Và sau khoảnh khắc này ngươi bắt đầu dấn thân vào cuộc phong trần, ngươi chói chang, lóe sáng… Hãy cứ trôi đi theo định mệnh hoặc ý muốn mà ngươi định sẵn…”.
Gã đứng trên cầu Trần Hưng Đạo bắc ngang qua sông Cà Ty trong lòng thành phố Phan Thiết và suy nghĩ vẩn vơ. Gã buông ý nghĩ chì chiết với mặt trời hay đang thỏ thẻ tâm sự, gã không hề để ý về chuyện này. Điều mà lâu lắm rồi gã chưa nhận ra và cho đến sáng mai nay mới vừa nhận ra, là mỗi rạng đông, dù đang ở trên thẻo đất quê nhà xa tít trong một huyện lẻ miền Trung nắng cháy, dù đang ở trên bãi cát mênh mông sương sớm ẩm ướt ở Mũi Đôi, vùng cực đông của đất liền Tổ quốc hay dù ở nơi thành phố Cà Mau, thành phố vùng cực nam,… là cái khoảnh khắc này, nơi chiếc cầu này, dòng sông này và biển xa kia. Cái khoảnh khắc mặt trời nhô lên, tròn vạnh, ửng đỏ, dịu dàng và thanh thoát. Lúc ấy, gã đã nhìn thẳng vào mắt mặt trời, xao động, run rẩy, mơ màng bao ý nghĩ sáng trong, thanh thản, nhẹ nhàng. Ừ, chỉ có lúc này và chỉ có lúc này, gã và mặt trời thực sự gần gũi chuyện trò yêu thương…
Mặt trời đã nhô lên hẳn, những đám mây đầy sắc màu mang phản quang của tia sáng bình minh đã tan loãng, ánh hồng thắm không còn nữa, xe cộ nườm nượp qua cầu, gã bắt đầu lang thang dọc theo cầu và đi về phía ngược dòng Cà Ty. Trước mặt là những cây cầu mới bắc qua, thẳng theo con đường này, vượt qua con đường ngang trên khách sạn Cà Ty, sẽ dẫn đến trường Dục Thanh ngày xưa với sự kiện mà sử sách đã ghi. Nhìn dòng sông mùa nước đục ngầu màu phù sa sau những ngày mưa xối xả, gã nhớ đến miền sóng nước Cà Mau.
“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam, ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời” - ca từ trong bài hát Áo mới Cà Mau của tác giả Thanh Sơn cất lên trong lòng gã. Sao lại có mối liên hệ này nhỉ? Phải chăng từ trong tiềm thức nơi đây là tỉnh cực nam của khúc ruột miền Trung còn Cà Mau là tỉnh cực nam của miền Nam mênh mang sóng nước, hay phải chăng Cà Mau đã ở trong máu trong thịt gã từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tiểu học “Nước Việt Nam hình cong chữ S trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Gã không còn ở cái tuổi mà những rung động bên trong biểu hiện qua sắc thái tình cảm hoặc lời nói bên ngoài. Những chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình yêu, về những chuyện gọi là thời sự đang diễn ra cứ thấm dần, thẩm thấu vào bên trong và tan biến vào dòng máu đang chu chuyển trên cơ thể gã. Những cuộc điện thoại để chờ phía đầu dây bên kia thủ thỉ “em nghe…”, những ngợi khen, ta thán về cái xấu cái tốt thường ngày, những cuộc tranh luận đúng sai về các sự kiện trong nước hay ngoài nước như càng lúc càng xa lạ với gã. Gã nghe, gã biết, gã suy nghĩ rồi trầm tư nhiều lúc đến vật vã. Thế mà người ta cứ thấy gã nhởn nhơ, vô tư lự! Nhiều đêm gã đã mơ màng vuốt ve cái ước mơ mà gã mang trong tâm mình hàng chục năm trời là được đi đến bốn cực nam, bắc, đông, tây của đất liền Tổ quốc và các cực của mỗi miền Bắc, Trung, Nam. Thế nên gã không hề có ý nghĩ sẽ đi du lịch nước ngoài dù đôi lần gã có điều kiện hoặc bạn bè khuyên nhủ hay chê bai! Gã đã đến Điện Biên ở cực tây, đến Mũi Đôi ở cực đông, còn Lũng Cú và Đất Mũi? Đó là nói chuyện của năm trước, còn mùa xuân năm này gã đã đến Cà Mau.
