Cuộc đua vào Nhà Trắng đâu chỉ có 2 người

06/11/2016 10:00 GMT+7

Độ nóng của Donald Trump và Hillary Clinton dễ khiến người ta quên đi cuộc đua vào Nhà Trắng còn có rất đông ứng viên khác, vốn chẳng có hy vọng gì thành công.

Một buổi trưa cuối tháng 10, trong lúc hàng trăm du khách nô nức tham quan phía trước cổng chính Nhà Trắng giữa sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh, thì lực lượng mật vụ đột nhiên yêu cầu toàn bộ những người không phận sự phải nhanh chóng ra xa. Mọi người phải đứng trên vỉa hè đối diện nơi tổng thống Mỹ cư ngụ.
Chỉ trong vài phút, một vành đai an ninh đầy căng thẳng được thiết lập, chó nghiệp vụ xuất hiện, lực lượng đặc vụ xuất hiện đông hơn và mang theo cả tiểu liên MP5 chứ không chỉ súng ngắn như trước đó. Hướng mắt lên nóc tòa nhà đầy quyền lực, vài tay súng bắn tỉa hiện diện. Tiếp đó, các đặc vụ còn căng dây vạch rõ khu vực phong tỏa, trực thăng liên tục quần thảo bên trên. Chính vì thế, nhiều người vẫn nán lại chờ xem chuyện gì sắp diễn ra, mà không hề có chút lo ngại gì trước không khí căng thẳng của lực lượng an ninh.
Mỹ cảnh báo nguy cơ tấn công
Ngày 5.11, Reuters dẫn lời nhà chức trách Mỹ cảnh báo nguy cơ tấn công từ các phần tử al-Qaeda tại 3 bang New York, Texas và Virginia xung quanh ngày bầu cử 8.11. Trước đó, nhiều nguồn tin cho biết giới tình báo Mỹ báo động al-Qaeda có thể đang lên kế hoạch tấn công ở những khu vực nói trên trong khoảng ngày 7.11. Hôm qua, ban điều hành sân bay, đường hầm và cầu xung quanh TP.New York cho hay đang tiến hành tuần tra nghiêm ngặt. Thống đốc Texas Greg Abbott thì tuyên bố văn phòng của ông đang theo dõi tình hình và kêu gọi người dân cảnh giác. Trong khi đó, Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ An ninh nội địa chưa xác nhận hoặc đưa ra bình luận chi tiết về mối đe dọa.
Minh Trung

