“Tuyên ngôn về tự do tư tưởng và học thuật”
Chỉ một năm sau khi nhận được “đơn đặt hàng”, Nguyễn Văn Huyên đã hoàn thành công trình Văn minh Việt Nam được viết bằng tiếng Pháp với tên La civilisation annamite. Tuy nhiên, sau đó chính quyền Pháp đã kiểm duyệt rất gắt gao và đối chất với Nguyễn Văn Huyên về nhiều nội dung trong cuốn sách.
Gia đình GS Nguyễn Văn Huyên hiện vẫn đang lưu giữ các tập bản thảo viết tay của ông cũng như văn bản ghi Báo cáo của Hội đồng kiểm duyệt Bắc kỳ cho thấy ông nhiều lần bị khiển trách vì nhiều lý do. Trong đó, có việc “tác giả nhiều lần nói đến sự nghèo khổ của người bản xứ, dưới hình thức gián tiếp, nhưng thường xuyên đến độ đề tài đó trở thành một điệp khúc”. “Đối với Nguyễn Văn Huyên, rõ ràng đói nghèo không phải một điều đương nhiên, mà là kết quả của một chế độ và chính sách xã hội. Có lẽ chính vì tác giả không chấp nhận kiểm duyệt mà tác phẩm này phải chờ 6 năm sau khi hoàn thành (năm 1944) mới được xuất bản”, PGS-TS Nguyễn Phương Ngọc (Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Aix - Marseille, Pháp) nhìn nhận.
Theo GS Nguyễn Văn Huy, cuốn sách được đặt tên Văn minh Việt Nam là cách mà GS Nguyễn Văn Huyên - cha của ông - đối sánh nền văn minh của VN với những nền văn minh của các quốc gia khác. Sâu xa hơn, Nguyễn Văn Huyên cho thấy VN có nền văn minh riêng không phụ thuộc vào nền văn minh nào, đi ngược lại những điều mà các nước thực dân luôn ra rả: họ là những người khai sáng văn minh cho nước thuộc địa. “Trong bối cảnh những năm 1930, khi chúng ta đang sống trong đất nước nô lệ, nhưng Nguyễn Văn Huyên đã dám khẳng định nền văn minh VN, tạo nên niềm tự hào dân tộc cho thế hệ học sinh thời đấy”, GS Nguyễn Văn Huy nói.
Sáu năm sau khi hoàn thành, bản thảo công trình Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên mới được xuất bản, nhiều trang bản thảo đã bị cắt bỏ. Dù vậy, trong suốt khoảng thời gian đó, ông đã cho thấy sự kháng cự bền bỉ với chế độ kiểm duyệt cũng như bảo vệ quan điểm của mình trước chính quyền thuộc địa. PGS-TS Nguyễn Phương Ngọc coi công trình này như “một tuyên ngôn về tự do tư tưởng và học thuật của người Việt”.
|
|
“Cửa sổ để thế giới hiểu về VN”
Nguyễn Văn Huyên là một trong hai người Việt đầu tiên (cùng với Đào Duy Anh) nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội VN theo phương pháp khoa học phương Tây. Sự đóng góp của Nguyễn Văn Huyên và Đào Duy Anh có ý nghĩa vô cùng quan trọng với công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội tại VN. Bởi trước đó, VN chỉ có những cuốn biên niên sử mà trong đó tác giả ghi chép lại các sự kiện, hiện tượng, những gì đã diễn ra trong quá khứ. Bước vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hầu hết những tư liệu, nghiên cứu về VN lại là của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và nghiệp dư nước ngoài (nhà truyền giáo, nhà buôn, binh sĩ...). Giữa bối cảnh ấy, Nguyễn Văn Huyên đã tiếp thu nền học thuật của Pháp - chính quyền thuộc địa đương thời, để thực hiện những công trình nghiên cứu khoa học giúp thế giới hiểu về nước Việt qua người Việt. Chính vì vậy, nhà dân tộc học Georges Condominsas đã nhận xét cuốn Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên là “cánh cửa sổ để thế giới hiểu về VN”.
Văn minh Việt Nam là công trình nghiên cứu về VN đương thời, trong giai đoạn những năm 1930. Những tư liệu được đưa ra trong cuốn sách có thể được coi là điểm mốc để thấy được sự thay đổi của văn hóa, xã hội, đời sống của con người VN, hay tầm nhìn của Nguyễn Văn Huyên. Chẳng hạn, vào những năm 1930, Nguyễn Văn Huyên đã báo trước làn sóng đô thị hóa đang tiến vào các vùng nông thôn. Đến giờ, sau 70 năm, chúng ta đã thấy rõ làn sóng này đi qua như thế nào.
PGS-TS Đinh Hồng Hải (Khoa Nhân học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc cuốn sách này chỉ được dịch sang tiếng Việt sau 50 năm sau khi xuất bản là sự đáng tiếc, cũng giống như nhiều công trình, tài liệu nghiên cứu của các nhà trí thức người Việt được viết bằng ngôn ngữ khác. Chẳng hạn như trong sách, Nguyễn Văn Huyên đã ủng hộ quan điểm về nguồn gốc người Việt: “Những người chắc chắn là sản phẩm của nhiều sự tạp giao, và công nhận rằng tổ tiên họ cư trú tại miền Trung đồng bằng Bắc kỳ từ một thời kỳ rất xa. Có quan hệ thân thuộc với ngữ tộc Thái, là bà con rất gần với người Mường ở Hòa Bình và Thanh Hóa, người Việt hiện nay chẳng qua chỉ là người Mường đã Hán hóa và chắc là lai giống nhiều”. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Đào Duy Anh cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do cuốn sách của Đào Duy Anh được viết bằng tiếng Việt nên nhiều người trong suốt thời gian dài không biết đến một quan điểm khác mà Nguyễn Văn Huyên đưa ra.
“Hiếm có cách nhìn lịch sử hai chiều trong cùng một thời điểm như thế. Nếu chúng ta biết đến sớm, có lẽ đã không xảy ra nhiều “xung đột” trong vấn đề tranh cãi về nguồn gốc người Việt như vừa qua”, PGS-TS Đinh Hồng Hải bày tỏ.
|
Bình luận (0)