn của Ấn Độ”.
“Thần lửa” của Ấn Độ
Khác với người láng giềng nhiều duyên nợ, Ấn Độ lại đặt trọng tâm năng lực hạt nhân quân sự vào các tên lửa chiến lược tầm trung và liên lục địa thuộc dòng Agni, dựa theo tên vị thần lửa của đạo Hindu. Cuối tháng 1, nước này đã lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa Agni-V từ bệ phóng di động đặt trên một xe chuyên dụng. Ngoài tầm bắn 5.000 - 8.000 km và khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Agni-V còn được trang bị công nghệ đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV). Theo tờ The Hindu, MIRV có thể chứa nhiều đầu đạn hạt nhân cùng lúc và khi được bắn đi, các đầu đạn sẽ tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau. Sau cuộc thử nghiệm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã viết trên mạng xã hội Twitter: “Bắn thử thành công Agni-V từ bệ phóng di động biến tên lửa này trở thành tài sản rất có giá trị cho lực lượng vũ trang của chúng ta”.
Ngoài ra, New Delhi đã lên kế hoạch phát triển Agni-VI có tầm bắn 8.000 - 10.000 km cũng như tiếp tục bổ sung, nâng cấp các đời Agni trước đó. Tuy giới chức khẳng định đây chỉ là công cụ răn đe và nước này không chạy đua vũ trang, nhưng theo giới quan sát, chương trình Agni phản ánh sự lo ngại của Ấn Độ trước các động thái của Pakistan lẫn Trung Quốc cũng như các biến chuyển an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
The National Interest dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định một cuộc đua tranh hạt nhân tại Nam Á sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Trung Quốc sẽ không ngồi yên khi nước này rơi vào tầm ngắm của tên lửa Ấn Độ. Trong khi đó, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Pakistan phải luôn được duy trì trong trạng thái “lên nòng” để có thể triển khai ngay lập tức. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ khai hỏa khi chưa có sự cân nhắc kỹ lưỡng, làm khởi phát một cuộc chiến hạt nhân trong khu vực.
Đó là chưa kể viễn cảnh tên lửa lọt vào tay các nhóm vũ trang cực đoan vẫn đang hoạt động mạnh tại Pakistan. Vì thế, trong cuộc điều trần vừa qua, Giám đốc Stewart của Cục Tình báo quốc phòng Mỹ khẳng định việc Ấn Độ và Pakistan tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin hướng tới quan hệ song phương hòa bình là một trong những điều kiện quan trọng nhất cho hòa bình khu vực và cả thế giới.
Bình luận (0)