Gia đình trẻ hạnh phúc:

Cưới xong là thẻ ngân hàng, tiền lương... đều vào túi vợ?

16/10/2023 06:00 GMT+7

Không ít chàng trai hay nói vui với nhau rằng từ sau khi cưới vợ không biết tiền lương là gì vì thẻ ngân hàng đã do vợ giữ. Nhưng thực tế ra sao? Có phải phụ nữ là người nắm giữ tài chính trong những gia đình trẻ?

Đàn ông chi tiêu quá phóng khoáng, không nên giữ tiền?

Cưới vợ được hơn 4 tháng, Nguyễn Hoàng Nguyên (31 tuổi), quê ở tỉnh Đắk Lắk, hiện ngụ tại P.Phước Bình, TP.Thủ Đức (TP.HCM), hài hước kể: "Cưới xong, mấy anh đồng nghiệp gặp mình cứ hỏi: Tình hình thế nào, lập gia đình rồi túi có còn rủng rỉnh không? Mình cười và bảo giờ đâu còn biết lương là gì, vì thẻ ngân hàng đã giao cho vợ".

Cưới xong là thẻ ngân hàng, tiền lương... đều vào túi vợ ? - Ảnh 1.

Cưới xong là thẻ ngân hàng, tiền lương... đều đưa vợ giữ?

SHUTTERSTOCK

Nhưng rồi Nguyên giải thích: "Thật ra là vì tụi mình muốn tích góp để mua nhà, nên 2 vợ chồng đã thống nhất với nhau là sẽ tiết kiệm tối đa. Vì thế, mình đưa thẻ ngân hàng cho vợ giữ, vì mình không tiết kiệm được, sợ sẽ tiêu hoang phí".

Nguyễn Thị Minh Hằng (30 tuổi), ngụ tại chung cư Fresca Riverside, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (TP.HCM), thì kể: "Lúc mới cưới, chưa có nợ nần gì thì vợ giữ tiền. Mỗi tháng chồng đưa mình 2 phần lương, còn 1 phần để tiêu riêng, ăn uống. Từ khi vay tiền mua nhà, vợ chồng phải tính toán lại. Tiền nợ ngân hàng chồng trả, còn lại giữ chi tiêu chung. Vợ lo tiền chợ búa, tiền học của con. Tiền dư thì vợ giữ để dồn cuối năm trả nợ cho người thân". 

Chương trình "Gia đình trẻ hạnh phúc" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức để tăng cường việc tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bổ sung những kiến thức, kỹ năng trước khi xây dựng gia đình; kỹ năng gìn giữ gia đình hạnh phúc, ấm no cho hội viên, thanh niên.

Hằng cho biết mình không giữ thẻ ATM của chồng, vì để chồng tự chủ, thể hiện bản lĩnh đàn ông, có trách nhiệm hơn.

"Dù gì chồng tự làm tự tiêu, cảm giác thích hơn là đưa hết cho vợ rồi lúc cần thì xin lại. Mỗi khi đi ăn uống bên ngoài, đi mua sắm chồng đều trả cho vợ. Điều này khá thú vị, cảm giác ga lăng như hồi tán tỉnh nhau vẫn được duy trì, nhờ thế gia đình cũng êm ấm hơn", Hằng bày tỏ.

Đồng tình với quan niệm vợ là người nên quản lý tài chính của gia đình, Huỳnh Như (26 tuổi), ngụ đường Vũ Huy Tấn, P.3, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho rằng đàn ông thường có xu hướng phóng khoáng hơn phụ nữ nên đôi lúc không kiểm soát tốt trong việc chi tiêu. Vì thế vợ giữ tiền sẽ giúp kiểm soát được kinh tế gia đình tốt hơn.

Cưới xong là thẻ ngân hàng, tiền lương... đều vào túi vợ? - Ảnh 2.

Nhờ lập quỹ chung mà vợ chồng Huỳnh Như đều có trách nhiệm với gia đình và không tạo áp lực cho ai

NVCC

Tuy nhiên, Như cho biết bản thân và chồng đều không phải giao nộp tiền hằng tháng cho nhau: "Mỗi người sẽ có những khoản riêng từ thu nhập của mình. Và tụi mình quy định mỗi tháng cả 2 phải góp vào quỹ chung để dành, nhằm chi trả cho con hoặc những việc thực sự cần thiết được thống nhất giữa vợ chồng. Còn các chi phí sinh hoạt hằng ngày tụi mình thống nhất mỗi đứa phụ trách chi trả những khoản cố định, để cả hai đều có trách nhiệm với gia đình và không tạo áp lực cho ai".

Ai giữ tiền không còn quan trọng nếu làm tốt điều này

Nhìn nhận về việc vợ giữ thẻ ngân hàng của chồng, tiến sĩ khoa học giáo dục Vũ Việt Anh (Tổng giám đốc Học viện Thành Công, người sáng lập và điều hành dự án "5 triệu gia đình hạnh phúc thịnh vượng", giảng viên chính dự án "5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai trên cả nước), cho biết hiện tượng này khá phổ biến trong xã hội hiện nay, tuy nhiên đây là cách thức chưa ổn, không phải là giải pháp tối ưu để quản lý tài chính gia đình.

"Quản lý tài chính gia đình là một kỹ năng cơ bản mà các cặp vợ chồng trẻ cần phải nắm vững. Trong xã hội ngày nay, tiền bạc không chỉ đơn giản là một số liệu trong tài khoản ngân hàng, mà còn ẩn chứa nhiều yếu tố tâm lý và quan hệ. Những sai lầm trong quản lý tài chính có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng và tương lai của con cái. Chính vì vậy, việc thiết lập quỹ chung sau hôn nhân và phân vai tài chính là một phần quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình", tiến sĩ Việt Anh nhìn nhận.

