Bắc Kinh thất vọng nhiều hơn khi kỳ vọng trước cuộc họp là được EU công nhận là nền kinh tế thị trường và EU không thể hiện thái độ gì về phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA).
EU chưa công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường vì cho rằng nước này vẫn còn bù trợ cho ngành công nghiệp thép, nghĩa là vẫn tiếp tục bảo hộ, phá giá và cạnh tranh không lành mạnh. EU không đứng hẳn về bên nào trong vấn đề Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng đánh giá tích cực phán quyết của PCA, kêu gọi tôn trọng phán quyết này cũng như thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982.
Chỉ như vậy thôi cũng đủ hiểu là EU không đồng tình với quan điểm thái độ của Trung Quốc về phán quyết, với những hành động bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông và với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.
Cuộc họp thất bại bởi xung khắc lợi ích và bởi bối cảnh hiện tại trong EU hoàn toàn không thích hợp cho những quyết sách ở tầm lớn lao. Cuộc ly khai của Anh, vấn đề người tị nạn vẫn rất trầm trọng và bế tắc, mối nguy khủng bố… buộc EU phải dành ưu tiên cao hơn cho chuyện nội bộ. Vì thế, những thỏa thuận với các đối tác bên ngoài trở nên khó khăn hơn và mất tính cấp thiết. Vì thế, việc thỏa hiệp lợi ích càng thêm khó khả thi. Trung Quốc là trường hợp mới nhất chứ không phải đầu tiên.
|
Bình luận (0)