Tạp chí Popular Mechanics hôm 26.4 cho biết trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Kendall nói có ít nhất một quốc gia quan tâm đến việc mua lại những chiếc A-10, song không tiết lộ cụ thể. Ông nói thêm khó khăn trong khâu bảo dưỡng là một thách thức cho những bên muốn sở hữu loại cường kích này.
"Lưỡi tầm sét" A-10 của Mỹ sắp tìm được nhà mới?
Được giới thiệu vào năm 1972, A-10, mang biệt danh Thunderbolt II (Tạm dịch: Thần sấm 2), hay Warthog (Lợn lòi), là cường kích cận âm hai động cơ, được thiết kế để hỗ trợ không lực tầm gần cho lực lượng mặt đất. A-10 được chế tạo với mục đích đối phó trước ưu thế bộ binh của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là xe tăng. Khẩu pháo tự động đa nòng GAU-8 Avenger 30 mm ngay phần đầu là điểm nhấn đáng chú ý của chiếc cường kích được mệnh danh "sát thủ diệt tăng".
Tuy nhiên tuổi đời của A-10 và sự phát triển của hệ thống phòng không đã khiến máy bay này không còn hiệu quả trong tác chiến hiện đại. Chuyên trang quân sự Air Force Times cho biết Mỹ đã loại biên 21 chiếc A-10 trong tài khóa 2023. Hiện số lượng máy bay này trong biên chế là 260 chiếc. Không quân Mỹ đặt kế hoạch loại biên khoảng 40 - 50 chiếc mỗi năm, với mục tiêu cho nghỉ hưu hoàn toàn “Thần sấm 2” vào năm 2029. Nhưng một số chuyên gia lưu ý rằng Mỹ có thể cân nhắc bán những chiếc cường kích cho các nước quan tâm.
Ukraine ban đầu được cho là ứng viên tiềm năng nhất sở hữu A-10 khi xung đột với Nga nổ ra, song thực tế chiến trường chỉ ra hệ thống phòng không sẽ khiến loại máy bay có người lái hoạt động tầm thấp như A-10 gần như vô hiệu. Ông Kendall cũng cho biết Kyiv không có nhiều hứng thú với chiếc cường kích này.
Popular Mechanics liệt kê Ba Lan, Hàn Quốc, Ai Cập có thể là các đối tác quan tâm. Ngoài ra, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng được nêu tên. Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát, Ba Lan là một trong những nước củng cố kho vũ khí đáng kể nhất châu Âu. Quốc gia này đã chi 2,4% GDP cho quốc phòng vào năm 2022, và dự kiến chi hơn 4% GDP trong năm nay.
Không quân Mỹ đang vận hành một phi đội A-10 đóng tại căn cứ Osan, Hàn Quốc. Seoul có thể muốn duy trì sự hiện diện của những chiếc cường kích này sau năm 2029. Tại Ai Cập, nước có truyền thống sử dụng khí tài từ quân đội Mỹ, “Thần sấm 2” sẽ là vũ khí giúp quân đội Cairo tuần tra ở vùng sa mạc khô cằn tại biên giới giáp Libya và Sudan, hai quốc gia thường xảy ra bạo lực. Trong khi ở Đài Loan, A-10 được cho là khí tài yểm trợ hòn đảo trước kịch bản tấn công đổ bộ từ đối thủ.
Bình luận (0)