Facebook đã quá quen thuộc với người dùng mạng xã hội Việt Nam. Bức ảnh Cô bé Napalm Kim Phúc, tác phẩm được giải Pulitzer về chiến tranh Việt Nam cũng quen thuộc như thế. Nhưng không phải ai cũng biết hồi năm 2016, bức ảnh này đã khiến “đế chế” Facebook phải khốn đốn thế nào. Để rồi sau đó, Facebook phải thay đổi nguyên tắc của mình về kiếm duyệt nội dung. Câu chuyện đó là một phần của cuốn sách Bí mật về quốc gia lớn nhất thế giới Facebook.
Cuốn Facebook - Bí mật về quốc gia lớn nhất thế giới dày 700 trang, do Alpha Book và NXB Thế giới ấn hành. Tác phẩm do biên tập viên mảng công nghệ Steven Levy (tạp chí Newsweek) viết. Dịch giả là Tôn Thất Kỳ Văn, Trương Thị Thu Thảo.
Để có được cuốn sách này, chỉ riêng những cuộc trò chuyện chuẩn bị trước phỏng vấn chính thức Mark Zuckerberg cũng đã diễn ra suốt 3 năm. Tác giả cho biết các cuộc phỏng vấn đã diễn ra rất thẳng thắn đúng như ông mong đợi. Từ chỗ giao tiếp miễn cưỡng khi lần đầu tiên gặp tác giả, Zuckerberg đã thay đổi. Các cuộc phỏng vấn vì thế không chỉ là cơ hội trình bày quan điểm mà còn để tìm hiểu người ta nghĩ về mình ra sao
Bất chấp sự quen thuộc khó bàn cãi của cả Cô bé Napalm lẫn Facebook, lời giới thiệu cuốn sách vẫn e ngại về khả năng phát hành của nó tại Việt Nam. “Cuốn sách này sẽ khó bán chạy ở Việt Nam. Đơn giản vì tuy hầu như ngày nào chúng ta cũng "lướt phây" nhưng hiếm khi nào nghĩ đến việc tìm hiểu tường tận câu chuyện đằng sau nút like hay biểu tượng haha ta thường thả”, ông Nguyễn Mạnh Linh viết trong lời giới thiệu. Ông Linh hiện là CEO của trường Đào tạo Digital Marketing Litado Việt Nam.
Cuốn sách về Facebook, về “quốc gia lớn nhất thế giới này” không khó hiểu dù nó có bàn về các thuật toán. Sách có những mốc thời gian, lịch sử, câu chuyện thu hút mà khi ngẫm nghĩ độc giả có thể rút ra nhiều chuyện.
|
Chẳng hạn, thoạt tiên bức ảnh Cô bé Napalm đã được nhà báo người Na Uy tên là Tom Egeland up lên kèm theo bài viết về những bức ảnh làm thay đổi lịch sử chiến tranh. Tuy nhiên, nó lại vi phạm nguyên tắc khi nhân vật lại là một em bé trần truồng. Quy định đó ghi rõ cấm hình khỏa thân của trẻ em sau giai đoạn sơ sinh. Sau khi Facebook gỡ bỏ ảnh, Tom Egeland lại đăng lại dẫn đến tài khoản của anh bị khóa.
Rồi câu chuyện lan ra. Thủ tướng Na Uy cũng đăng lại hình ảnh đó và rồi lại bị gỡ… Bộ phận truyền thông của Facebook sau đó bị chìm trong loạt câu hỏi chất vấn. Cùng lúc, bộ phận chính sách của Facebook cũng rơi vào khủng hoảng. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi yếu tố “đáng được đưa tin” trở thành yếu tố xác định trường hợp ngoại lệ với quy định chung.
Lần đầu tiên có một cuốn sách ẩn chứa những câu chuyện “thâm cung bí sử” của Facebook trong quá trình thay đổi, cải tiến ứng dụng. Có thể thấy ở đó chuyện vì sao mạng xã hội này dùng thuật toán “giải cứu” người dùng không bị dội bom bằng tin nhắn rác. Cũng có thể đọc được về cuộc đua chiêu mộ các phù thủy trí tuệ nhân tạo để kiểm duyệt nội dung bao gồm những thứ “tồi tệ nhất nhân loại”…
Cho đến bây giờ, Facebook vẫn chiếm ngôi vua mạng xã hội với lượng khán giả khổng lồ. Ước tính có hơn 1,84 tỉ người dùng hoạt động hàng ngày và trung thành dùng Facebook khoảng 35 phút/ngày. Cuốn sách Facebook - Bí mật về “quốc gia” lớn nhất thế giới sẽ giúp chúng ta hiểu về tổ chức này. Quan trọng hơn, nó cũng cho phép ta soi chiếu lại mình khi tham gia vào mạng xã hội đó, làm sao không để bị nó cuốn đi.
Bình luận (0)