Vào ngày 14.10.1962, một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ đã chụp được các bức ảnh tiết lộ sự hiện diện của các tên lửa hạt nhân Liên Xô ở Cuba.
Dù người Mỹ biết Liên Xô đã đặt một số tên lửa phòng thủ dọc bờ biển Cuba, những gì họ chứng kiến là dấu hiệu rõ ràng đầu tiên rằng các vũ khí hạt nhân tấn công hiện diện tại Cuba.
|
Các chuyến bay do thám sau đó tiết lộ rằng có 33 tên lửa được đặt tại Cuba. Tuy nhiên, mãi đến nhiều thập niên sau đó, tại một cuộc hội thảo về cuộc khủng hoảng ở Havana, đại tướng Liên Xô Anatoly I. Gribkov, người phụ trách việc triển khai các tên lửa ở Cuba, tiết lộ Liên Xô thực tế đã triển khai 45 đầu đạn hạt nhân, bao gồm chín tên lửa tầm gần hay tên lửa hạt nhân chiến thuật mà nước Mỹ chưa bao giờ phát hiện.
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy được thông báo về các tên lửa vào buổi sáng ngày 16.10 và đã triệu tập một nhóm các chuyên gia nhằm quyết định các hành động đối phó.
Nhóm được biết với tên gọi Ban điều hành đã tiến hành thảo luận trong gần một tuần. Ban đầu, các chuyên gia muốn tiến hành một cuộc không kích và tiếp tục bằng một cuộc xâm lược song họ lo sợ việc này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể tránh khỏi.
Phong tỏa hay xâm lược?
Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng tháng 10, Tổng thống Kennedy đã nói rõ rằng sự hiện diện hạt nhân Liên Xô tại Cuba sẽ không được dung thứ. Ông thậm chí đi xa đến mức soạn sẵn một bài diễn văn mở đầu bằng đoạn: “Sáng nay, tôi đã miễn cưỡng ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tấn công và tiêu diệt các lực lượng hạt nhân ở Cuba”.
Dù ông Kennedy chưa bao giờ đọc bài diễn văn đó và cuộc đối đầu kéo dài 13 ngày với Liên Xô đã được giải quyết một cách hòa bình, Mỹ và Liên Xô đã tiến rất gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân vào năm 1962.
Ông Gribkov cho biết các tư lệnh Liên Xô ở Cuba đã được giao quyền sử dụng chín vũ khí hạt nhân chiến thuật để đẩy lùi lực lượng xâm lược, nghĩa là hai nước chắc chắn sẽ lâm vào một cuộc chiến hạt nhân nếu Mỹ chọn phương án xâm chiếm Cuba.
Hồ sơ về vụ khủng hoảng tên lửa Cuba mới được Thư viện Kennedy công bố hôm 11.10 cho thấy Ban điều hành đã chia làm hai phe: Phe diều hâu chọn phương án không kích và xâm lược trong khi phe bồ câu chọn phương án phong tỏa và thương thuyết.
Hồ sơ này nằm trong số giấy tờ được giải mật của cựu Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy, em trai Tổng thống Kennedy. Ông Robert F. Kennedy đã ghi lại danh sách của phe diều hâu và phe bồ câu trong một bản viết tay vào ngày 16.10.1962.
Phe bồ câu bao gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara cùng người phó Roswell Gilpatric, Ngoại trưởng Dean Rusk cùng các trợ lý George Ball, Alexis Johnson, và Edwin Martin, các chuyên gia về Liên Xô Llewellyn Thompson và Chip Bohlen, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Adlai Stevenson, Thứ trưởng Ngoại giao và là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Lovett, và người viết diễn văn cho tổng thống Ted Sorensen.
Phe diều hâu được dẫn đầu bởi Cố vấn An ninh Quốc gia Mac Bundy và bao gồm cựu Ngoại trưởng Dean Acheson, Bộ trưởng Tài chính Douglas Dillon, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương John McCone, và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Paul Nitze. Toàn bộ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đứng đầu là đại tướng Maxwell Taylor đều ủng hộ một cuộc không kích.
