Cuộc hồi hương từ vùng chiến sự Ukraine

09/03/2022 04:54 GMT+7

11 giờ ngày 8.3, chuyến bay cứu trợ mang số hiệu VN88 từ Bucharest (Romania) đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), đưa 287 công dân Việt Nam tại Ukraine về nước an toàn.

Trở về từ vùng chiến sự

Hành trang hồi hương của nhiều người chỉ vài bộ quần áo, song niềm vui và hạnh phúc khi được trở về quê hương sau nhiều ngày lo âu trong vùng chiến sự hiện rõ trên gương mặt nhiều người.

Những công dân Việt Nam đầu tiên từ Ukraine về đến sân bay Nội Bài trên chuyến bay giải cứu Việt Nam88, ngày 8.3.2022

Đậu Tiến Đạt

Là một trong những người đầu tiên trở về Việt Nam sau gần 2 tuần sơ tán khỏi Ukraine, chị Nguyễn Thị Nghiên (quê Bắc Giang), sinh sống và làm việc tại TP.Odessa (Ukraine), cho biết trong những ngày đầu tiên chiến sự nổ ra, gia đình chị đã phải sống ở dưới hầm trú bom. Khi chiến sự leo thang, hai vợ chồng chị quyết định di tản khỏi Ukraine. Hành trình từ Odessa sang quốc gia lân cận Moldova tuy chỉ 300 km, nhưng gia đình chị Nghiên mất tới 1 ngày. Trong thời tiết lạnh giá, bão tuyết, những người dân sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine phải chờ tại biên giới 5 - 6 giờ mới qua được, vì dòng người sơ tán rất đông. “Nhiều gia đình với con nhỏ cũng phải đi bộ hàng giờ dưới tuyết rơi rất dày để qua được biên giới giữa Ukraine với Moldova”, chị Nghiên nhớ lại.

Cũng như vợ chồng chị Nghiên, chị Bùi Thị Vân (quê Nghệ An), sinh sống tại Odessa, không giấu được sự bàng hoàng khi kể lại những ngày đầu chiến sự nổ ra. Những người dân như chị Vân đều hoang mang, thấp thỏm lo sợ vì tiếng đạn pháo vào lúc 3 - 5 giờ sáng. “Trước đấy đã có thông tin về mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nhưng nó đã diễn ra cách đây nhiều năm với các cuộc xung đột nhỏ, nên mọi người cũng không nghĩ là cuộc xung đột tổng lực và không có ai có sự chuẩn bị gì cả”, chị Vân kể.

Sau 3 ngày kể từ khi chiến sự diễn ra, cảm thấy không an toàn, chị Vân cùng gia đình và bà con tại Odessa quyết định di tản sang Moldova bằng xe cá nhân để tìm đường về Việt Nam. Đó là một quyết định khó khăn vì rời đi nghĩa là chấp nhận bỏ lại tất cả những gì mà họ gầy dựng được sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại đây. Những ngày đầu tiên khi chiến sự nổ ra, mọi người đều rối bời giữa việc ở lại hay đi. “Đa phần người Việt đều hoang mang vì xác định ra đi là bỏ lại hết. Mọi tài sản ở Ukraine sẽ mất hết. Lúc đó thì mọi người đều động viên “còn người còn của” và cũng vì sự an toàn của con nhỏ mà quyết định ra đi”, chị Vân chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chị Vân, sau khi từ Moldova sang đến Romania thì hầu hết mọi người đã “vững” tâm lý hơn. “Mọi người lúc đó chỉ có một mong muốn là được về quê hương”, chị Vân kể. Bên cạnh đó, sau khi rời khỏi Ukraine, nhiều bà con đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện, các hội đoàn người Việt tại các nước sở tại.

Chị Nguyễn Thị Phương (quê Bắc Giang), sống tại Odessa, cho biết sau khi đến Moldova, Đại sứ Việt Nam tại Romania đã sang tận nơi đón bà con, bắt liên lạc trực tiếp với các hội đoàn người Việt di tản từ Ukraine sang Moldova để tập trung và dẫn đoàn sang Romania trên 2 chiếc xe buýt với 120 người.

Chị Phương vẫn nhớ như in câu nói của một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Romania: “Chúng tôi có trách nhiệm đón các vị ở đây và chúng tôi cũng có trách nhiệm đưa các vị về”. Sau đó, trong 5 ngày ở Romania, bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam, nhiều hội thiện nguyện của người Việt đã hỗ trợ bà con nơi ăn chốn ở và nhu yếu phẩm. “Thậm chí, các gia đình có con nhỏ ốm đau thì Đại sứ quán và các hội đoàn người Việt tại đây còn hỗ trợ bác sĩ tới thăm khám”, chị Phương nhớ lại.

Chị Trương Thúy Hạnh vui mừng khi gặp lại 2 con là Đinh Tâm Đan và Đinh Tuấn Minh

Hạnh phúc khi được trở về Việt Nam

Đa phần bà con quyết định trở về Việt Nam vì thấy đây là phương án an toàn nhất. Chị Nguyễn Thị Hiên (quê Nghệ An), sống tại Odessa, cho biết khi chiến sự nổ ra, khu vực chị Hiên sinh sống có gần 1.000 người Việt, nhưng tới nay chỉ còn 5 người ở lại. “Chiến sự leo thang, lúc nào tôi cũng thấp thỏm lo sợ. Ngày khóc, đêm suy nghĩ có nên trở về Việt Nam hay không. Do đó khi về tới Việt Nam, tôi rất vui mừng”, chị Hiên nói, không giấu được niềm hạnh phúc khi được trở về quê hương. Anh Đỗ Mạnh Dũng (quê Nam Định) cũng cho biết được trở về Việt Nam thời điểm này là rất hạnh phúc và may mắn.

