Ít không đồng ý, nhiều liền gật đầu
Theo cáo trạng, đầu năm 2023, Thanh tra tỉnh Lai Châu đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Bị cáo Nguyễn Thanh Trì thời điểm này còn giữ chức Chánh thanh tra tỉnh Lai Châu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra này.
Đoàn công tác được thành lập có thành phần gồm các bị cáo Ngô Thị Dung, Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo 1 (viết tắt là Phòng 1, thuộc Thanh tra tỉnh Lai Châu), làm trưởng đoàn, cùng với các thành viên Đỗ Lương Bằng (thư ký đoàn), Vũ Thanh Vận và Lê Mạnh Cường đều là thanh tra viên thuộc Thanh tra tỉnh; Lò Văn Ngọc, chuyên viên thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu và Phạm Trọng Thứ, viên chức thuộc Sở TN-MT tỉnh Lai Châu.
Quá trình thanh tra, đoàn công tác phát hiện hóa đơn mua cây giống tại ban quản lý rừng phòng hộ các huyện có sự chênh lệch lớn so với hóa đơn mua vào của các đơn vị cung ứng.
Biết việc này, ngày 16.2.2023, các bị cáo Mai Hồng Hạnh, Tống Văn Hoàn, Nguyễn Văn Tuyển, Mạch Thọ Quyết, Nguyễn Duy Hoan, Lò Thanh Tùng lần lượt là cựu Trưởng ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ các huyện Tân Uyên, Mường Tè, Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ và Than Uyên hẹn gặp nhau tại TP.Lai Châu (tỉnh Lai Châu) và thống nhất cử 2 ông Hạnh, Hoàn đại diện các ban đến gặp bà Dung và ông Bằng tại Phòng 1 Thanh tra tỉnh Lai Châu để nói chuyện.
Tại đây, bà Dung mang một số hóa đơn mua cây giống cho các ông Hoàn và Hạnh cùng xem, nghiên cứu đối chiếu để đánh giá vi phạm. Nhận thấy hóa đơn mua cây giống tại BQL rừng phòng hộ các huyện đều có sự chênh lệch lớn so với hóa đơn mua vào của các đơn vị cung ứng nên ông Hạnh đã đặt vấn đề với bà Dung về việc "cảm ơn" lãnh đạo thanh tra tỉnh và đoàn thanh tra bằng tiền "từ 3 con số trở lên" để xin bỏ qua lỗi chênh lệch giá cây giống nhưng bà Dung chưa đồng ý vì cho rằng bản thân "không quyết được" mà phải báo cáo chánh thanh tra tỉnh, đồng thời dặn ông Hạnh trực tiếp làm việc với ông Bằng.
Khoảng 17 giờ ngày 16.2.2023, ông Hạnh và ông Hoàn đến nhà gặp ông Bằng để nói chuyện. Tại đây, ông Hạnh đề xuất cảm ơn từ 100 - 200 triệu đồng nhưng ông Bằng không đồng ý.
Thấy không xuôi, ông Hạnh tiếp tục đề xuất "cảm ơn đoàn thanh tra 300 triệu đồng, lãnh đạo thanh tra tỉnh cũng như của đoàn thanh tra" liền được ông Bằng gật đầu đồng ý.
Bà Dung sau đó gặp ông Trì báo cáo việc các BQL rừng phòng hộ muốn gặp "cảm ơn". Ông Trì dặn bà Dung "nếu giúp được mà không ảnh hưởng đến tỉnh thì tạo điều kiện cho các ban, nhưng phải có căn cứ và không được giấu số liệu".
Góp tiền để đưa hối lộ
Về phía các BQL rừng, sau khi nhận được "cái gật đầu" của ông Bằng, cả nhóm trưởng ban gặp nhau để bàn bạc, thống nhất cùng nhau góp tiền để đưa cho thanh tra với tỷ lệ đóng góp theo diện tích rừng trồng của từng BQL.
Cụ thể, các BQL rừng phòng hộ Mường Tè 100 triệu đồng, Tân Uyên 100 triệu đồng, Tam Đường 60 triệu đồng, Than Uyên 30 triệu đồng, Phong Thổ 20 triệu đồng, Nậm Nhùn 60 triệu đồng, Sìn Hồ 230 triệu đồng. Tổng là 600 triệu đồng.
Thấy ban phải góp 230 triệu đồng, ông Hoan đã hẹn gặp và thu của ông Lưu Anh Võ và Nguyễn Ngọc Chỉnh là người tiền nhiệm của mình, mỗi người 70 triệu đồng.
Ngày 20.2.2023, nhóm trưởng BQL hẹn gặp nhau tại một quán cà phê để góp tiền. Tại đây, ông Tuyển góp 10 triệu đồng (thiếu 10 triệu đồng theo thỏa thuận), ông Quyết góp 60 triệu đồng, ông Hạnh góp 100 triệu đồng, ông Hoàn góp 100 triệu đồng, ông Hoan đóng 200 triệu đồng (thiếu 30 triệu đồng theo thỏa thuận), 2 người còn lại không đến đã chuyển khoản để đóng 60 triệu đồng và 30 triệu đồng. Tổng số tiền góp được 560 triệu đồng, cả nhóm đưa cho ông Trì 300 triệu đồng, đưa ông Bằng 260 triệu đồng.
Nhận tiền, bà Dung và ông Bằng thống nhất mỗi người lấy 80 triệu đồng, còn lại chia cho mỗi thành viên trong đoàn thanh tra 25 triệu đồng. Về phía ông Trì, sau khi nhận 300 triệu đồng, bị cáo này lấy 30 triệu chi tiêu cá nhân, số còn lại đưa cho vợ.
Sau khi nhận tiền, đoàn thanh tra đã tham mưu cho ông Trì ký báo cáo mật gửi UBND tỉnh và dự thảo báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo thường trực Tỉnh ủy nhưng đều không đề cập đến sai phạm của các BQL rừng.
Ngày 23.3.2023, ông Hoan viết đơn tự thú về hành vi đưa hối lộ của mình và đồng phạm. Trong ngày 28 - 29.3.2023, các ông Quyết, Vận, Thứ, Hoàn, Bằng, Cường, Võ, Chỉnh đến cơ quan điều tra đầu thú. Những người còn lại lần lượt bị triệu tập, bắt giữ sau đó.
Ngày 15.5, kết thúc phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu đã tuyên phạt nhóm bị cáo tội nhận hối lộ, gồm: ông Trì 2 năm 6 tháng tù, bà Dung 7 năm 3 tháng tù, ông Bằng 7 năm tù; các ông Ngọc, Cường, Vận và Thứ cùng 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
9 bị cáo là các cựu Trưởng BQL rừng phòng hộ phạm tội đưa hối lộ, trong đó các ông Hạnh, Hoàn cùng nhận 2 năm 6 tháng tù; ông Quyết và Hồng cùng nhận 2 năm 3 tháng tù; ông Hoan, Tùng, Tuyển cùng nhận 2 năm tù; ông Võ, Chỉnh cùng nhận 1 năm 6 tháng tù, được hưởng án treo.
Bình luận (0)