Cướp biển lộng hành nơi biển Tây - Kỳ 2: Có cả tàu chiến, máy bay đi 'hộ tống'

11/11/2015 08:50 GMT+7

(TNO) Cuối những năm 80 đầu 90, các tàu cá Thái Lan vào vùng biển Tây Nam khai thác, đã thuê tàu chiến, máy bay của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đi theo bảo vệ, có lúc tưởng xảy ra xung đột trên biển.

(TNO) Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tân đã nghỉ hưu vẫn nhớ như in những năm giữ chức Hải đoàn trưởng Hải đoàn Tự vệ Biển, rồi Giám đốc Cty Quốc doanh đánh cá Kiên Giang nên rành mạch: “Cuối những năm 80 đầu 90, các tàu cá Thái Lan vào vùng biển Tây Nam khai thác, đã thuê tàu chiến, máy bay của Hải quân Hoàng gia đi theo bảo vệ!” và thừa nhận: “Có lúc tưởng xảy ra xung đột trên biển!”.
Biên đội tàu tuần tiễu Hải đoàn BP 28 xuất kích bảo vệ vùng biển Tây NamBiên đội tàu tuần tiễu Hải đoàn BP 28 xuất kích bảo vệ vùng biển Tây Nam
Ăn trộm nhưng thuê… bảo vệ
Hải đoàn Biên phòng (BP) 28, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nằm trong căn cứ Xẻo Rô, ngay đầu bến phà cũ Xẻo Rô - Tắc Cậu nối 2 huyện Châu Thành và An Biên của tỉnh Kiên Giang. Chiều miền Tây tối sầm trong mùa mưa rả rích, khiến doanh trại của những người lính Hải quân BP cũng cô quạnh, giữa nơi hoang vu sông nước.
Thuyền cá Campuchia đang đánh bắt trộm thủy sản trong vùng biển Việt Nam, thuộc hải phận tỉnh Kiên Giang, tháng 10.2015. 
Trong căn phòng truyền thống nho nhỏ của Hải đoàn, khung hình chân dung của những người lính BP đã hy sinh trên biển Tây Nam cứ buồn buồn, đau đáu.
“Anh em hy sinh giữa những năm 90, trong lúc làm nhiệm vụ truy bắt tàu nước ngoài xâm phạm!” - đại tá Nguyễn Hữu Nhịp, Hải đoàn trưởng 28 buồn rầu nói vậy và mân mê từng khung hình đồng đội, kể: “Cuối 80, đầu 90 tôi còn là thuyền trưởng tàu tuần tiễu của Hải đoàn đi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, chạm trán với tàu chiến, máy bay Thái Lan đi theo bảo vệ các đoàn tàu cá Thái Lan vào sâu biển ta. Khi về báo cáo nhưng không ai tin!”…
Đoàn tàu thuyền đánh bắt cá của Campuchia vào sâu trong lãnh hải Việt Nam bị bắt giữ
Trong các báo cáo lên cấp trên tại thời điểm giữa năm 1996, các đơn vị BP khẳng định: Do vùng biển Tây Nam giàu hải sản, dễ đánh bắt nên tàu đánh cá nước ngoài (Thái Lan) từ năm 1980 trắng trợn, ào ạt vào sâu trong nội thủy của ta để đánh bắt trộm hải sản với mật độ hàng trăm chiếc mỗi ngày.
Vùng tứ giác Thổ Chu - Phú Quốc - Nam Du - Hòn Chuối là trung tâm đánh bắt của tàu nước ngoài và có khi họ đánh bắt cách quần đảo Nam Du chỉ 5 - 6 hải lý. Đặc biệt đến cuối năm 1996, khu Cồn 13 đến Cồn 15 (bãi cạn Cà Mau), bãi Chà vẫn là nơi các tàu nước ngoài… làm chủ đánh bắt hải sản.
Thiếu tá Lâm Thanh Hóa, nguyên Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP tỉnh Cà Mau hiện đang nghỉ hưu tại xã Thanh Tùng, Đầm Dơi, Cà Mau nhớ lại: “Đã có lúc Bộ Tư lệnh Hải quân, BĐBP phối hợp tổ chức truy quét vây bắt đẩy đuổi các tàu cá Thái Lan ra ngoài lãnh hải, nhưng tàu ta chưa về tới căn cứ, họ đã ùn ùn kéo vào. Thời điểm ta cho tàu ra trực tại khu vực hay bị đánh bắt, họ đợi khi thời tiết xấu tàu ta phải rút, mới ùn ùn kéo vào và sâu trong tận nội thủy đánh bắt, đến mức ở trong bờ nhìn thấy bằng mắt thường!” và kể: Khai thác các thuyền trưởng, ngư phủ bị bắt vài ba lần, đều nhận được câu trả lời: “Biển Thái Lan hết cá, biển Việt Nam nhiều cá, đi 3 về 1 vẫn có lời”.
2 thuyền trưởng tàu Thái Lan (giữa) bị bắt giữ về hành vi nhập biên trái phép, đang ký biên bản vi phạm. Hình: Tư liệu Bộ Tư lệnh  BĐBP
Cuối những năm 80, khi một số địa phương xin được cơ chế “hợp tác đánh bắt hải sản với các công ty nước ngoài” (chủ yếu là Thái Lan), các đối tượng lập tức lợi dụng để hợp thức hóa việc đánh bắt trộm bằng hình thức giả danh hợp tác: Tổ chức nhiều kíp tàu có cùng màu sơn, cùng số hiệu thay nhau vào đánh bắt; thực hiện tiếp dầu, chuyển tải trên biển để tăng thời gian đánh bắt... Khi Chính phủ nhận ra lỗ hổng này và các địa phương liên doanh hợp tác đánh bắt hải sản, các tàu Thái Lan vẫn ồ ạt vào vùng biển ta đánh bắt, nhưng không đi theo đoàn hàng trăm chiếc mà chia thành từng tốp 6 - 10 chiếc, hoạt động rải rác trên vùng biển của ta.
“Đặc biệt, từ năm 1991 đến 1996, vùng biển Tây Nam đã trở thành điểm nóng tranh chấp ngư trường!”, thiếu tá Hóa cho biết vậy và lắc đầu: “Khi bị ta ngăn chặn mạnh, các chủ tàu cá thuê tàu chiến, máy bay của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đi theo bảo vệ, sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng, ngay trên vùng biển Việt Nam”.