Đả phá cả Trump lẫn Clinton
Sau gần 30 phút chờ đợi, mọi người dần hiểu ra lý do của sự căng thẳng khi một đoàn biểu tình hàng trăm người xuất hiện với đủ loại biểu ngữ để đả phá “cuộc bầu cử kim tiền”. Đây là đoàn người ủng hộ bà Jill Stein - ứng viên của đảng Xanh cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Đoàn người biểu tình cho rằng cần phải quy định lại việc gây quỹ bởi số tiền hàng trăm triệu USD mà ông Trump và bà Clinton có được xuất phát từ những người siêu giàu đang lũng đoạn xã hội.
Vì thế, dù ai trong 2 ứng viên này đắc cử thì đất nước cũng sẽ bị thao túng bởi các oligarchy (nhóm nhỏ giàu có lũng đoạn chính sách), nên cuộc bầu cử là không công bằng, theo phe ủng hộ bà Stein. Tuy vậy, thực tế, số tiền mà ứng cử viên này huy động được dù thua xa ông Trump và bà Clinton thì con số cũng không hề nhỏ, lên đến hơn 3 triệu USD.
Ứng viên Stein chẳng phải là gương mặt xa lạ trên chính trường xứ cờ hoa, bởi bà cũng từng đại diện đảng Xanh chạy đua vào Nhà Trắng cách đây 4 năm. Tuy nhiên, sự nghiệp tranh cử của bà chẳng mấy ấn tượng. Năm 2002, bà đại diện đảng Cầu Vồng Xanh (chi nhánh của đảng Xanh) chạy đua vào ghế Thống đốc bang Massachusetts bị thất bại. Sau đó 2 năm, bà lại tiếp tục thất bại khi chạy đua vào nghị viện bang Massachusetts. Không đạt kết quả xuất sắc nào, nên trong cuộc chạy đua lớn hơn vào Nhà Trắng năm 2012 thì bà thua cuộc cũng dễ hiểu, với kết quả chưa được 0,4% phiếu bầu. Lần này, theo thăm dò do CNN thực hiện từ ngày 1 - 3.11 thì bà đang nhận được tỷ lệ ủng hộ là 2%, quá thấp so với mức 42% của ông Trumps và 47% của bà Clinton.
Hơn 20 ứng viên
Tuy nhiên, bà Stein chẳng phải là trường hợp duy nhất dù chẳng hy vọng gì vẫn “phá bĩnh” tỉ phú Trump và cựu Ngoại trưởng Clinton. Ngoài 2 “siêu ứng viên”, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay còn hơn 20 ứng viên độc lập hoặc đến từ các đảng phái chính trị khác.
Nằm trong danh sách thăm dò của CNN còn có ứng viên Gary Earl Johnson, đại diện đảng Tự do, xếp thứ 3 với tỷ lệ ủng hộ đạt 4%. Giống như bà Stein, ông Johnson cũng đã tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2012 nhưng thất bại. Thế nhưng, so về sự nghiệp chính trị thì ông khá ấn tượng, bởi từng đại diện cho đảng Cộng hòa chạy đua thành công vào ghế Thống đốc bang New Mexico và nắm giữ vị trí này suốt 8 năm từ năm 1995 - 2003. Đến năm 2011, ông đã chuyển qua đảng Tự do sau khi không thành công trong việc trở thành đại diện đảng Cộng hòa để tranh cử tổng thống Mỹ. Kể từ đó, sự nghiệp chính trị của ông chẳng để lại dấu ấn nào đáng kể cho đến nay.
Ngoài 4 gương mặt không xuất hiện trong kết quả thăm dò của CNN thì “ẩn số Evan McMullin” cũng rất nổi bật bởi thành tích có thể tước mất số phiếu bầu ở bang Utah của ông Trump. Utah vốn là bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng thăm dò cho thấy dân chúng tại đây tỏ ra ngán ngẩm với tỉ phú Trump. Vì thế, để không đánh mất truyền thống “nói không với đảng Dân chủ”, nhiều khả năng dân chúng Utah sẽ bỏ phiếu cho ứng viên McMullin - từng là một điệp viên CIA nhiều thành tích.
Tuy vậy, nếu thành công thì ngoài việc “phá đám” ông Trump, cựu điệp viên McMullin cũng không thể trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Đó là vì ông chỉ đăng ký tranh cử ở 11 bang do quyết định “chạy đua” trễ. Theo quy định, các ứng viên độc lập không do đảng phái chính trị nào giới thiệu thì cần phải đáp ứng yêu cầu ứng cử ở từng bang để có tên trên phiếu bầu. Chính vì thế, có nhiều ứng viên ngay từ trước khi có kết quả bầu cử thì tự biết đã bị loại “ngay từ vòng giữ xe”.
“Ứng viên” đặc biệt
Những ngày cận kề bầu cử, khi đi trên đường phố ở thủ đô Washington D.C, mọi người thỉnh thoảng bắt gặp bảng giới thiệu chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của “ứng viên” tên Russell Hirshon mang thông điệp “Make America sane again” (Làm cho nước Mỹ lành mạnh trở lại), na ná cấu trúc câu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) của tỉ phú Donald Trump trong đợt bầu cử này. Tuy nhiên, trang mạng vận động tranh cử của Hirshon ghi rõ: “Tôi không cần bạn bầu cho tôi, và dĩ nhiên cũng không cần bạn đóng góp cho tôi”.
Thông điệp của Hirshon treo ở gần Nhà Trắng Ảnh: N.M.T

Thực ra, “chiến dịch tranh cử” của ông chỉ là nhằm kêu gọi mọi người đừng tiêu tốn quá nhiều cho bầu cử, ủng hộ tiền bạc cho các ứng viên, mà hãy đóng góp cho các quỹ từ thiện. Ông dẫn số liệu ước tính tổng chi phí cho cuộc bầu cử lên đến hơn 2 tỉ USD và chỉ cần trích 10% số tiền này thì sẽ giúp đỡ được cho nhiều quỹ từ thiện. Bởi thế, chiến dịch của ông còn có thêm một thông điệp: “Chọn lựa ý thức cho một đất nước vô ý thức”. Năm 1992, Hirshon cũng từng có chiến dịch tương tự khi ông Bill Clinton chạy đua cùng ông George H.W.Bush (Bush “cha”).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.