Cựu Bí thư Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh ‘phù phép’ hơn 80 tỉ thế nào?

Đỗ Trường
Đỗ Trường
11/08/2018 11:51 GMT+7

Cựu Bí thư Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh ‘phù phép’ để mua tài sản có giá hơn 80 tỉ đồng nhưng chỉ đưa vào ngân hàng hơn 8,7 tỉ đồng.

Chiều 10.8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh Bình Dương đã thông tin cho báo chí về những sai phạm của Nguyễn Hồng Khanh (51 tuổi), Tỉnh ủy viên, cựu Bí thư TX.Bến Cát, người bị khởi tố, bắt tạm giam vào sáng cùng ngày.
Liên quan đến vụ việc, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Huy Hùng (50 tuổi), giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) Tây Sài Gòn và Nguyễn Quang Lộc (48 tuổi), Phó trưởng phòng Quan hệ khách hàng BIDV Tây Sài Gòn, về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

“Phù phép” giá trị tài sản từ 80 tỉ còn 8,7 tỉ đồng

Tại cuộc họp thông tin cho báo chí, đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết từ năm 2005 - 2008, bà Hồ Thị Điệp (chết năm 2016 - PV), giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất gỗ An Tây (gọi tắt là Công ty An Tây, có trụ sở ở xã An Tây, TX.Bến Cát) sử dụng 20 ha đất và tài sản trên đất gồm nhà xưởng, biệt thự, máy móc thiết bị sản xuất gỗ để thế chấp vay trên 72 tỉ đồng của chi nhánh ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn (gọi tắt là BIDV Tây Sài Gòn).

Đại tá Trần Văn Chính thông tin về vụ việc Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Đến năm 2008, Công ty An Tây không có khả năng chi trả. Năm 2011, BIDV Tây Sài Gòn đã niêm phong toàn bộ tài sản đã thế chấp của Công ty An Tây và phát mãi tài sản. Theo đại tá Chính, từ năm 2012 - 2015, Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc cho thực hiện các thủ tục phát mãi tài sản theo định để xử lý nợ với phương thức cho bà Hồ Thị Điệp tự bán.

Thời điểm này, ông Nguyễn Hồng Khanh, đang là Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, và một số người trong gia đình ông Khanh đứng ra mua toàn bộ số tài sản của Công ty An Tây. Đại tá Chính khẳng định: “Việc xử lý tài sản thế chấp của ông Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc không đúng quy định pháp luật về xử lý tài sản đảm bảo… gây thiệt hại cho ngân hàng”, đại tá Chính nói.

Khu nhà xưởng bị niêm phong, bỏ hoang nhiều năm nay Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Đại tá Chính cho biết trong vụ việc này, BIDV Tây Sài Gòn không có văn bản thỏa thuận với bên bán, không có định giá tài sản, không đưa ra bán đấu giá tài sản, tự ý hạ thấp giá trị bán tài sản, quyết định bán tài sản không đúng thẩm quyền…

Đại tá Chính nói: “Cụ thể là giá trị tài sản ban đầu là trên 80 tỉ đồng, nhưng các bị can đã thỏa thuận với bà Điệp và ông Khanh hạ thấp giá bán, chỉ đưa một phần vào  BIDV Tây Sài Gòn. Hiện nay chúng tôi điều tra và xác định được số tiền đưa vào BIDV Tây Sài Gòn chỉ 8,7 tỉ đồng và ông Khanh giữ lại một phần tiền trực tiếp đưa cho bà Điệp số tiền trên 4 tỉ đồng”.

Theo đại tá Chính tính đến thời điểm hiện nay Công ty An Tây còn nợ BIDV Tây Sài Gòn số tiền trên 106 tỉ đồng mà BIDV Tây Sài Gòn không thu hồi được. Đây là số tiền thất thoát lớn cho nhà nước trong vụ án này.

Ép ra khỏi công ty để giao tài sản

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Hiệp Hòa (48 tuổi, ngụ Bình Dương, con trai, người thừa kế của bà Điệp), năm 2012 bà Điệp bổ nhiệm ông Hòa làm giám đốc điều hành Công ty An Tây. Thời điểm này ông Hòa tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất gỗ xuất khẩu với tổng giá trị đầu tư trên 43.250 đô la Mỹ và 270 triệu đồng.

Đến năm 2014, bà Điệp giao cho ông Hòa một phần đất trên 1,5ha (trong tổng số 20ha đất) để thành lập Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại gỗ An Phát Đạt do ông Hòa làm giám đốc và chuyển toàn bộ số tài sản do ông Hòa đã đầu tư sang Công ty An Phát Đạt.

Cổng vào công ty An Tây bị khóa kín Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Năm 2016, trong lúc ông Hòa đang điều hành Công ty An Phát Đạt với hàng trăm công nhân đang làm việc thì BIDV Tây Sài Gòn dưới sự điều hành của ông Nguyễn Quang Lộc cùng với đại diện của nhiều cơ quan chức năng TX.Bến Cát đến đuổi toàn bộ công nhân ra khỏi xưởng và tiến hành niêm phong tài sản của Công ty An Phát Đạt.

Từ đơn thư tố cáo của ông Hòa, ngày 22.3.2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hiệp Hòa cho biết: “Thời điểm đó ông Khanh với tư cách là người đã mua tài sản và ông Lộc đã ép gia đình tôi ra khỏi công ty, để lại toàn bộ số tài sản và hỗ trợ cho gia đình tôi số tiền 300 triệu đồng. Sau khi ra khỏi công ty mẹ tôi đã đổ bệnh mà chết”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, hiện nay ông và gia đình phải về Tiền Giang để nương tựa gia đình bên vợ.

Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 10.8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Khanh do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Ông Nguyễn Hồng Khanh là cựu Bí thư thị xã Bến Cát. Trước khi được bầu làm Bí thư thị xã Bến Cát, ông Khanh từng giữ các chức vụ: Trưởng phòng Tài chính UBND H.Bến Cát (cũ), Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TX.Bến Cát.
Tháng 6.2016, ông Nguyễn Hồng Khanh bị cách chức Bí thư TX.Bến Cát, điều động về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương cho đến nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.