Cuộc đua UAV Mỹ - Trung ở Biển Đông

24/03/2024 07:00 GMT+7

Dù lên án Mỹ triển khai máy bay không người lái (UAV) đến Biển Đông, nhưng chính Trung Quốc từ sớm cũng tăng cường lực lượng UAV hoạt động tại vùng biển này dẫn đến nhiều quan ngại.

Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI), thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), mới đây công bố báo cáo mới về tình hình Biển Đông.

Mỹ "lên đời" UAV hoạt động ở Biển Đông

Theo đó, UAV tầm xa MQ-4C đang tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Hoạt động tự động bằng cách sử dụng các cảm biến hiện đại, MQ-4C có thể hoạt động với máy bay chống ngầm có người lái để thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát trên các khu vực đại dương, vùng biển lớn.

Cuộc đua UAV Mỹ - Trung ở Biển Đông- Ảnh 1.

Một chiếc UAV MQ-4C của Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ

Phát biểu khi trình bày báo cáo trên, Giám đốc SCSPI Hồ Ba cho hay: "Kể từ tháng 10 năm ngoái, MQ-4C đã thay thế hoàn toàn MP-3E, nên việc nâng cấp thế hệ UAV đã hoàn tất, ít nhất là ở khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan". Báo cáo trên cũng nêu: "Bằng cách cung cấp hỗ trợ quân sự, hỗ trợ hàng hải và đào tạo nhân sự cho các nước trong khu vực, Mỹ tiếp tục tăng cường năng lực hàng hải và mở rộng nhận thức hàng hải của các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, các đồng minh và đối tác trong khu vực". Ông Hồ Ba cũng cho rằng việc Mỹ tăng cường hoạt động của UAV có thể làm tăng nguy cơ "va chạm và đánh giá sai lầm".

Liên quan vấn đề Mỹ đưa MQ-4C vào hoạt động tại Biển Đông, từ năm 2020, tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia quân sự Tống Trung Bình (Trung Quốc) nhận định: "Việc Mỹ triển khai các máy bay giám sát như UAV MQ-4C hay các loại máy bay trinh sát, chống tàu ngầm P-8A và P-3C có thể giúp Hải quân Mỹ theo dõi các tàu chiến, tàu ngầm và các hoạt động dưới nước khác trong khu vực".

Chiến lược của Trung Quốc

Thực tế, Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động của UAV ở Biển Đông từ nhiều năm qua.

Tháng 9.2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tiến hành xây dựng mạng lưới máy bay không người lái ở khu vực Biển Đông để phục vụ kế hoạch giám sát và kiểm soát toàn bộ khu vực. Trước đó, Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết đã triển khai mạng lưới UAV ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những thực thể và vùng biển xa bờ. Mạng lưới giám sát UAV này gồm các thiết bị được tích hợp camera độ phân giải cao, có phạm vi quan sát rộng, truyền hình ảnh theo thời gian thực để chuyển về các cơ sở mặt đất và cho chất lượng hình ảnh như thực. Các UAV thu thập hình ảnh hoặc quay phim trực tiếp và truyền về bộ phận thu phát tín hiệu trên mặt đất.

Trả lời Thanh Niên, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia về quốc phòng tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) từng phân tích: "Các UAV là một phần của mạng lưới tình báo thu thập thông tin, giám sát và do thám (ISR) của Trung Quốc trên Biển Đông. Mạng lưới ISR không chỉ dựa vào nền tảng của một vài loại cảm biến đơn thuần vốn có thể bị cản trở, ví dụ như vệ tinh bị mây che phủ. Vì thế, UAV giúp lấp đầy những khoảng trống nhất định. Hơn nữa, thực hiện các nghiệp vụ ISR bằng UAV thì chi phí rẻ hơn là triển khai máy bay có người lái".

Giữa năm 2022, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin các học viện, cơ sở đào tạo của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã tích hợp một số lượng lớn thiết bị không người lái và thông minh bao gồm các phương tiện không người lái, UAV và robot vào khóa huấn luyện đổ bộ cho học viên sĩ quan. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia quân sự nhận xét cuộc huấn luyện cho thấy PLA đang chuẩn bị cho quân đội có khả năng đổ bộ nhanh chóng và trong đó việc sử dụng phương tiện không người lái sẽ là một phần quan trọng. Chuyên gia này phân tích đổ bộ tấn công là năng lực quan trọng để PLA có thể tác chiến ở những khu vực như eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Thực tế gần đây, UAV của Trung Quốc cũng thường xuyên được ghi nhận ở khu vực phía bắc Biển Đông khi tiến hành các phi vụ nhằm vào Đài Loan.

Trung Quốc phát triển thiết bị sonar tối tân

Tờ South China Morning Post ngày 23.3 đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thành công thiết bị sonar công suất cao nhưng có kích thước đủ nhỏ để gắn trên các tàu lặn không người lái cỡ nhỏ. Với chức năng trinh sát trong lòng biển, các thiết bị sonar hiệu suất cao trước nay hầu hết chỉ được trang bị trên tàu chiến hoặc tàu ngầm kích thước lớn. Chính vì thế, nếu thiết bị trên thực sự được triển khai cho tàu lặn không người lái cỡ nhỏ, thì sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng theo dõi ở các vùng biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.