Hết mời đầu tư đến mời chứng khoán
Đưa cho chúng tôi xem nhật ký cuộc gọi đầy ắp những số điện thoại lạ gọi đến, anh Trần Văn Mạnh, giám đốc một công ty thủy sản tại TP.HCM, ngao ngán nói: "Công việc của tôi phải nghe điện thoại thường xuyên, nhưng cuộc gọi rác quá nhiều khiến tôi rất bức xúc. Có khi chỉ trong vòng vài phút đã có một cuộc gọi đến, hết chào mời nhà đất đến tự giới thiệu là công ty chứng khoán. Dĩ nhiên tôi không để mất thời gian mà nhanh chóng cúp máy, nhưng không biết cách nào để ngăn chặn triệt để tình trạng này".
Chị Hoàng Thu Thủy, nhân viên văn phòng tại Q.3, TP.HCM, cũng nổi cáu vì những cuộc gọi không mong muốn. Chị Thủy kể mới cách đây mấy ngày trời mưa to, chị phải vội về cho kịp giờ đón con, đường thì kẹt xe chen chúc. Đúng lúc đó thì có cuộc gọi đến. "Tôi đang hẹn shipper giao hàng nên có cuộc điện thoại đến tôi cứ nghĩ là người giao hàng đang đợi nên phải tấp xe vào lề để nghe. Có ngờ đâu bắt máy lên thì bên kia là một giọng nói chào mời đầu tư chứng khoán. Tôi bực mình muốn quát lên nhưng đang ở giữa đường đông người, đành ngậm cục tức vào trong", chị bức xúc.
Chị Ngô Dịu Hiền, đang kinh doanh quần áo online, kể: "Bản thân tôi bán hàng qua mạng nên số điện thoại nào gọi đến tôi cũng phải nghe. Tôi có thể khẳng định gần đây các cuộc gọi rác ngày càng nhiều hơn. Ngay như tôi không hề biết gì về chứng khoán nhưng cứ cách một, hai ngày là lại có một nhân viên gọi đến tự giới thiệu là công ty chứng khoán này kia. Theo phản ứng thì tôi sẽ cúp máy ngay, đồng thời báo cáo cho hệ thống tin nhắn tự động đây là cuộc gọi rác, tuy nhiên đến nay tôi thấy tình trạng này không hề thuyên giảm mà còn có dấu hiệu làm phiền nhiều hơn".
Không tỉnh táo như đa số người dùng điện thoại, chị V. (50 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã nhẹ dạ tin lời mời gọi đầu tư chứng khoán qua sàn ảo để rồi bị lừa đảo 2,3 tỉ đồng sau khi tham gia nhóm "Tài chính thời đại" và đầu tư tiền ảo qua sàn Bitforex.com. Chị V. kể lại: "Vì tin lời dụ dỗ mời gọi của đối tượng lạ, tôi tham gia nhóm đầu tư trên mạng xã hội Zalo… Ban đầu, chúng quảng cáo sàn giao dịch với lời hứa lãi suất cao, thậm chí đưa ra các bằng chứng để lôi kéo nhà đầu tư yên tâm. Sau một vài lần thanh toán lợi nhuận với số tiền nhỏ, tôi tham lam tăng số tiền lên nhưng chỉ được một thời gian thì ứng dụng này biến mất, coi như tôi mất sạch số tiền đầu tư. Lúc này tôi rất khổ sở nhưng không biết làm cách nào để lấy lại tiền".
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn an ninh mạng Athena, nhận xét: "Tôi đã từng nhiều lần khẳng định tình trạng SIM rác hay cuộc gọi rác sẽ không thể nào chấm dứt được một khi đây vẫn là nguồn thu rất lớn của các nhà mạng. Cơ quan quản lý luôn đề ra các giải pháp, nhưng liệu cách xử lý có triệt để hay chưa? Người dân mong muốn khi phản ánh số điện thoại rác nào đó thì phải có bộ phận tiếp nhận xử lý tức thời, còn hiện nay chỉ có thể báo cáo rồi chờ đợi thống kê, rồi kết quả xử lý thế nào cũng chưa rõ. Thỉnh thoảng chúng ta thấy công bố một vài trường hợp bị thu hồi, bị phạt, nhưng bấy nhiêu đó đã đủ sức răn đe, đủ chấn chỉnh hay chưa?".
