Cuộc tập kích tên lửa mới từ Nga gây áp lực gì lên đồng minh của Ukraine?
Các cuộc tấn công bằng tên lửa ngày 10.10 của Nga dường như báo hiệu một sự leo thang đáng kể, gây áp lực lên Mỹ và những nước châu Âu còn chậm cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất, theo tờ The Washington Post.
Tự động phát
Sau các cuộc tập kích tên lửa mới của Nga vào Kyiv, Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky để cam kết tiếp tục sát cánh Ukraine và sẽ cung cấp cho Kyiv các hệ thống phòng không mới.
Hồi đầu tháng 7, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine hai Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (tức NASAMS). Hôm 10.10, một quan chức quốc phòng Mỹ dự đoán hai hệ thống này sẽ được đưa đến Ukraine trong vòng vài tuần tới khi thiết bị đã sẵn sàng và quá trình huấn luyện hoàn tất. Vị quan chức cho biết thêm có thể mất vài năm nữa để mua và chuyển giao thêm 6 hệ thống NASAMS cho Ukraine trong nỗ lực lớn hơn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine.
Một chiếc xe bị cháy rụi sau vụ tấn công vào Kyiv hôm 10.10 |
reuters |
Trong lúc này, Mỹ tập trung tạo điều kiện cho việc chuyển giao các hệ thống phòng không thời Liên Xô cho Kyiv vì quân đội Ukraine quen thuộc với những hệ thống này.
Vào hồi tháng 4, Slovakia đã chuyển giao một hệ thống S-300 cho Ukraine và đã được bù đắp bằng hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ vận hành. Lầu Năm Góc cho biết sẽ tham vấn với chính phủ Slovakia về một giải pháp lâu dài hơn.
Tổng thống Zelensky cho hay ông sẽ phát biểu trong một cuộc họp khẩn cấp trực tuyến của các nước G7 trong hôm nay 11.10. Những lời kêu gọi của Ukraine về việc tăng cường viện trợ quân sự cũng sẽ được thảo luận trong tuần này tại hai cuộc họp ở Brussels (Bỉ), gồm một cuộc họp có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng NATO và cuộc họp còn lại liên quan Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, một nhóm có khoảng 50 quốc gia được thành lập để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine.
Ngay cả trước cuộc tấn công ngày 10.10, các quan chức hàng đầu của Ukraine đã tuyên bố cần phải tăng cường phòng không. Hôm 9.10, sau các cuộc tấn công của Nga vào tỉnh Zaporizhzhia thuộc miền nam Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nhấn mạnh rằng “chúng tôi cần khẩn cấp các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại hơn" và kêu gọi các đối tác thúc đẩy nhanh việc chuyển giao.
Trong vòng vài giờ sau cuộc tấn công mới, Tổng thống Zelensky đã gọi điện khẩn cấp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về phòng không và các viện trợ quân sự khác.
Bộ Quốc phòng Đức ngày 10.10 cho hay sẽ chuyển giao hệ thống đầu tiên trong số 4 hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine trong "vài ngày tới".
Còn Tổng thống Macron đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp nhiều thiết bị quân sự hơn.
Bình luận (0)