Đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Biden ngày 15.10 cho biết họ đã huy động được 71 triệu USD cùng với Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ trong quý 3 (tháng 7 - 9), theo báo The Wall Street Journal. Con số này cao hơn nhiều so với số tiền đổ vào chiến dịch của cựu Tổng thống Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trên đường đua Nhà Trắng 2024, cũng như các đối thủ tiềm năng khác trong cùng giai đoạn.
Các ứng viên quyên được bao nhiêu?
Quý 3 của năm trước bầu cử tổng thống tại Mỹ thường được xem là giai đoạn khó huy động đóng góp nhất đối với các ứng viên. Dù vậy, ông Biden đã vượt mặt ông Trump về số tiền quyên góp trong 2 quý liên tiếp. Từ khi công bố chiến dịch tái tranh cử hồi tháng 4 cho đến hết tháng 6, ông Biden huy động được tổng cộng 72 triệu USD, nhiều hơn gấp đôi so với 35 triệu USD của ông Trump trong quý 2.
Đầu tháng này, đội ngũ của ông Trump cho biết họ đã huy động được hơn 45,5 triệu USD trong quý 3. Nỗ lực gây quỹ của cựu tổng thống Mỹ đã nhận được cú hích từ những người ủng hộ cho rằng 4 cáo trạng hình sự mà ông phải đối mặt đều có động cơ chính trị. Song với con số mới nhất mà phía ông Biden công bố, ông Trump sẽ phải đối mặt với áp lực huy động thành công những khoản đóng góp lớn hơn. Tính đến cuối tháng 9, chiến dịch của ông Biden có gần 91 triệu USD trong ngân hàng trong khi chiến dịch của ông Trump chỉ còn hơn 37,5 triệu USD. Số tiền còn lại này là sau khi đã trừ các khoản chi tiêu.
Ngôi đầu của ông Trump trong đảng Cộng hòa hiện khó ai có thể vượt qua, nhưng một số ứng viên đang cạnh tranh vị trí thứ hai. Đối thủ sát sườn nhất của ông, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, tiết lộ số tiền huy động được trong quý 3 là 15 triệu USD. Trong khi đó, cựu Thống đốc bang South Carolina Nikki Haley quyên được 11 triệu USD trong cùng giai đoạn.
Reuters lưu ý rằng đảng Cộng hòa vẫn đang trong quá trình chọn lựa ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, nên số tiền ủng hộ dành cho đảng này đang được phân chia giữa các đối thủ trong vòng bầu cử sơ bộ.
Quyên tiền bằng cách nào?
Luật về tài chính tranh cử của Mỹ - quy định ai có thể đóng góp cho chiến dịch, đóng góp bao nhiêu và cách thức báo cáo những khoản tiền đó - khác nhau ở cấp tiểu bang và liên bang. Nhìn chung, các chiến dịch tranh cử có thể gây quỹ từ các cá nhân, các ủy ban của đảng chính trị và các ủy ban hành động chính trị (PAC).
Năm 2010, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng chi tiêu vì mục đích chính trị là một hình thức ngôn luận và do đó được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Kể từ năm 2010, ứng viên có thể chi tiêu không giới hạn tiền riêng của họ cho các chiến dịch tranh cử.
Phán quyết này cũng mang lại nhiều quyền tự do hơn cho PAC, tổ chức được lập ra khi các cá nhân, doanh nghiệp và nhóm lợi ích quyên góp tiền để hỗ trợ một ứng viên. Bởi vì PAC độc lập với ủy ban gây quỹ chính thức của ứng viên, PAC không phải tuân theo luật quản lý các ủy ban này, dù vẫn phải đăng ký với với Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ. PAC có một hình thức đặc biệt là "siêu PAC". Khác với PAC truyền thống, các siêu PAC không thể trực tiếp đóng góp hoặc phối hợp với các chiến dịch và ứng viên. Tuy nhiên, việc quyên góp cho các siêu PAC không bị giới hạn bởi liên bang.
Cuộc đua tốn kém
Chạy đua vào Nhà Trắng có thể nói là một cuộc cạnh tranh về tiền bạc. Theo OpenSecrets, trang chuyên theo dõi đường đi của tiền trong nền chính trị Mỹ, tổng số tiền đổ vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ (của tất cả các ứng viên) trong các năm 2008, 2012 và 2016 lần lượt là 2,8, 2,6 và 2,4 tỉ USD.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2020 - màn so găng giữa ông Trump và ông Biden - đã thổi bay mọi kỷ lục chi tiêu trước đó. Tính riêng số tiền đổ vào cuộc đua Nhà Trắng đã là 5,7 tỉ USD, theo trang OpenSecrets. Nếu tính cả số tiền đổ vào các cuộc đua ở quốc hội, tổng chi phí lên tới 14,4 tỉ USD, cao hơn gấp đôi với con số năm 2016 (6,5 tỉ USD) và biến mùa bầu cử năm 2020 trở thành mùa bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ.
Bình luận (0)