Nhưng niềm hạnh phúc không chỉ vỡ òa trên gương mặt những người Việt hồi hương trên chuyến bay VN88. Sau khi chờ đợi ở phía ngoài hơn 2 tiếng, chị Trương Thúy Hạnh (quê Hà Nội) khóc òa hạnh phúc khi gặp lại 2 con của mình là Đinh Tâm Đan và Đinh Tuấn Minh từ Ukraine trên chuyến bay cứu trợ của Chính phủ. Các con của chị Hạnh đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Romania giúp đỡ lên máy bay khi chuyến bay chỉ còn 15 phút nữa là cất cánh. Chị Hạnh cho biết, những ngày qua là những ngày chị rất hồi hộp và căng thẳng khi con của chị được gửi đi sơ tán theo bạn bè và hàng xóm qua Moldova. “Tôi rất phấn khởi, không có gì bằng. Cả tài sản bên kia chúng tôi làm bao năm đã mất hết, nhưng không có gì bằng việc các cháu đã được về tới nhà”, chị Hạnh xúc động bày tỏ.

Chiến sự leo thang, lúc nào tôi cũng thấp thỏm lo sợ. Ngày khóc, đêm suy nghĩ có nên trở về Việt Nam hay không. Do đó khi về tới Việt Nam, tôi rất vui mừng

Chị Nguyễn Thị Hiên (quê Nghệ An)

Có mặt từ sáng sớm tại nhà ga T2 sân bay Nội Bài, ông Phạm Quang Sơn (trú tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết gia đình ông rất vui khi biết con cháu đã được đón về. “Con cháu tôi buôn bán, học hành ở thành phố cảng Odessa từ nhiều năm nay. Khi xung đột xảy ra, mọi người đều rất lo lắng vì không biết tên bay đạn lạc sẽ thế nào”, ông Sơn nói và cho biết ông sinh sống ở Odessa trong nhiều năm qua, 2 năm trước ông về Việt Nam và chưa trở lại Ukraine do dịch bệnh Covid-19 bùng phát. “Tôi cũng không nghĩ rằng xung đột có thể xảy ra giữa Nga và Ukraine dẫn đến tình cảnh con cháu phải chạy khỏi vùng chiến sự về Việt Nam như lần này”, ông Sơn nói.

Chuyến bay đưa 287 công dân Việt Nam tại Ukraine về sân bay Nội Bài ngày 8.3

Đậu Tiến Đạt

Bảo hộ công dân là ưu tiên hàng đầu

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, người có mặt tại sân bay Nội Bài khi chuyến bay cứu trợ đầu tiên đưa công dân Việt Nam từ Ukraine về nước, cũng nói rằng ông “vừa vui mừng, vừa bồi hồi xúc động” khi chuyến bay đặc biệt được tổ chức trong thời gian rất ngắn để đưa gần 300 người với nhiều trẻ em về nước. “Tôi đã đứng ở chân cầu thang máy bay đón bà con về. Cơ bản nhận thấy bà con đều khỏe mạnh, vui mừng biết ơn đến Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã nhanh chóng, kịp thời tổ chức được chuyến bay đưa bà con về nước an toàn”, ông Hiệu nói.

Theo ông Hiệu, từ khi chiến sự xảy ra ở Ukraine, một trong những chủ trương ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ Việt Nam là đảm bảo an toàn tính mạng, bảo hộ hợp pháp công dân và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Chính phủ đã thành lập một tổ công tác đặc biệt để sơ tán bà con khỏi vùng chiến sự và hỗ trợ bà con trên tinh thần tự nguyện được về nước an toàn. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia... phối hợp các hội đoàn sơ tán ngay bà con ở những vùng chiến sự ác liệt nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, từ tối 7.3, Bộ Y tế đã thông báo bà con vừa về nước khai báo sức khỏe trên phần mềm PC-Covid và có thể về nơi cư trú mà không phải cách ly tập trung. “Bộ GTVT ngoài việc bố trí chuyến bay, cũng tổ chức các phương tiện đưa bà con về nơi cư trú. Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam có công văn gửi các tỉnh, thành đề nghị phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho bà con ổn định cuộc sống, hòa nhập và tính thêm các bước trong tương lai”, ông Hiệu cho biết.

“Chúng tôi đã lên phương án cụ thể đón bà con tại các khu vực biên giới. Từ khi chiến sự xảy ra, đại sứ ta ở các nước đã xây dựng kế hoạch ra tận biên giới hỗ trợ bà con, cố gắng không để ai bị đói, rét, thiếu thốn lương thực”, ông Hiệu nói và cho biết, nhờ sự nỗ lực của nhiều cơ quan, chuyến bay đầu tiên đã được tổ chức chỉ trong 2 - 3 ngày.

Để thực hiện chuyến bay này, Vietnam Airlines đã sắp xếp tổ bay gồm 25 thành viên, trong đó có 5 phi công (3 cơ trưởng), 12 tiếp viên, 2 kỹ thuật, 4 nhân viên phục vụ mặt đất…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.