Lừa đảo núp bóng cuộc gọi rác
Ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia an ninh mạng thuộc dự án Chongluadao.vn, cho biết: Gần đây, nhiều báo cáo của người dùng internet cho hay tình trạng lừa đảo đầu tư hứa trả lợi nhuận cao đang rất đáng báo động. Thông qua các cuộc gọi rác và một số nền tảng mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo dụ dỗ nạn nhân nạp tiền số vào để đầu tư đồng thời lôi kéo người khác để hưởng hoa hồng theo hình thức đa cấp.
Theo ông Ngô Minh Hiếu, các cuộc gọi rác hiện nay đang được cập nhật thông tin cá nhân rất nhanh, ví dụ như nói đúng tên, đúng nhu cầu, đúng lĩnh vực đang quan tâm, vì vậy đã tạo ra được một sự tin tưởng nhất định đối với nạn nhân. Chẳng hạn họ có danh sách, dữ liệu của những người đang tham gia thị trường chứng khoán, hoặc đã từng mở tài khoản chứng khoán để tăng thêm cơ hội dẫn dụ. Ban đầu, đối tượng liên tục spam tin nhắn, cuộc gọi, tạo lập kênh thông tin giả mạo mời chào người chơi. Sau đó, chúng lôi kéo người chơi vào hội nhóm trên Telegram, Zalo… để đầu tư số tiền nhỏ nhằm tạo lòng tin, rồi dần dần nâng mức đầu tư lên. Vì tin tưởng sẽ rút được tiền và kiếm thêm lợi nhuận một cách dễ dàng như lần đầu, nạn nhân nộp tiền nhiều lần vào các tài khoản ngân hàng theo chỉ định của các đối tượng lừa đảo. Chính những chiêu thức này khiến rất nhiều nạn nhân đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo, với số lượng tiền lớn. Khi nạn nhân đã tin tưởng tuyệt đối, chúng sẽ tung ra các thông tin giả mạo về việc thua lỗ để dụ dỗ nạn nhân tiếp tục đầu tư nhằm "gỡ gạc". Đây chính là cái bẫy nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân một cách dễ dàng.
Mới đây, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng VN (VNCERT) cũng đã thống kê các hình thức lừa đảo thông qua các cuộc gọi rác trong tháng 10. Cụ thể, qua theo dõi, giám sát tình hình phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi trên hệ thống 5656/156, VNCERT đã ghi nhận các phản ánh về tin nhắn và cuộc gọi từ các số điện thoại lạ. Trong đó, nhiều cuộc điện thoại mạo danh Sở Công thương yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin với lý do giấy phép an toàn thực phẩm của doanh nghiệp bị sai thông tin. Các đối tượng gửi đường link lạ để yêu cầu cập nhật thông tin của doanh nghiệp. Sau khi người dùng làm theo yêu cầu như truy cập vào đường link, tải ứng dụng để cập nhật thông tin của doanh nghiệp, lập tức đối tượng sẽ chiếm quyền sử dụng thiết bị và thực hiện các biện pháp như chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết.
Ngoài ra, VNCERT cũng ghi nhận tình trạng cuộc gọi rác mạo danh cơ quan công an yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân… để kích hoạt giúp tài khoản cập nhật hộ khẩu điện tử cũng hết sức phổ biến. Theo VNCERT, khi nhận được các cuộc gọi từ số lạ hoặc không hiển thị số điện thoại yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để cập nhật thông tin giấy phép an toàn thực phẩm, hãy kiểm tra lại nguồn tin và không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin, không chuyển tiền, không truy cập liên kết lạ, không rõ nguồn gốc.
Trước thực trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đang diễn ra hằng ngày, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý nếu có dấu hiệu lừa đảo hoặc báo ngay cho cơ quan công an để được hướng dẫn kịp thời.
Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng VN
Bình luận (0)