Gã dừng lại bờ kè phía bên này sông Cà Ty. Nơi này, gã đã từng đứng chờ hoàng hôn xuống, đứng ngóng bình minh lên và ngồi hàng giờ trên ghế đá của công viên nhỏ để ngắm phố phường, thiên hạ vào đêm ở những lần đến đây trước kia.
***
Ngày ấy, gã đăng ký đi theo tour du lịch các tỉnh miền Tây Nam bộ. Xe xuất phát từ Nha Trang vượt qua ngàn cây số đến điểm tận cùng Tổ quốc. Trên xe có mười lăm người kể cả bác tài. Gã dễ nhận ra số lượng nam nữ vì có cặp đôi cô cậu thanh niên khá xinh đẹp cứ ngồi nép vào nhau dù hơi lạnh tỏa ra từ máy lạnh trong xe không đủ xua đuổi cái nóng trong người đang dần vào trưa. Xe đi qua những dãy phố, những làng quê, những dải rừng lúp xúp đá chen lẫn những bụi cây và những bầy cừu. Thi thoảng những cụm bằng lăng nở hoa tím ngát vạt rừng. Rồi biển. Núi đâm ra tận biển, bài học địa lý có câu đó và cứ mỗi lần qua đây gã nhớ như vậy! Ôi, không phải biển nào cũng biếc xanh, sóng vỗ rì rào, vuốt ve bờ cát. Đoạn thì biển hun hút xanh từ phía những vực sâu dưới những gành đá vững chãi; đoạn thì biển nửa nâu nửa xanh kéo dài từ bờ cát mịn màng lan xa nhìn qua những nhành dương, những tán lá dừa; đoạn thì biển màu đen sẫm bởi những lớp đá đen nuôi giữ trong lòng biển xưa nay… Gã ngẫm ngợi biển ở cuối trời Tổ quốc màu gì nhỉ? Rồi Biển Đông, rồi biển Tây?
- Ba em mà biết được là chết!
- Làm sao ba biết được là có anh đi cùng em.
- Hy vọng là thế, nhưng cũng lo lo…
Cái cô cậu này, đã trốn đi chơi với nhau mà cứ nói tỉnh bơ trước mọi người như chẳng có ai quanh mình. Hình như cô gái giật mình, nhìn quanh và ghé sát tai chàng trai thầm thì. Thôi đó là chuyện của cô cậu còn trẻ trung căng tròn cả về sức lực và tình yêu ấy. Gã thả tâm trí mình theo từng cung đường đi qua! Những kiến thức gã đã học, đã đọc về đất nước yêu dấu này đang hiện về theo từng chỗ từng nơi và được đánh dấu theo từng bảng “Chào mừng quý khách” và “Chúc thượng lộ bình an” của các tỉnh, các thành phố, các huyện! Xe đi qua Nha Trang, thành phố biển hiền hòa xinh đẹp trải dài đến tận bãi Dài Cam Lâm; xe đi qua cánh đồng nắng cháy trải dài từ quốc lộ nối với những cánh rừng nơi chân núi; xe đi qua những đồi cát đổi màu dưới những cụm cây xanh lỗ chỗ như một thảo nguyên xanh; xe đi qua miền xanh cây trái và những cánh rừng cao su bạt ngàn; xe đi qua…
- “Chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời, yêu và được yêu”. George Sand đã nói như vậy.
- Nhưng ông Saint Exupery lại nói: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà cùng nhìn về một hướng”.
- Nhìn một hướng cái gì, phải nhìn nhau chứ! Anh thích câu này “To love and to be loved is the greatest happiness on earth (*)”.
- Của ai thế?
- Anh không biết! Anh chỉ thuộc lòng nó khi bắt đầu mơ mộng yêu em!
- Thôi của ai cũng được. Cái quan trọng là đến Đất Mũi, điểm cực Nam của Tổ quốc mình, đứng giữa tiếng sóng từ hai bờ Biển Đông và biển Tây, anh và em…
- Anh nhớ điều đó và mong lắm chứ!
Cô cậu thanh niên vô tình phá vỡ dòng suy nghĩ của gã về đất nước, cảnh vật, con người nơi xe đi qua. Nó đã dẫn gã vào một ngã rẽ khác. Ngã rẽ về ký ức tình yêu!