Việc thiết lập một quỹ chung sau khi kết hôn là quyết định quan trọng đòi hỏi sự thỏa thuận và đồng tình của cả hai phía. Các cặp vợ chồng nên thảo luận và xác định mức đóng góp dựa trên thu nhập của mỗi người, đảm bảo tính bình đẳng trong quyết định này. Khi thiết lập được quỹ chung rồi, có nguyên tắc chi tiêu thì ai giữ tiền không còn là việc quan trọng nữa.

Tiến sĩ khoa học giáo dục Vũ Việt Anh

Theo tiến sĩ Việt Anh, sự hoang phí không phụ thuộc vào giới tính, việc quản lý tiền vì sợ mất tiền là tư duy sai cách. Cần nắm rõ nguyên tắc quản lý tiền phải dựa trên sự cân bằng và tự nguyện. Người có khả năng quản lý tài chính sẽ là người giữ tiền, nhưng nguyên tắc chi tiêu thì cần có quan điểm chung. Và cần lập một quỹ chung của gia đình.

"Việc thiết lập một quỹ chung sau khi kết hôn là quyết định quan trọng đòi hỏi sự thỏa thuận và đồng tình của cả hai phía. Mục tiêu của quỹ chung không chỉ là quản lý mà còn là xây dựng một "lá chắn" tài chính trước các rủi ro và tạo niềm tin trong hôn nhân. Các cặp vợ chồng nên thảo luận và xác định mức đóng góp dựa trên thu nhập của mỗi người, đảm bảo tính bình đẳng trong quyết định này. Khi thiết lập được quỹ chung rồi, có nguyên tắc chi tiêu thì ai giữ tiền không còn là việc quan trọng nữa", tiến sĩ Việt Anh chia sẻ.

Cưới xong là thẻ ngân hàng, tiền lương... đều vào túi vợ? - Ảnh 4.

Tiến sĩ Vũ Việt Anh

NVCC

Khi một người trong hai vợ chồng nắm giữ quyền quản lý tài chính gia đình, theo tiến sĩ Việt Anh, mặt tích cực là có thể giúp ngăn chặn sự lãng phí tiền bạc và đảm bảo rằng các khoản chi tiêu được kiểm soát. Ngoài ra, nếu có kiến thức về đầu tư, người nắm giữ tiền có thể giúp gia đình đạt được mục tiêu tài chính dài hạn và đầu tư một cách hiệu quả…

Tuy nhiên, tiến sĩ Việt Anh cho rằng cũng cần tính đến những tình huống tiêu cực có thể xảy ra như quyền lực mất cân đối. Nếu một bên nắm giữ toàn bộ quyền quản lý tài chính và sử dụng quyền này để kiểm soát hoặc áp đặt lên người kia, có thể dẫn đến mất cân bằng quyền lực và gây căng thẳng trong mối quan hệ. Bên cạnh đó, cần lường trước những tình huống gặp rủi ro nếu người nắm giữ tiền không thể quản lý tài chính một cách hiệu quả. Không những thế, nếu một bên phụ thuộc quá nhiều vào người nắm giữ tiền có thể dẫn đến thiếu động lực để học cách quản lý tài chính gia đình…

Đối với những cặp đôi quá thoải mái, không quản lý chi tiêu và thu nhập của nhau, tiến sĩ Việt Anh cho rằng mọi giải pháp chỉ tốt đẹp khi đảm bảo tính phù hợp hay đồng thuận. Không quản lý thu nhập của nhau thì cần phân công rõ nhiệm vụ trong các sinh hoạt chung, phân vai tài chính cũng là một phần quan trọng trong việc quản lý tiền bạc.

Theo tiến sĩ Việt Anh, có một số cách để vợ chồng trẻ quản lý tài chính gia đình hợp lý. Trong đó đầu tiên là phải trao đổi, thảo luận và xác định mục tiêu chung. Tiếp đến là cùng nhau lập ngân sách gia đình để theo dõi thu chi hằng tháng. Luôn có quỹ dự phòng cho những tình huống khẩn cấp hoặc các mục tiêu dài hạn. Cùng với đó là phân vai trách nhiệm trong quản lý tài chính gia đình. Hãy xác định người nào sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, như thanh toán hóa đơn, quản lý đầu tư hoặc theo dõi ngân sách. Cố gắng tránh tích lũy nợ phí không cần thiết, như thẻ tín dụng hoặc vay mua sắm. Nợ phí có thể gây áp lực tài chính và căng thẳng trong mối quan hệ. 

"Học hỏi cách đầu tư và tìm hiểu các cơ hội kinh doanh mới, điều này có thể giúp tăng khả năng tài chính trong tương lai. Bên cạnh đó, đừng so sánh mình với ai khác, hãy tập trung vào kế hoạch tài chính của bạn, vì mỗi gia đình có điều kiện tài chính riêng. Một điều cũng quan trọng là luôn tôn trọng và trò chuyện với người kia về tài chính. Sự trao đổi thường xuyên và trung thực có thể giúp giải quyết mọi vấn đề tài chính một cách hiệu quả", tiến sĩ Việt Anh khuyên và nhắn gửi: "Quản lý tài chính gia đình đòi hỏi sự hợp tác và tương tác tích cực giữa vợ chồng. Điều quan trọng là cả hai phải hoàn toàn cam kết và làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu tài chính, xây dựng hạnh phúc gia đình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.