Cuối toa tàu - Truyện ngắn của Dương Quỳnh Tư (Phú Yên)

07/08/2022 08:30 GMT+7

Nhiều năm nay anh mới chọn tàu hỏa . Tàu thưa khách, buồng sáu giường nhưng chỉ có anh và một người phụ nữ dắt theo một đứa bé gái.

Đứa nhỏ làm anh nhớ khi anh mười tuổi, nhút nhát và ít nói. Cha mẹ anh không thích sự trầm lặng đó. Hai người thống nhất đặt ra một thử thách cho anh. Họ muốn con trai tự về quê nội bằng tàu hỏa. Buổi tối cuối cùng, người cha gõ cửa phòng con trai, đưa anh một tờ giấy gấp tư.

“Nếu thấy có gì trở ngại, con mở thứ này ra nhé”. Ông đưa anh tờ “bí kíp”, không quên cười khích lệ.

Sáng, mẹ đèo cậu lên ga. Khi hai người đến thì hầu hết khách đã tìm được chỗ của họ. Trong khoang ghế cứng lổn nhổn, tiếng còi hụ inh ỏi và loa thông báo, cậu bị ép vào trong cùng bởi hai người lớn to béo. Tàu chạy mười phút, vị khách đối diện mở chiếc túi đang ôm trên người. Bà ta lấy ra một cái áo mưa rồi bung tấm nhựa trải xuống sàn tàu. Không đếm xỉa tới ai, bà nằm xoãi ra tấm trải.

minh họa: tuấn anh

Chỗ để chân bị chiếm mất. Ghế ngồi cứng đúng như tên của nó, không thể ngả lưng. Bí bách, cậu thu người lại, gục mặt xuống ba lô đang ôm trước bụng. Mùi thức ăn như bánh mì nguội, khoai lang để qua đêm, nước ngọt khui lỡ cỡ làm cậu buồn nôn. Nhân viên tàu đẩy xe bán hàng đi tới, người nằm trên lối đi lục tục ngồi dậy. Họ vừa cuộn tấm trải bằng bao dứa, vừa giũ áo khoác bụi bặm mới cuộn làm gối, nghiêm chỉnh né qua hai bên. Vài người khác vì bận che tay lên miệng ngáp, mặc kệ chỗ ngủ bị cán qua, chỉ kịp bật người ngồi dậy như lò xo rồi mau chóng sải lai như cũ.

Cậu nhìn xung quanh, sự ngột ngạt này càng lúc càng làm cậu khó thở. Đưa mắt tìm nhưng cậu không thấy bất kỳ sự thân thuộc nào trên các gương mặt.

“Này cậu, không khỏe à, sao thế?”.

Một thằng bé trạc tuổi có đôi đồng tử đen bóng nổi bật trên thân hình gầy nhẳng cố gắng ghé sát cậu.

“Cậu đói phải không, có nước uống chưa?”.

“Tôi ở kia, cần gì thì cậu gọi nhé”. Thằng bé chỉ vào một ô trống ở dãy song song. Không thấy đáp, thằng bé mỉm cười chạy về chỗ nó.

Nó vừa đi khỏi, nước mắt của cậu cũng vừa rớt xuống. Cậu nhìn quanh, người già người trẻ, đang nằm đang ngồi. Hai gã béo cùng ghế coi cậu như không khí, càng lúc càng lấn tợn. Cậu cố gắng nhớ lại. Đúng rồi, còn mảnh giấy. Cậu mở ba lô, lôi nó ra, run rẩy mở. Cậu lướt nhanh đoạn chữ ngắn gọn ở giữa trang.

“Ba ở cuối toa!”.

***

Chất lượng toa mềm điều hòa rất khá, vậy nên anh đã thiếp đi. Nếu không phải âm thanh ở giường đối diện thì giấc ngủ của anh sẽ còn kéo dài. Đứa bé gái đang lồm cồm ngồi dậy.

“Cô ơi, cháu đói!”. Đứa bé giương đôi mắt đen láy của nó hướng chỗ người phụ nữ đang nằm. “Đôi mắt đứa bé gái”, “đôi đồng tử đen bóng” lần lượt hiện lên. Trong ngắn ngủi đó, anh nghĩ mình đang gặp hiện tượng Déjà vu. Bộ não vừa phát ra tín hiệu khung cảnh này đã xảy ra trong quá khứ.

Người phụ nữ giật mình chồm dậy. Cô gái quờ quạng các túi hành lý.

