Cưới hỏi ở Hà Nội xưa

31/12/2017 07:05 GMT+7

Hà Nội xưa dù vẫn giữ phong tục như các vùng miền khác nhưng có nhiều trí thức, thương nhân, tầng lớp trung lưu nên cưới hỏi cũng có nét riêng.

Đón dâu bằng ô tô từ đầu những năm 1930
Lễ ăn hỏi ở Hà Nội xưa không thể thiếu cốm và hồng, gia đình khá giả thì có thêm lợn sữa quay nhưng bị phê phán là phong kiến nên người ta bỏ từ năm 1946. Theo thời gian, lễ vật ăn hỏi thay đổi gồm: bánh cốm, mứt sen. Nhà giàu lễ to, nhà nghèo lễ nhỏ nhưng không thể thiếu bánh phu thê, biểu tượng của đôi vợ chồng duyên phận vẹn toàn.
Với nhà giàu, mâm cỗ bao giờ cũng phải đủ bốn bát, sáu đĩa. Sáu đĩa bao gồm: một đĩa thịt gà da vàng rượi, một đĩa thịt lợn quay xếp hình cánh hoa đều tăm tắp, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế, thêm một đĩa xôi gấc, một đĩa nộm thập cẩm. Bốn góc mâm là bốn bát canh gồm: bát măng ninh chân giò, bát mọc thả nấm, chim bồ câu hầm hạt sen và bát mực nấu rối gồm: su hào, cà rốt thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, giò lụa thái chỉ, mực khô thái chỉ xào cháy cạnh. Nhà sang còn có thêm hoa quả tráng miệng hay đĩa chè kho. Cỗ cưới nhà nghèo ít bát ít đĩa hơn nhưng không thể thiếu thịt gà luộc và xôi gấc.
Cưới hỏi ở Hà Nội có nhiều thay đổi vào những năm 1920. Một phần do ảnh hưởng của văn hóa, văn minh Pháp, một phần cũng vì thấy các lệ xưa quá nhiêu khê. Đám cưới đầu tiên dùng thiếp mời, kèm theo gói chè nhỏ và hạt sen là đám cưới con trai thứ của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Đây cũng là đám cưới đầu tiên ở Hà Nội không làm tại tư gia mà đặt cỗ ở khách sạn Pháp quốc (nay là khu vực rạp Kim Đồng, phố Hàng Bài). Vào những năm 1920, trong lễ vật đưa sang nhà gái còn có thêm thuốc lá điếu hiệu Job. Với gia đình trung lưu, rượu sâm banh với bánh săm pa là hai thứ không thể thiếu trong lễ cưới. Năm 1930, nhà Quảng Tín (119 Hàng Bông) mua chiếc Citroen cho thuê ăn hỏi và đưa dâu, trở thành nhà đầu tiên ở Hà Nội mở dịch vụ này. Tiếp đến là Tự Vân ở Hàng Gai, Hoa Tường ở Khâm Thiên. Xe được trang trí hoa, kết dây băng bằng lụa màu. Và từ đó, những gia đình giàu có đã bỏ đưa dâu bằng xe song mã, thay bằng ô tô.
Từ những năm 1920 đến năm 1940, Hà Nội có lệ mừng đám cưới bằng đôi câu đối. Chữ thì thuê các nhà nho viết rồi mang ra phố Hàng Trống thuê thêu. Vì công thêu rất đắt nên người ta nghĩ ra cách cắt chữ bằng vải hoặc dạ màu rồi dán lên vải lụa đã trang trí, người có sáng kiến này là nhà Dịu Long ở phố Hàng Gà.