***
Năm giờ chiều ngày thứ hai, gã nhận phòng ở khách sạn Song Hoàng ngay trên một con đường khá lớn giữa thành phố Cà Mau. Gã vội vã nhận phòng, dội nước sơ qua, mặc bộ quần áo đã chọn sẵn, dành riêng cho việc chào đón miền đất tận cùng này mà gã đã chuẩn bị trước. Gã vẫn được sắp xếp ở chung phòng với người đàn ông trung niên, thâm thấp, bụng phệ, da ngăm, ít nói, ngoài cái câu giới thiệu nghề nghiệp là nông dân. Tất nhiên gã không tin vì nông dân cũng có khổ người, dáng người như vậy nhưng không thể có cái bụng phệ đầy bia đó! Gã ra đường sau khi nhắc bạn cùng phòng nhớ gửi chìa khóa phòng ở lễ tân. Có lẽ đây là con đường chính. Thả bộ như kẻ nhàn tản, gã đi về phía cây cầu. Đứng trên cầu lớn, nhìn xuống bên dưới là phố chợ. Người ta họp chợ cả dưới chân cầu. Hình như chỗ đó là khu bán gia cầm. Đúng hơn là bán vịt. Vịt sống, vịt đã làm xong bày ra hàng trăm con, kéo dài… Đầu cầu bên kia có một cái cổng lớn, trên là bảng vòng cung ghi chữ “Chợ đêm Cà Mau”, tiếc rằng chưa phải đêm để tận mắt thấy màu sắc lung linh dưới ánh đèn điện như thế nào… Có điện thoại báo đến giờ tập trung ăn cơm chiều. Có bực mình, nhưng không thể không theo quy định, nhất là không thể không ăn!
Bàn ăn có năm người. Gã, ông nông dân bụng phệ, cô cậu thanh niên và thêm một thiếu phụ. Không thể đoán tuổi người thiếu phụ này, lúc thì nhìn như ngoài năm mươi, lúc thì chừng ngoài bốn mươi, có vẻ bâng quơ chẳng quan tâm gì chung quanh. Suốt bữa ăn, ông nông dân lơ đễnh cứ nói không có bia không trôi cơm được, ở nhà cứ phải ba lon là ít; hai cô cậu thanh niên gắp cho nhau, chăm chút nhau và say đắm trong câu chuyện tình yêu của riêng mình; người thiếu phụ lặng lẽ ăn và thi thoảng ngước nhìn, đôi mắt sâu như hẻm vực Nho Quế độc đáo nhất nước nên chẳng biết cô đang nghĩ gì. Gã cố ăn nhanh để tiếp tục tranh thủ đi loanh quanh nhưng lại sợ mang tiếng xấu ăn, xấu uống. Cái nết ăn uống là quan trọng lắm, khi còn nhỏ bà gã luôn dạy như thế!
- Anh có nhớ nhà thơ Xuân Diệu có hai câu thơ gợi hình gợi cảm này không: “Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”?
- Trí nhớ em tốt lắm, nhưng anh thì vốn vừa không ham văn thơ vừa không muốn trôi theo cảm xúc ít chân thật của mấy ông nhà thơ đâu!
- Sao lại ít chân thật. Họ tuyệt vời làm sao!
- Thôi, mình ăn nhanh còn đi chợ đêm em à!
Người thiếu phụ ngước nhìn, đôi mắt sâu mơ màng như bao phủ bởi một trời sương mù mùa xuân Sa Pa làm gã bất chợt không dám nhìn lâu hơn.
***
Gã đứng trên bến tàu nơi Đất Mũi nhìn về phía con đường vừa đi tới. Hơn một giờ đồng hồ ngồi trên chiếc ca nô đã lao đi với tốc độ phải năm mươi cây số giờ trên sóng nước mênh mông của dòng sông Cửa Lớn. Cảm giác khoan khoái, hứng khởi càng lúc càng trào dâng trong lòng gã theo dải sóng cuộn tràn phía sau ca nô. “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam…”, câu hát nhè nhẹ miên man theo con nước màu nâu sẫm lan xa giữa hai bên xanh màu cây lá của rừng đước ngút ngàn phía trước và phía sau con tàu. Qua những xóm nhà với cuộc sống êm đềm yên ả như những bức tranh thủy mặc được vẽ bởi sự phối hợp giữa thiên nhiên và con người; qua những làng chài, xóm chợ bờ sông, những mái tranh nghèo ẩn khuất dưới những tán đước, tán bần… Nắng lên lấp lóa trên những đợt sóng dịu dàng, bầu trời trở nên trong hơn, chỉ còn lơ thơ đôi chòm mây trắng xa xa… Thật yên bình.
