Hơn 1.000 khán giả tại hội trường Sanders thuộc Đại học Harvard (Mỹ) hôm qua được một phen cười sảng khoái khi chứng kiến lễ công bố 10 nghiên cứu nhận giải Ig Nobel, giải thưởng ăn theo giải Nobel nhưng dành cho những công trình khoa học vui, bất ngờ và khác thường. Giải thưởng thường niên do chuyên san Annals of Improbable Research tổ chức nhằm “khiến mọi người cười trước rồi suy nghĩ” để chứng minh không có nghiên cứu nào là ngớ ngẩn cũng như khích lệ tinh thần sáng tạo, theo đuổi khoa học.
Như thường lệ, lễ trao giải năm nay có sự hiện diện của các nhà khoa học từng nhận giải Nobel đến trao. Trong đó có ông Oliver Hart (Nobel Kinh tế 2016), Eric Maskin (Nobel Kinh tế 2007) và Roy Glauber (Nobel Vật lý 2005). Mỗi tác giả hoặc đại diện nhóm nghiên cứu nhận giải chỉ có 60 giây để trình bày về nghiên cứu của mình tại buổi lễ, nhưng sẽ có thời gian nhiều hơn trong buổi thuyết trình sắp tới tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Vì thế, nhiều nhóm đã nghĩ ra những cách thuyết trình sáng tạo hơn như biểu diễn văn nghệ, đóng hoạt cảnh… giúp không khí càng thêm vui vẻ.
Giải Ig Nobel Vật lý 2017 thuộc về nhà nghiên cứu
Marc-Antoine Fardin tại Đại học Paris Diderot (Pháp) nhờ công trình chứng minh cơ thể mèo có đặc điểm… giống chất lỏng. Lấy cảm hứng từ những bức ảnh chụp mèo nằm gọn trong ly, chậu, bồn rửa mặt… được đăng trên mạng, ông Fardin phân tích: “Nếu một con mèo nằm quá lâu trong một không gian hẹp và bắt đầu thấy không thoải mái, cơ thể nó sẽ mềm đi, dễ len lỏi hơn và vừa khít với hình dạng vật chứa”.
Trong khi đó, Giáo sư Matthew Rockloff và đồng sự Nancy Greer thuộc Đại học miền trung Queensland (Úc) nhận Ig Nobel Kinh tế với nghiên cứu tác động của việc ôm một con cá sấu con trước khi chơi cờ bạc. Nghiên cứu được thực hiện với 103 người ở Úc đi đến kết luận rằng những người từng ôm cá sấu sẽ đặt cược cao hơn. Lý do là não họ nhầm lẫn giữa sự phấn khích, hồi hộp khi tiếp cận con vật nguy hiểm với tín hiệu cho rằng họ đang may mắn. “Sự phấn khích nếu được hiểu theo nghĩa tích cực có thể khiến bạn đặt cược một cách máu me hơn”, ABC News dẫn lời Giáo sư Rockloff kết luận.
Giải Ig Nobel Hòa bình lại có vẻ hữu ích đối với những người khổ sở vì tật ngủ ngáy. Nhóm 6 nhà nghiên cứu thuộc nhiều quốc gia đã tìm hiểu mối liên hệ giữa triệu chứng này với việc thổi kèn Didgeridoo của Úc bằng cách cho nhiều người học và tập thổi mỗi ngày trong suốt 4 tháng. Cuối cùng, họ phát hiện những người tham gia đã giảm hẳn tình trạng ngáy do đường hô hấp trên hoạt động tốt hơn. Sở dĩ công trình này nhận giải Hòa bình chứ không phải giải Y học vì ban tổ chức cho rằng khám phá mới sẽ giúp mang lại… bình yên trong phòng ngủ đối với đương sự lẫn người “đầu gối tay ấp” với họ.
Một số kết quả đáng chú ý khác bao gồm Ig Nobel Giải phẫu học được trao cho bác sĩ người Anh James Healthcote với phát hiện rằng tai người to dần theo năm tháng. Giải Nhận thức thuộc về nghiên cứu việc các cặp sinh đôi không phân biệt được anh/chị em song sinh với chính mình. Nghiên cứu nhận Ig Nobel Sản khoa cho thấy bào thai phản ứng mạnh hơn với âm nhạc phát từ hướng vùng kín của mẹ so với vùng bụng, còn Ig Nobel Thủy động học được trao cho nghiên cứu chất lỏng bị tác động như thế nào khi… cầm ly cà phê đi lùi.
Bình luận (0)