Cuốn sách khảo cứu công phu về biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
19/03/2024 07:18 GMT+7

Cuốn biên khảo Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 của tác giả Phạm Công Luận vừa được Phương Nam Book cho ra mắt. Sách dày hơn 200 trang, gồm 30 bài viết và hơn 4.000 tranh.

Cuốn sách có thể xem là phần cảm hứng tiếp nối từ tác phẩm Sài Gòn phong vị báo xuân xưa của nhà văn Phạm Công Luận, trong đó có phần nói về biếm họa trên các giai phẩm xuân trước 1975. Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 đi sâu khảo cứu biếm họa trên báo chí miền Nam trước đây, và có thể nói đây là nghiên cứu công phu đầu tiên về đề tài này được xuất bản. Sách khá to và nặng, với những trang in khổ lớn. Phạm Công Luận cho biết lúc đầu anh không định làm sách khổ lớn, nhưng trong quá trình tìm kiếm tài liệu, nhận thấy không ít tờ báo Sài Gòn xưa dành cả một trang cho biếm họa, nên anh quyết định chọn khổ sách này để thể hiện được các chùm tranh đó.

Cuốn sách khảo cứu công phu về biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975
- Ảnh 1.

Nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận

NVCC

Tác giả mở đầu quyển sách bằng những dòng hồi tưởng về tuổi thơ: "Từ năm 1971, tôi sung sướng khi có thể xem tranh vui và biếm họa thường xuyên trên báo Thiếu Nhi ra hằng tuần, rất mê hai nhân vật Tí Xíu và Tí Ti do Vương Nghiêm và Nguyễn Tài vẽ. Ba tôi mỗi ngày mua hai tờ nhật báo là Sóng Thần và Điện Tín, tờ nào cũng có biếm họa. Không thể quên những buổi tối, ba và bác Mười Thọ hàng xóm ngồi với nhau bên ly rượu ngũ gia bì nhỏ xíu, bình luận thời sự và nhắc đến tranh biếm của Tuýt, Chóe, Ớt... những cái tên khá tức cười nhưng vẽ châm biếm rất thâm sâu". Có thể thấy tranh vui, tranh biếm trên báo đã trở thành món ăn tinh thần được ưa chuộng của cả người lớn và trẻ em thời đó.

Sách gồm 2 phần, phần đầu là Hành trình biếm họa trên báo chí miền Nam đưa ra cái nhìn khái quát giúp độc giả hiểu rõ hơn về sự xuất hiện và các giai đoạn phát triển của thể loại tranh biếm họa trên báo chí tiếng Việt.

Phần hai là Họa sĩ biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 giới thiệu đầy đủ lai lịch, nêu bật phong cách cá nhân, những tác phẩm ấn tượng của một số họa sĩ vẽ biếm họa, minh họa trên báo chí. Bạn đọc sẽ biết thêm về họa sĩ Bút Sơn - cha đẻ của nhân vật Xã Xệ; Hoàng Lập Ngôn chuyên vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ theo lối "tướng tinh họa" với những nét to, gồ ghề, cá tính; họa sĩ Hưng Hội được người làm báo và giới họa sĩ thập niên 1940 đánh giá cao; họa sĩ Văn Hiếu được yêu thích qua chùm tranh liên hoàn Bé Ngôn - Bé Luận; họa sĩ Vương Nghiêm và bộ tranh Tí Xíu, Nguyễn Tài với bộ tranh Tí Ti qua ống kính bác Sáu Râu, họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành) công kích chính khách, họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí) có tranh biếm được các báo The New York Times, Newsweek đăng tải...

Cuốn sách khảo cứu công phu về biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975
- Ảnh 2.
Cuốn sách khảo cứu công phu về biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975
- Ảnh 3.
Cuốn sách khảo cứu công phu về biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975
- Ảnh 4.
Cuốn sách khảo cứu công phu về biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975
- Ảnh 5.

Bìa 1 và 4 cuốn Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975

Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.