Những đám cưới nổi tiếng và tai tiếng
Năm 1930, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi tổ chức cưới cho con trai út, du học ở Pháp về. Cô dâu là con gái ông Cửu Nghi, một người giàu ở phố Hàng Bồ. Chú rể không mặc áo lam, đeo thẻ ngà theo truyền thống mà mặc complet thắt cà vạt, cô dâu mặc áo dài. Vì chú rể ở Hải Phòng nên ông Bạch Thái Bưởi đã thuê máy bay đón dâu. Lần đầu tiên ở VN, có đám cưới đón dâu bằng máy bay. Người ta còn loan tin cô dâu chú rể sẽ thả hoa giấy bên trong có tiền trinh làm bà con từ Hưng Yên đến Hải Phòng ngong ngóng tiếng máy bay. Cuối cùng hoa có thật nhưng tiền thì không.
Năm 1936, ở làng Nghi Tàm có đám cưới gây xôn xao Hà Nội. Đó là đám cưới con gái ông Hán Cẩn, làm ký lục ở Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Ông ăn mặc theo kiểu Tây, sinh hoạt cũng rất Tây, thế nhưng khi nhà trai đến đón dâu, Hán Cẩn bắt con rể phải lạy sống mới cho đón. Chú rể cũng là dân du học ở Pháp thấy vậy bỏ về, thế là đám cưới tan. Năm 1942, có đám cưới gây ầm ĩ Hà Nội là đám cưới của bác sĩ Lộc. Anh này là dân chơi có tiếng thường cùng với nhà báo Hoàng Tích Chu nhảy đầm, uống rượu Tây và sử dụng thuốc “cường dương xập xập dì”. Ngay trong đêm tân hôn đã tống tiền vợ. Kết quả là người vợ không chịu nổi nên tự vẫn ở hồ Gươm.
Một đám cưới tai tiếng cả xứ Bắc kỳ là đám cưới con gái Thống sứ Bắc kỳ tổ chức năm 1936 ở khách sạn Metropole. Cô dâu Huguette đã chọn bốn cô gái Việt phù dâu, trong đó có hai con gái tổng đốc Vi Văn Định. Viên thống sứ mời tất cả các quan hàng tỉnh, hàng phủ và huyện của Bắc kỳ nên có tới hàng nghìn khách. Dự đám cưới con quan thống sứ thì phải có đồ mừng mà mừng thì phải ra mừng, vì thế cửa hàng nữ trang Perroud ở phố Tràng Tiền dịp đó “cháy” hàng. Perroud là Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Nội, ngoài bán đồ nữ trang còn làm đại lý đồng hồ Omega và cho vay nặng lãi. Sau ngày cưới con gái thống sứ, một số khách đã phát hiện những món đồ nữ trang độc, đắt tiền họ mua ở cửa hàng của Perroud để mừng con gái quan, lại được bày bán ở cửa hàng này.
Nhà báo Tam Lang đắt show
Đám cưới nào có quan chức, nhà văn, nhà báo đi ô tô đến dự mới sang. Vì thế mới có chuyện nhà báo Tam Lang thường xuyên được mời ăn cưới dù ông không hề quen chủ nhà. Họ nài nỉ, nói khó, đưa phong bì có tiền đã chuẩn bị trước cho ông, chỉ mong ông gật đầu đến dự. Một lần Tam Lang nhận lời dự cưới ở phố Hàng Gai, nhưng vì có việc đột xuất ông không đến được. Chủ nhà buồn và thông báo cho quan khách biết chuyện đó.
Phòng cưới đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội vào năm 1932, xuất phát từ nhu cầu của người nông thôn ra Hà Nội làm thuê lấy nhau. Cưới ở nhà trọ theo tục xưa gọi là “mèo mả gà đồng”, không dám nhờ nhà người quen vì người ta kiêng cô dâu chú rể động phòng. Người có sáng kiến này là nhà Cả Tròn ở 21 phố Phùng Hưng. Ngoài việc cho thuê phòng để cô dâu chú rể mời bạn bè đến dự, Cả Tròn còn cho thuê phòng tân hôn, có sẵn giường, chiếu, chăn... được bày biện lịch sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.