Cuộc đua vũ khí không gian

11/09/2016 10:00 GMT+7

Không gian cận trái đất có thể sẽ sớm trở thành chiến trường trong tương lai và Nga, Mỹ đều đang phát triển vũ khí mới để bắn hạ mục tiêu ngoài tầng khí quyển.

Trong bối cảnh cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát không gian quanh địa cầu đang trở nên “nóng” lên, Nga thông báo phát triển một loại tên lửa mới có năng lực bắn hạ các mục tiêu nằm ngoài khí quyển. Về phần mình, Mỹ cũng vừa phóng bộ đôi vệ tinh bị nghi ngờ là nhằm phục vụ chương trình chống các vật thể nhân tạo trên quỹ đạo thấp của trái đất.
Di sản từ thời Liên Xô
Theo trang Gazeta, vũ khí mới của Nga được phát triển dựa trên nền tảng của tên lửa phòng không đánh chặn 53Т6 (NATO gọi là ABM-3 Gazelle).
Được sản xuất từ cuối thập niên 1988, 53Т6 là một trong những thành tố chủ đạo của hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 đang bảo vệ thủ đô Moscow và các khu vực lân cận. Tên lửa này dài 12 m, đường kính 1,8 m, trọng lượng 10 tấn và được gắn đầu đạn nhiệt hạch sức nổ 10 kiloton. Đặc biệt, nhờ động cơ cực mạnh nên 53Т6 có thể đạt tốc độ lên tới Mach 17 (gấp 17 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 20.826 km/giờ) và vươn được tới độ cao tối đa đến 100 km. Vì thế, ngay từ thời Liên Xô đến ngày nay, các chuyên gia của Moscow vẫn theo đuổi mục tiêu nâng cấp 53T6 để biến tên lửa này từ vũ khí đánh chặn thành vũ khí tấn công, không đơn thuần phá hủy tên lửa của đối phương nữa mà trở thành “mũi giáo” nhằm vào các mục tiêu trên quỹ đạo.
Có vẻ như kế hoạch này đã sắp hoàn thành khi vào tháng trước, Đài phát thanh Russian News Service dẫn lời Phó tư lệnh Lực lượng Phòng không - Không gian Nga Viktor Gumenny cho biết quân đội nước này chuẩn bị tiếp nhận tên lửa mới “cho phép triển khai bất cứ sứ mệnh nào theo lệnh của tổng tư lệnh và bộ trưởng quốc phòng”.
Cuộc đua vũ khí không gian 2
Tên lửa 53Т6 của Nga Ảnh: Ausairpower
Đến nay, thông tin về tên lửa mới của Nga vẫn được giữ tuyệt mật, thậm chí tên chính xác cũng chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, các đợt thử nghiệm vào cuối năm 2015 đã diễn ra rất thành công và phía Nga tin rằng tên lửa mới đang không có đối thủ nhờ tốc độ nhanh nhất thế giới cùng tầm tấn công có thể bao phủ khu vực không gian cận trái đất. Nếu thật sự được triển khai, đây được xem là mối đe dọa lớn cho các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của trái đất, đặc biệt là nhóm vệ tinh hình thành Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ.
Công nghệ nhiễu không gian
Dù có hỏa lực và ưu thế đáng kể, tên lửa vẫn gặp một số nhược điểm khi cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ diệt vệ tinh. Trong một số trường hợp, giới chuyên gia cho rằng sẽ hữu hiệu hơn nếu sử dụng những vũ khí không nhằm tiêu diệt mục tiêu, mà chỉ vô hiệu hóa chúng. Sự lựa chọn khả dĩ nhất trong nhóm này bao gồm thiết bị gây nhiễu trên mặt đất được trang bị các hệ thống chiến tranh điện tử có thể làm nhiễu loạn tín hiệu và khiến vệ tinh tê liệt. Chỉ cần một vệ tinh bị hạ thì cả nhóm sẽ lâm vào tình trạng “đóng băng”. Theo trang Russia Beyound The Headlines, các cuộc thử nghiệm gần đây về hệ thống tác chiến điện tử mang tên Nghiên cứu công trình vô tuyến hóa do Viện Moscow tiến hành đã chứng minh được hiệu quả ban đầu. Nếu được triển khai ở Bắc cực, hệ thống này có thể tác chiến điện tử chống vệ tinh ở quỹ đạo thấp với phạm vi bao phủ vùng không gian bên trên Bắc bán cầu.
Chương trình bí mật của Mỹ