Giống người anh trai, ban đầu Robert F. Kennedy cũng nghiêng về một cuộc không kích song cả hai đã nhanh chóng thay đổi ý kiến và chọn giải pháp phong tỏa do ông McNamara đề xướng.
|
Tổng thống Kennedy đưa ra thông báo về việc phong tỏa trong một bài diễn văn được truyền hình trên toàn quốc vào ngày 22.10.1962. Ông cảnh báo các lãnh đạo Liên Xô rằng: “Chính sách của quốc gia này xem mọi tên lửa bắn từ Cuba đến bất kỳ quốc gia nào ở bán cầu Tây như là một cuộc tấn công của Liên Xô nhằm vào nước Mỹ, do đó cần có một sự đáp trả toàn diện với Liên Xô”.
Hai ngày sau đó, các con tàu của Liên Xô đã tiến đến gần đường phong tỏa và ngừng lại.
Sergei Khrushchev, con trai của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, khi đó được 27 tuổi, kể rằng ông nhớ cha mình đã bình tĩnh trong suốt cuộc khủng hoảng. “Ông ấy không hoang mang. Ông ấy nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất là không được phép bắn trước”, Khrushchev nói.
“Bởi sau phát đầu tiên, sẽ không còn chuyện thương lượng và mọi chuyện sẽ nằm trong tay quân đội, những người sẽ hành xử theo một cách rất khác. Và tôi nghĩ Tổng thống Kennedy có cùng ý nghĩ đó nhằm tránh phát bắn đầu tiên bởi trước khi đó, bạn có thể mặc cả song sau khi đó, bạn sẽ chết”.
Khrushchev nói cha ông cùng Tổng thống Kennedy là kẻ thù song họ đã thương thuyết với nhau.
Thỏa thuận bí mật
Vào ngày 26.10.1962, Kennedy nhận được một thông điệp từ Khrushchev đề nghị rút các tên lửa tại Cuba để đổi lại lời cam kết của Washington rằng sẽ không xâm lược Cuba hoặc lật đổ Fidel Castro.
Trước khi phản hồi, Tổng thống Kennedy tiếp tục nhận được một bức thư từ Khrushchev. Lần này có thêm điều kiện là Mỹ phải rút các tên lửa của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lại việc Moscow rút tên lửa khỏi Cuba.
Chuyên gia về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba Graham Allison tiết lộ ông Kennedy cùng nhóm cố vấn đã quyết định làm lơ bức thư thứ hai và đồng ý với nội dung của bức thư thứ nhất trong một đề xuất mới.
Allison nói: “Và đề xuất bao gồm ba yếu tố. Một là thỏa thuận được công khai và nó về căn bản giống như đề xuất của bức thư thứ nhất, đó là các ông rút tên lửa và tôi sẽ cam kết không xâm lược hoặc tấn công Cuba. Thứ hai là một tối hậu thư bí mật, trong đó nói chúng ta cần phải giải quyết trong vòng 24 giờ đồng hồ, nếu không chúng tôi sẽ hành động. Và yếu tố thứ ba, mà tôi gọi là món hối lộ bí mật, trong đó nói chúng tôi chưa sẵn sàng thỏa thuận với các ông về các tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Song tôi chỉ nói với các ông rằng nếu các tên lửa được rút khỏi Cuba, thì trong vòng sáu tháng, sẽ không còn tên lửa nào ở Thổ Nhĩ Kỳ”.
Vào ngày 28.10.1962, Nikita Khrushchev đã thông báo trên đài truyền thanh Radio Moscow rằng Liên Xô đã chấp nhận đề xuất của người Mỹ và sẽ rút các tên lửa khỏi Cuba.
Vào giữa tháng 11.1962, toàn bộ các tên lửa được rút khỏi Cuba và vào tháng 4 năm sau, toàn bộ các tên lửa Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ được dỡ bỏ theo thỏa thuận bí mật.
Sơn Duân
>> Công bố băng ghi âm trong vụ ám sát Kennedy
>> Công bố phỏng vấn bà Jacqueline Kennedy
>> Góc nhìn mới về Jackie Kennedy
>> Đấu giá thư tình của Jaccqueline Kennedy
Bình luận (0)