Tại buổi tọa đàm, độc giả Nguyễn Phú Cường (23 tuổi) cho rằng: Ngày càng nhiều sách sử được phát hành dưới nhiều hình thức hấp dẫn đã làm thay đổi phần nào suy nghĩ rằng sách sử khô khan, khó đọc của một số người trẻ. Một số độc giả thì tỏ ra băn khoăn khi cùng viết về một sự kiện hay giai đoạn lịch sử nhưng một số cuốn sách đang có trên thị trường hiện nay lại đưa ra những nhìn nhận khác nhau, thậm chí trái ngược. Diễn giả 9X Phạm Vĩnh Lộc (chủ nhân của trang Facebook thường đăng tải những câu chuyện lịch sử được viết theo văn phong hiện đại, có hơn 21.000 người theo dõi) cho biết, bên cạnh việc đọc sách, Lộc dành thời gian để tìm hiểu thêm những vấn đề vẫn còn nhiều tranh cãi hoặc chưa được viết nhiều từ các nguồn thông tin khác, hoặc tìm đến tận nơi, hỏi người địa phương... để giải đáp những thắc mắc của mình.
Khi ngày càng có nhiều hình thức tiếp cận thông tin, việc xây dựng cho mình bộ lọc văn hóa cũng là điều được các bạn trẻ đề cập trong quá trình tiếp nhận các thể loại sách sử. Diễn giả - TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho rằng: “Cùng với việc xây dựng một thế hệ phụ huynh giáo dục cho con em mình tình yêu lịch sử, cần có một đội ngũ viết sách sử cho đại chúng. Các nhà xuất bản nên cố gắng khuyến khích những người viết sách sử viết sao cho gần gũi, dễ hiểu”.
Bình luận (0)