“Cháu uống sữa tạm nhé!”. Vừa trấn an đứa bé, cô vừa tách ống hút khỏi màng bọc.

“Cháu không phải con của cô à?”. Không ngăn được sự tò mò, anh xoay người đối diện với cô gái và hỏi.

“Tôi vụng về quá!”, cô đưa ngón trỏ day day phần bình tai.

“Anh chị của bạn tôi, cha mẹ của đứa nhỏ này vừa qua đời vì một loại bệnh dịch. Tôi thay bạn mình đưa cháu về nhà ông bà nội”.

“Hai cô cháu dừng ga nào?”.

“Chúng tôi xuống ga S.”.

“Tôi cũng xuống ga S. Tôi về xóm Rừng, Lâm An. Cô về đâu?”.

“Ôi, nhà bạn tôi cũng ở Lâm An, tên xóm thì tôi không rõ lắm nhưng tôi có lưu vào điện thoại đây”.

“Nếu thế ta có thể đi chung xe”.

“Được vậy thì tốt quá! Anh về thăm quê nhỉ, anh ở lại lâu không?”.

“Vài ngày thôi! Tôi về thăm mộ ba, xong sẽ đi ngay”.

Không biết nói gì thêm, cô gái im lặng nở nụ cười. Đúng lúc này, tàu vào một thành phố nhỏ, ánh sáng bên đường hắt vào ô cửa kính soi rạng nụ cười kín đáo trên gương mặt hiền hậu của cô gái. Đứa bé gối đầu lên chân cô ngủ ngon lành, bàn tay phải của cô từ nãy đến giờ vẫn đang vỗ nhẹ hông đứa nhỏ.

Trời tảng sáng, cô mang ba lô trên vai, dắt tay đứa bé xuống tàu. Họ vẫy taxi ngoài cửa. Ra khỏi ga, xe rẽ vào quốc lộ chừng mười phút thì khung cảnh làng quê hiện ra. Hai bên đường, nước đã rút cạn khỏi mặt ruộng chỉ còn rạ khô xám màu chim sẻ.

Hồi ấy, anh nghĩ phải tự xuống ga S., gọi xe thồ về Lâm An. Nhưng cha xuất hiện, mà không, sự thật ông không rời đi đâu cả. Nhờ mẩu giấy, anh đã tìm được cha ở cuối toa. Mùa hè năm đó anh mãi không quên. Cha đưa anh thăm thú mọi nơi, hướng dẫn anh phân biệt các loại lá cây. Hai người ăn trái rừng và thịt chim chóc quạch hun rơm. Bữa cuối, cha cho anh thử vài khúc mía nướng. Mùi ngọt mật đượm chín tuổi ấu niên tươi đẹp.

Gia đình anh xuôi ngược thêm mấy lần tàu nữa trước khi cha anh đổ bệnh. Ông muốn được ra đồng Lâm An sau khi mất. Làm theo trăn trối của cha, anh để ông nằm trên một ụ đất cao ráo. Đều đặn mỗi năm anh về thăm cha vào tháng chạp và ngày giỗ.

***

Từ ngày có con, dịp về quê của anh càng thêm đặc biệt. Cha mẹ ruột của con gái mất cùng tháng với ba anh nên hai cha con thường dành nhiều ngày ở lại Lâm An.

“Đây này, con thấy thêm một mớ trứng hồng”. Khi đó, anh đang ngồi dưới một lùm chuối mát rượi trên bờ. Chốc chốc con gái sẽ chạy đến, khoe với anh một món quà thú vị.

Ký ức về buổi sáng sau chuyến tàu năm ấy vẫn còn rõ rệt trong anh. Trên ghế phụ chiếc taxi từ ga S. về Lâm An, anh đã vài lần ngoái lại nhìn hai cô cháu. Chắc chắn đây là lần đầu anh gặp cô gái nhưng đứa bé thì anh thấy rất quen. Anh đã thấy nó ở đâu đó, trong một phiên bản khác.

Bà nội mếu máo khi đứa nhỏ xuống xe. Bà ghì lấy nó, sờ nắn khắp người, khóc nức nở. Không quên siết bàn tay cô gái, bà rối rít nói cảm ơn. Trước mắt anh là gian nhà cấp bốn gọn gàng, đáng ra nó phải tạo cảm giác bình yên dễ chịu thì lại phảng phất mùi nhang buồn bã. Cây cối xung quanh vườn có vẻ đã lâu không được để ý, cành gầy rạc như tay người mỏi mệt, các cành lá có thể thõng xuống bất cứ lúc nào.

