Cựu binh Mỹ làm phim về cựu tù Côn Đảo

01/08/2016 07:00 GMT+7

'Nếu những đứa trẻ da cam sau chiến tranh VN là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với chúng tôi, thì câu chuyện về những cựu tù Côn Đảo là nỗi ám ảnh lạ lùng nhất...', Larry Vetter, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại VN trải lòng.

Một buổi chiều ở Đà Nẵng, Larry Vetter, người lính Mỹ từng tham chiến ở miền Trung VN (giai đoạn 1965 - 1969), hiện là thành viên của Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình, tình cờ gặp một nhóm nữ cựu tù Côn Đảo. Nghe họ chia sẻ những câu chuyện đời mình, Larry hết sức bất ngờ.
60 phút người thật, việc thật
Cựu binh Mỹ Larry Vetter có đến gần 10 năm liền sống ở Đà Nẵng và tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng các nạn nhân chất độc da cam tại đây. Với vai trò là một nhà báo tự do, ông đi khắp các tỉnh thành miền Trung VN để ghi lại những hình ảnh, hoàn cảnh đáng thương của các nạn nhân và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ họ. Năm 2008, Larry Vetter chính thức trở thành hội viên danh dự của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Đà Nẵng.
Theo Larry, chiến tranh VN vốn là chuỗi ám ảnh khó quên đối với ông nói riêng và những cựu binh Mỹ nói chung, nhưng những điều ông trực tiếp nghe được từ những cựu tù Côn Đảo khiến ông hoang mang, ám ảnh lạ lùng. Larry mang những câu chuyện nghe được kể lại cho những người bạn Mỹ của mình đang ở bên kia địa cầu nhưng họ không tin. “Hơn 90% những người Mỹ từng tham chiến ở VN không hề biết những gì diễn ra đối với những người tù bị đày đi Côn Đảo, những người mà họ có phần trực tiếp hay gián tiếp gây ra”, Larry khẳng định.
Chính vì vậy, Larry quyết định sẽ kể lại câu chuyện chân thực nhất theo cách của mình, theo những gì ông trực tiếp tiếp xúc và ghi nhận. Bộ phim dài 60 phút của ông mang tên Con Son or Con Dao - Viet Nam's Devil's Island (Côn Sơn hay Côn Đảo - hòn đảo địa ngục của Việt Nam), ghi lại những cuộc trò chuyện của ông với những cựu tù Côn Đảo, kèm theo đó là những hình ảnh chân thực ông quay lại khi đến thăm Côn Đảo, những hình ảnh tư liệu ông thu thập được từ những chuyến triển lãm của Bảo tàng Côn Đảo ở nhiều nơi, cả những tư liệu mà những cựu tù Côn Đảo mà ông gặp gỡ, chia sẻ với ông.
Câu chuyện bắt đầu từ cái mốc năm 1969, khi ông Larry kết thúc một giai đoạn tham chiến ngay tại chiến trường Đà Nẵng. Cũng thời điểm ấy, ở Đà Nẵng có rất nhiều thanh niên VN bị người Mỹ và chính quyền Sài Gòn bắt bớ, đưa đi đày ải và tra tấn ở Côn Đảo.
Trong số đó có bà Huỳnh Thị Thu Hương lúc ấy mới 18 tuổi, là biệt động thành Đà Nẵng bị lộ nên bị tuyên án 5 năm tù treo. Sau đó, bà Hương tiếp tục chống chào cờ của chính quyền Sài Gòn, nên bị bắt đày đi Côn Đảo. Bà Trương Thị Chiến (66 tuổi) cũng hoạt động cách mạng và từng bị đày ra hòn đảo này. Đây là 2 trong số gần 500 nữ tù bị đày đến Côn Đảo trong suốt thời gian hệ thống nhà tù này hoạt động. Những hình thức tra tấn dã man nhất, kinh khiếp nhất được tái hiện qua từng đoạn ký ức rời rạc của những người nữ tù Côn Đảo như tra tấn bằng điện, đổ nước xà phòng, nước ớt và đạp vào bụng để tù nhân bị sặc và ngộp thở, rồi lựu đạn cay được quăng liên tiếp vào phòng giam chật hẹp… Hay cả trăm người tù mang gông cùm, xiềng xích chen chúc nhau trong một căn phòng chỉ vài chục mét vuông, không nước uống, không vệ sinh… Những người cai ngục liên tục rải vôi xuống hầm tù và dội nước vào người tù khiến cơ thể họ ngứa ngáy, lở loét.
Larry tại nhà tù Côn Đảo Ảnh: A.Q
Vượt qua ám ảnh
Ông Đỗ Hùng Luân (72 tuổi), một trong những cựu tù Côn Đảo đang sống tại Đà Nẵng xuất hiện trong đoạn phim của Larry, kể khi cựu binh Mỹ này tìm đến và tha thiết muốn nghe những câu chuyện của ông, ông đã định từ chối vì không muốn khơi lại vết thương chiến tranh. Nhưng ông đã xiêu lòng trước sự chân thành muốn biết sự thật của Larry. Larry đã đặt câu hỏi cụ thể với những nhân vật của mình, và quan trọng hơn cả ông muốn biết cách họ vượt qua ám ảnh để có thể ngồi đây và tha thứ cho những người bên kia chiến tuyến.
Theo Larry, ám ảnh mà ông khó có thể vượt qua được chính là hành động của ông Luân và nhiều người tù chính trị khác tự tay mổ bụng mình để đấu tranh, giữ vững lập trường, khí tiết cách mạng. “Họ đều là những người thật thân thiện, hiền lành. Tôi không nghĩ họ đã từng phải đấu tranh bằng những hành động quyết liệt và dữ dội đến vậy”, Larry nói.
Larry Vetter cho biết ông sẽ chia sẻ bộ phim này với những người bạn ở Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình, Hội Những cựu binh Mỹ đồng hành cùng những đứa trẻ của chiến tranh VN… để chung tay hỗ trợ cho những nạn nhân chiến tranh VN, những cựu tù Côn Đảo có hoàn cảnh khó khăn. Ông cũng sẽ tặng nó cho thư viện các trường đại học ở Mỹ, các bảo tàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.