Đủ cách chống trả
Dao, gậy, kiếm, mác, roi cá đuối, dao vòng tay... của ngư dân Thái Lan chống trả lực lượng BĐBP - Hình trưng bày tại Nhà Truyền thống Hải đoàn BP 28
Buổi chiều ở huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu ngồi nghe đại tá Võ Văn Thắng, nguyên Tham mưu trưởng BĐBP Cà Mau kể chuyện, mới thấm thía câu nói: “Bây giờ Hải quân được trang bị mạnh, lại có tàu Cảnh sát Biển, Kiểm ngư nằm trực, tuần tiễu trên biển. Hồi chúng tôi giữ biển Tây Nam, khó khổ không tả nổi!”.
Những năm 80, Đồn BP Sông Đốc được xem như tuyến đầu, nhưng cũng không có nổi 1 chiếc ghe ra biển. Mỗi lần ngư dân đến báo tin tàu nước ngoài vào sâu lãnh hải, cướp biển hoành hành… chỉ huy đồn cứ ngồi yên chịu trận nghe dân mắng xa xả và cuối ngày, sau mỗi báo cáo tình hình về tỉnh đều có câu “Đề nghị cử lực lượng bảo vệ vùng biển cho dân yên tâm đánh cá”.
Ngay tần số liên lạc của đồn cũng bị nước ngoài theo dõi chặt chẽ, giải mã mọi thông tin qua lại khiến Đồn trưởng Võ Văn Thắng phải năn nỉ xin Hải đoàn 2 mấy chiếc máy FM gỡ từ tàu đánh cá Thái Lan bắt giữ để liên lạc ra trạm của đồn ngoài Hòn Chuối.
“Hồi ấy, bên viễn thông của tỉnh xuống lập biên bản định thu, BP tỉnh phải đứng ra can thiệp và nói thẳng: Nếu mất liên lạc ngoài đảo, bộ đội bị tập kích đánh phá thì các ông phải chịu trách nhiệm, họ mới thôi!” - đại tá Thắng cười sảng khoái kể lại vậy.
Tàu tuần tiễu của Hải đoàn BP 28, các tàu đều được sản xuất từ 30 - 40 năm nay, rất cũ kỹ, xuống cấp và thường xuyên hư hỏng
Nhớ lại những năm đầu 90, lực lượng BĐBP mướt mải bảo vệ vùng biển Tây Nam,đại tá Nguyễn Hữu Nhịp, Hải đoàn trưởng 28 rành rẽ liệt kê các phương thức tàu thuyền nước ngoài chống trả tàu BP truy đuổi, bắt giữ.
Các phương thức đều rất manh động như dùng số lượng đông, tàu lớn áp đảo tấn công lực lượng kiểm soát. Nếu lực lượng ta yếu hơn thì chúng đè bẹp, nhấn chìm tàu phi tang; dùng chất nổ gói lại như đệm va và buộc 2 bên mạn tàu để chống ta cập mạn, cũng là đánh cá bằng chất nổ.
Khi bị tàu BP truy đuổi, vây bắt, các tàu nước ngoài thả lưới, dây, bình ga, cài vô lăng cho ngư phủ xuống khoang, để tàu tự chạy, kéo dài thời gian cho các chiếc khác chạy thoát; tự đốt cháy (trên boong hoặc khoang lái), tháo van nhiên liệu, bịt lỗ thông đáy, chập cháy ắc quy, cháy đề… để ta không khắc phục được phải bỏ hoặc nếu khắc phục sửa chữa thì đủ thời gian cho tàu chiến đến ứng cứu.
Thậm chí các tàu nước ngoài còn tấn công ứng cứu vào thời điểm đang ổn định dẫn giải (15 - 30 phút) sau khi bắt. Lực lượng chúng sử dụng 2 - 3 chiếc tàu pháo tuần tiễu loại 250 tấn, 1 chiếc vào tấn công, số còn lại ở ngoài cảnh giới…
Thuyền viên tàu cá Thái Lan vi phạm vùng biển Việt Nam bị bắt giữ
Ít ai biết, những ngày súng nổ thường xuyên trên biển Tây Nam, Hải đoàn 28 chỉ có 6 chiếc tàu cao tốc cũ (“già nhất” là sản xuất 1978, “trẻ nhất” là 1988), thân vỏ xuống cấp, khi hoạt động thường hỏng hóc.
“Hải quân Vùng 5 chủ yếu phòng thủ bảo vệ đảo, phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển chủ yếu là tàu đổ bộ nhỏ. Các Hải đoàn Tự vệ biển (TVB) của Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Minh Hải, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo tuy số lượng tàu thuyền đông nhưng chỉ biết làm kinh tế kết hợp quốc phòng!” - đại tá Nhịp lắc đầu vậy và nói: “Hồi ấy Bộ Tư lệnh BĐBP, Hải quân, Quân khu 9 đã có hiệp đồng thông tin, thông báo chi viện khi cần thiết. Nhưng thực tế, chỉ có 6 tàu của Hải đoàn 28 làm nhiệm vụ và tự bao bọc đối phó trong mọi tình huống. Toàn tuyến biển Tây Nam, không đơn vị nào có phương tiện, khả năng, hỏa lực mạnh đủ sức chiến đấu với Hải quân Thái Lan!” …
Cán bộ chiến sĩ Hải đoàn 28, Bộ Tư lệnh BĐBP những ngày đầu mới thành lập năm 1990
Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang liệt kê: Tháng 8.1993, tàu chiến Thái Lan tấn công tàu TVB Kiên Giang, bắn bị thương 1 tàu, bắt 1 tàu với 12 thủy thủ; tháng 10.1994, tàu Minh Hải bắt 3 tàu cá, trong lúc dẫn giải thì bị 1 tàu chiến Thái Lan truy kích, giải vây 1 tàu; tháng 12.1994, tàu Cần Thơ bắt 5 tàu cá Thái Lan, khi đang dẫn giải thì bị 3 tàu chiến Thái Lan giải vây ngay khu vực nhà giàn DK1/10, bãi cạn Cà Mau.
Trung tướng Trịnh Trân, Tư lệnh BĐBP (thứ 4 từ trái qua phải, hàng đứng đầu tiên) thăm và kiểm tra công tác bảo vệ vùng biển Tây Nam với cán bộ chiến sĩ Đồn BP trên đảo Phú Quốc, Kiên Giang - Hình tư liệu BCH BĐBP Kiên Giang
(Còn nữa)
 