Ngồi đối diện trên bộ trường kỷ giản dị, ông bà hỏi thăm về hoàn cảnh sống của hai người khách, các mối lo trong tình hình nền kinh tế bị tổn thương và cuối cùng không tránh khỏi cảm thán về hậu vị của bệnh dịch.

“Cha mẹ nó đi rồi, không biết hai người già còn có thể lo cho cháu được mấy ngày!”.

Bà cụ thiểu não kéo vạt áo chặm khóe mắt. Bà đưa ánh nhìn từ đôi mắt sâu hoắm tới chỗ trang trọng nhất trong nhà. Khói trầm um lên bộ liễn đỏ quạch, làm nhòa đi hoa trái đơn sơ trên bàn thờ. Khi khói tan ra, hai gương mặt nam nữ rõ dần. Đôi mắt đen tròn đó, đột nhiên anh bị nó hút mạnh mẽ. Đôi mắt từng nhìn anh. Lục lọi từng tầng thức, anh cố nhớ, ráng khơi tìm. Từng chút một, dáng hình gầy khọp hiện ra.

“Này cậu, không khỏe à…”.

Cuối cùng anh đã biết vì sao lại có cảm giác quen thuộc với đứa bé gái. Đứa nhỏ chắc chắn là con của cậu bé anh từng gặp trên tàu hơn hai thập kỷ trước. Anh bật khỏi ghế như khách ngủ sàn tàu bị đánh thức bởi tiếng lọc xọc của xe bán đồ ăn. Chân anh bị đôi mắt người mất kéo đi. Anh cảm thấy tín hiệu kết nối giữa mình và người kia càng lúc càng mạnh.

“Sao ba còn ngồi đây? Loa réo tàu sắp chạy rồi kìa”.

Cô gái vén sợi tóc bạc lòa xòa khỏi trán cha mình.

“Đưa đây con, nhanh lên ba!”. Cô hối cha, vừa nhanh tay gom các túi hành lý.

Khoang khách bây giờ đã hiện đại hơn. Trên giường mềm sạch sẽ, anh thấy rất nhiều thời gian đã bị bỏ lại phía sau. Ký ức về chuyến đi hồi mười tuổi, cuộc gặp cô gái và đứa bé, thời gian nhận đứa trẻ làm con, tình yêu dồi dào anh dành cho con gái. Đứa bé đã ngoài hai mươi, năng động, hiếu thảo và thương người. Lúc xưa, là anh mỗi năm dắt nó về Lâm An. Đến nay thì ngược lại. Giọt máu duy nhất của cậu bé từng giúp đỡ anh trên chuyến tàu, cuối cùng lại trở thành con gái anh. Mỗi lần ai đó hỏi về cơ duyên nhận nuôi con gái, anh đều bắt đầu từ dòng chữ viết tay.

“Ba ở cuối toa”.

Gió biển ào ào thốc qua ô lưới sắt làm mảnh giấy tuột khỏi tay anh. Khi anh còn đang bối rối thì thằng bé lúc nãy xuất hiện.

“Của cậu!”, thằng bé chìa ra mẩu giấy, hai con mắt nó hấp háy.

“Này khoan đã! Cậu có thể dẫn tôi xuống dưới kia không? Cha tôi ở cuối toa”.

Thằng bé không hiểu chuyện gì nhưng nó vẫn gật đầu.

Nắm tay cậu, thằng nhóc dễ dàng len qua khe hở hẹp giữa các tấm chiếu, bạt nhựa, chân người bên duỗi bên co. Không vị khách nào phải thay đổi tư thế khi chúng đi qua.

Đến cuối toa, thằng bé dừng lại để cậu tìm cha. Thấy đôi mắt ngơ ngác của con, cha cậu cố rướn người tới, vươn hết cánh tay để nhanh nhất chạm vào con mình. Ông kéo con vào lòng, liên tục vỗ lưng an ủi. Ông cũng chú ý đến cậu bé lanh lợi đi cùng.

“Cháu đi tàu nhiều rồi phải không? Cảm ơn cháu đã giúp đỡ con chú”. Người đàn ông thân mật nhìn thằng bé. Đáp lại, nó vui vẻ cười với hai cha con rồi biến mất.

Nhớ chuyện cũ, anh không khỏi xúc động. Anh đang đứng ngoài hành lang cùng con gái. Mỗi lần tàu sắp sửa qua cầu sắt vào ga S., hai cha con sẽ ra đây nhìn không gian thân thuộc bên ngoài ô kính lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.