Bây giờ gã vội vội vàng vàng đi theo mọi người về hướng cột mốc tọa độ quốc gia GPS 001 và tượng đài hình con tàu đang vươn mình ra biển lớn - biểu tượng của đất mũi Cà Mau. Gã đã đến đây theo nhạc, theo thơ từ lâu lắm rồi và gã cũng biết cột mốc tọa độ này là biểu tượng cho vùng đất tận cùng phía nam, chứ thật ra vùng đất đặc biệt này luôn bồi lở lở bồi, thay đổi diện mạo theo thời gian đi qua thì điểm tận cùng phía nam Tổ quốc không thể không dịch chuyển. Gã thấy nhói lên sự nuối tiếc pha lẫn chút hụt hẫng khi nghe đoàn thông báo chỉ lưu lại nơi cuối đất này trong một giờ vì cứ nghĩ rằng mình sẽ ở đây qua đêm để ngắm hoàng hôn và bình minh. Ôi, mảnh đất thiêng liêng từ trong tâm thức! Suy nghĩ vẩn vơ, gã đi lọt vào một vùng trũng bùn lầy. Một con đường nhỏ được đặt những đoạn đước bên trên bùn lầy để làm bậc đường đi. Gã cứ ngờ rằng các biểu tượng thiêng liêng kia đang ở cuối con đường sâu hun hút ấy.
- Anh ơi, nhờ anh đưa giúp em ra với…
- Các cậu công nhân vừa chỉ nơi này sẽ xây dựng một cột cờ Tổ quốc lớn như cột cờ Lũng Cú…
- Anh chụp giúp em tấm ảnh lưu niệm…
Gã đáp lại các yêu cầu của thiếu phụ mà không hỏi han gì, nhưng thật ra gã đã thoáng chốc mơ mộng, ước ao… Xong việc gã quay đi vội vã như tránh né một thứ cảm giác lạ thường mà không kịp nghe hết lời cảm ơn. Gã bươn mình ra cột mốc tọa độ. Lần này gã đi đúng đường. Đến nơi lại gặp cặp đôi cô cậu thanh niên. Họ đang loay hoay với cái máy ảnh.
- “Nước chúng ta/Nước những người chưa bao giờ khuất/Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về…” - Giọng cậu con trai thì thào.
- Cậu cũng thuộc cả thơ của Nguyễn Đình Thi à?
- Dạ. Đứng ở nơi này, cháu cảm nhận như có gì vọng lên từ lòng đất. Cháu không thích thơ nhưng tự nhiên bộc phát trong cháu mồn một những câu thơ học từ thời cấp ba.
- À, thơ là vậy!
- Thưa chú, chú giúp chúng cháu với. Chú chụp giúp cho chúng cháu mấy cái ảnh kỷ niệm cột mốc tình yêu của chúng cháu nơi cột mốc tọa độ GPS 001 này.
- Chúng cháu yêu nhau nhưng hoàn toàn trong sáng. Chúng cháu quyết định sẽ trao nhau nụ hôn đầu tiên tại nơi thiêng liêng này!
Cô gái bẽn lẽn. Gã tin cậu ta nói thật. Gã rất vui, vui khi nhận lời theo làm phó nháy. Gã sẽ là nhân chứng tình yêu của họ nơi đặc biệt này, thời khắc này! Một tình yêu sinh viên có sự chứng kiến của những người đã khuất và ông thầy giáo về hưu đang hiện hữu…
***
Gã đã đi khá xa theo dọc bờ sông Cà Ty. Mặt trời cũng đã lên khá cao và ánh sáng chiếu rọi trên mặt sông tạo nên những vòng sáng bạc lấp loáng mỗi khi có một chiếc thuyền chạy qua. Có lẽ màu sáng bạc này gợi cho gã nhớ về chuyến đi vào mùa xuân. Một chuyến đi biên chế năm người một bàn ăn, trong đó một người đang tìm lại tình yêu đã mất, một người đang từ chối tình yêu, một người không cần tình yêu, và hai người mới dấn thân vào tình yêu! Không thể có một lời chúc phúc chung cho cả năm người. Điều bây giờ gã vẫn đang mơ ước là một ngày nào đó gã lại được về Đất Mũi, ở qua đêm, để chiều xuống được ngắm mặt trời lặn ở biển Tây và rạng đông ngắm mặt trời mọc nơi Biển Đông… Gã quay lại và thơ thẩn về khách sạn.
Phan Thiết, 10.2016
Bình luận (0)