Mới đây, không quân Mỹ đã phóng 2 vệ tinh mới từ bãi phóng ở Mũi Canaveral, bang Florida. Theo website của Bộ tư lệnh không gian nước này, đây là một phần của GSSAP, viết tắt từ cụm từ chương trình Nhận thức tình huống không gian trên quỹ đạo địa tĩnh, được thiết kế nhằm theo dõi các vật thể nhân tạo đang di chuyển trên các tuyến vệ tinh chính ngoài khí quyển.
Như vậy, Lầu Năm Góc đã triển khai thành công 4 vệ tinh GSSAP nhưng cho đến giờ vẫn không hề tiết lộ về mục đích thật sự của chúng. Không quân Mỹ chỉ thông báo một cách mơ hồ là, các vệ tinh sẽ thực hiện “những sứ mệnh tiếp cận”, thu thập dữ liệu và hỗ trợ công tác ngăn chặn những vụ va chạm vệ tinh.
Tuy nhiên, giới quan sát trong lẫn ngoài nước cho rằng GSSAP chỉ là một phần của một dự án tuyệt mật, nhằm được lợi thế trong cuộc chạy đua vũ trang không gian. Trước đây, Mỹ cũng đã từng tiến hành các cuộc thử nghiệm cho thấy tên lửa SM-3 khai hỏa từ tàu chiến hoàn toàn có khả năng bắn nổ một vệ tinh do thám ở độ cao khoảng 250 km.
Tờ USA Today dẫn lời phát ngôn viên Bộ Tư lệnh không gian Sarah Burnett nhận định vùng không gian cận trái đất đang trở nên chật chội và mang tính cạnh tranh hơn bao giờ hết. “Một số nước rõ ràng đã phát đi tín hiệu cho thấy ý định và năng lực triển khai các chiến dịch thù địch trên không gian, vốn có khả năng trở thành phần mở rộng của chiến trường trên mặt đất”, bà Burnett nói.
Bên cạnh đó, các nước như Nga và Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao hoạt động của tàu quỹ đạo thử nghiệm X-37B do Boeing sản xuất. X-37B OTV là phi thuyền không người lái do NASA chuyển giao cho không quân Mỹ và có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2006. Kể từ đó đến nay, thiết bị này đã thực hiện 4 chuyến bay trên quỹ đạo, và tất cả đều thuộc dạng tuyệt mật. Các thế lực bên ngoài lẫn giới quan sát vẫn chưa thể nắm rõ con tàu được thử nghiệm cho mục đích gì cũng như những gì mà nó mang theo vào không gian.
Theo nhà sản xuất Boeing, X-37B hoạt động ở quỹ đạo thấp, di chuyển trong phạm vi ở độ cao từ 177 đến 800 km. Khoang chứa của tàu quá nhỏ để có thể chở theo phi hành gia, nhưng vẫn dư chỗ để mang một vệ tinh cỡ nhỏ hoặc các loại vũ khí. Đó là lý do nhiều chuyên gia cho rằng tàu bay bí mật của Mỹ có thể là cỗ máy phóng vệ tinh do thám hoặc cũng có thể được trang bị năng lực diệt vệ tinh đối phương.
Cảm biến không gian cho lá chắn tên lửa Mỹ
Theo trang Defense One, trước nguy cơ ngày càng lớn từ tên lửa đạn đạo và thiết bị hạt nhân, đặc biệt sau hàng loạt động thái thử nghiệm gần đây của CHDCND Triều Tiên, Mỹ đang nỗ lực phát triển các loại cảm biến hoạt động trên quỹ đạo trái đất, nhằm tăng cường năng lực phát hiện sớm các mối đe dọa. Trong đó, Lầu Năm Góc vừa công bố kế hoạch triển khai radar tầm xa mới ở miền trung Alaska.
Radar mới có tầm quét hàng ki lô mét, có thể phân biệt giữa tên lửa liên lục địa (IMCB) “thứ thiệt” và tên lửa chim mồi một cách nhanh chóng hơn các loại radar hiện hành.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia và nhiều quan chức quốc phòng cho rằng đã đến lúc phải triển khai một lớp radar hoàn toàn mới, bám trụ trên không gian cận trái đất. Theo Phó đô đốc James Syring, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA), việc đưa các thiết bị phát hiện tên lửa lên quỹ đạo trái đất đã trở thành chuyện cần kíp và cơ quan này đang có ý định chi 400 triệu USD cho công tác “phát triển và thử nghiệm” dòng radar mới. Bên cạnh đó, MDA đã khởi động chương trình triển khai hệ thống cảm biến nhỏ trên các vệ tinh thương mại nhằm thu thập các tín hiệu phát ra từ ICBM. Những vệ tinh này sẽ được thử nghiệm trên vùng trời Thái Bình Dương trong thời gian sắp tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.