Tình hình tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam trong năm 1993:

- Tàu Trung Quốc:Thường xuyên duy trì 3 - 4 tàu quân sự hoạt động ở khu vực Trường Sa, ráo riết xây dựng các công trình, sân bay, bến cảng, dịch vụ ở khu vực này. Trung Quốc tiến hành các hoạt động thăm dò địa chất ở khu vực đảo Cồn Cỏ, bãi cạn Tư Chính, đặt các giàn khoan sát kinh tuyến 108 độ E. Tàu đánh cá của Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản (năm 1993 riêng BĐBP phát hiện khoảng 5.000 lượt/chiếc), tập trung tại khu vực Vịnh Bắc bộ, dọc ven biển miền Trung và khu vực thềm lục địa bãi cạn Tư Chính, Huyền Trân, Quế Đường… với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, trắng trợn và liều lĩnh. Các tàu cá Trung Quốc có trọng tải, công suất lớn từ 50 - 200 tấn, 135 - 450 CV, cao điểm có ngày lên tới hàng trăm lượt/chiếc xâm phạm vùng biển ta.

- Tàu thuyền Thái Lan: Duy trì Hải quân, không quân bảo vệ các đoàn tàu đánh cá hoạt động trên vùng biển chồng lấn, lợi dụng tình hình quản lý và kiểm soát của ta còn bất cập, thường xuyên xâm nhập vùng biển ta bắt trộm hải sản, khu vực tập trung là bãi cạn Cà Mau, đảo Thổ Chu… Tàu Thái Lan có công suất lớn, chịu đựng sóng tốt (500 - 1.250 CV). Phương thức thủ đoạn nổi bật nhất là có quy mô tổ chức chặt chẽ và có tàu chiến, máy bay bảo vệ.

- Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia: Tàu thuyền có vũ trang của các lực lượng Campuchia tăng cường hoạt động và bắt nhiều tàu ngư dân ta phạt. Tình hình trấn cướp trên vùng biển này diễn ra phức tạp”…

(Nguồn: Bộ Tư lệnh BĐBP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.