Cuộc khủng hoảng mang tên Evergrande

23/09/2021 08:00 GMT+7

Các thị trường chứng khoán, đặc biệt tại châu Á, đang trong tình trạng cảnh giác cao độ khi tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đối mặt nguy cơ vỡ nợ.

Tập đoàn Evergrande, tức Tập đoàn Hằng Đại, là một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn này hiện nằm trong danh sách Global 500 do tạp chí Fortune xếp hạng hằng năm.

Từ huy hoàng…

Được niêm yết tại Hồng Kông và có trụ sở tại TP.Thâm Quyến (Trung Quốc đại lục), Evergrande có khoảng 200.000 nhân viên, về mặt gián tiếp giúp duy trì hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm, theo Đài CNN.

Ngồi trên "bom nợ", đại gia Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản

Nhà sáng lập tập đoàn là tỉ phú Hứa Gia Ấn, từng là người giàu nhất Trung Quốc. Tính đến tháng 9.2021, tạp chí Forbes ước tính tổng tài sản ròng của tỉ phú Hứa là 10,7 tỉ USD (243.542 tỉ đồng). Evergrande tạo dựng tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản dân cư, với tuyên bố đang sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố trên khắp Trung Quốc. Bên cạnh bất động sản, tập đoàn còn tấn công những lĩnh vực khác, như: sản xuất xe điện, thể thao và công viên giải trí. Evergrande còn đầu tư vào mảng thực phẩm, nước giải khát, nước đóng chai, sản phẩm đường sữa và những loại hình hàng hóa khác.
Năm 2010, tập đoàn mua đội bóng đá, giờ đây là CLB Quảng Châu Hằng Đại, và xây dựng trường dạy bóng đá được cho lớn nhất thế giới với chi phí lên đến 185 triệu USD. Hiện CLB này đang xây dựng sân vận động lớn nhất thế giới với kinh phí 1,7 tỉ USD, dự kiến hoàn tất vào năm sau với sức chứa khoảng 100.000 chỗ ngồi. Doanh thu năm ngoái của tập đoàn là 7 tỉ USD.

Đến trở thành “bom nợ”

Tuy nhiên, những năm gần đây, Evergrande dần lún sâu vào nợ nần vì liên tục vay mượn để chi trả và bù đắp cho tham vọng đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Tập đoàn Trung Quốc đối mặt hai khoản đáo hạn từ nay cho đến cuối tháng 9. Đầu tiên là khoản thanh toán lãi các trái phiếu có giá trị 83 triệu USD vào ngày 23.9 và khoản thứ hai vào ngày 29.9 trị giá 47,5 triệu USD, theo Reuters. Tuần trước, Evergrande chính thức thừa nhận có thể không thực hiện việc chi trả lãi đúng hạn, gây sốc cho các nhà đầu tư.
Tờ The Guardian ngày 22.9 dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng Evergrande hiện là tập đoàn phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, với tổng số nợ vượt ngưỡng 300 tỉ USD (tương đương 2% GDP Trung Quốc). Vẫn chưa rõ nguyên nhân đằng sau sự chật vật hiện tại của Evergrande. Tuy nhiên, bài phân tích trên website weforum.org đề cập một thực tế, theo đó chính phủ Trung Quốc đang siết chặt luật lệ trong lĩnh vực bất động sản trong nỗ lực kiểm soát giá nhà tăng vọt và tình trạng vay nợ quá mức.
Evergrande bắt đầu xuất hiện vấn đề từ năm ngoái, khi chính quyền Bắc Kinh ban hành luật lệ khống chế các khoản nợ của giới đầu tư bất động sản. Trong khi đó, sở dĩ Evergrande có thể lớn mạnh như ngày nay là thông qua việc vay mượn, dẫn đến khoản nợ khổng lồ hiện tại.
Trong nỗ lực giải quyết thanh khoản, Evergrande năm 2020 tìm cách bán bớt một số hoạt động kinh doanh của mình, nhưng thất bại. Bằng chứng là năm ngoái, công ty này gửi thư yêu cầu sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Trung Quốc. Thời điểm đó, Evergrande đối mặt cuộc khủng hoảng thanh khoản và gây quan ngại trong giới các nhà đầu tư.
Sự bất ổn kéo dài đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn bốc hơi khoảng 85% giá trị từ đầu năm đến nay. Các tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu cũng lần lượt giáng cấp trái phiếu của công ty này.

Hậu quả đáng lo

Đài CNBC dẫn thông tin từ Công ty Capital Economics (trụ sở London, Anh) cho hay hiện có khoảng 1,4 triệu khách hàng đã trả tiền trước và chờ Evergrande giao nhà. Thế nhưng, ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, nhận định: “Chúng tôi chưa rõ họ có thể hoàn thành công trình nhà ở cho các khu dân cư hay không, nhưng câu trả lời e rằng không”.
Trước tình trạng tài chính của Evergrande, nhiều nhà đầu tư đã tổ chức biểu tình tại trụ sở tập đoàn ở TP.Thâm Quyến. Reuters ghi lại hình ảnh về các cuộc biểu tình và sự phẫn nộ của những người mất trắng khi đầu tư vào công ty này. Những đoạn clip trên mạng xã hội cho thấy biểu tình xảy ra ở các thành phố Hải Nam, Nam Xương, Thành Đô, theo Đài CNN.
Bên cạnh đó, Evergrande cũng vay tiền khoảng 171 ngân hàng trong nước và 121 công ty tài chính khác. Vì thế, nếu tập đoàn thật sự vỡ nợ, hệ thống ngân hàng sẽ gánh chịu hậu quả, và kéo theo đó là nguy cơ khủng hoảng tín dụng. Tờ The Guardian dẫn lời các nhà phân tích cho rằng nếu hệ thống ngân hàng bị thiệt hại do Evergrande thì sẽ là tin xấu cho kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.
Theo nhà kinh tế trưởng Williams của Capital Economics, sự sụp đổ của Evergrande sẽ là thử thách lớn nhất mà hệ thống tài chính của Trung Quốc phải đối mặt trong những năm gần đây.
“Gốc rễ của những vấn đề mà Evergrande cũng như các nhà phát triển bất động sản đang phải giải quyết chính là nhu cầu bất động sản dân cư ở Trung Quốc đang tiến vào thời kỳ suy giảm liên tục”, theo chuyên gia Williams. Và trường hợp của Evergrande chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra trong trường hợp các nhà phát triển bất động sản vỡ nợ và tác động có thể xảy đến cho sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Hậu quả cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
GS Lý Đạo Quỳ của Đại học Thanh Hoa cảnh báo “cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande có thể trì hoãn tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nhiều dự án sẽ bị chậm lại”, Đài CNBC dẫn lời ông Lý, cựu cố vấn Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc. “Thị trường bất động sản sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm tới, do nguồn tài chính rót cho lĩnh vực này sẽ chậm hơn”, vị giáo sư phân tích. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng mức độ ảnh hưởng cho hệ thống tài chính Trung Quốc đến từ việc vỡ nợ của Evergrande cũng chỉ dừng ở mức tối thiểu. Hôm 21.9, Ngân hàng Phát triển châu Á vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc là 8,1% năm 2021 và 5,5% cho năm 2022.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.