Kể từ khi bão số 13 (Vamco) quét qua hồi giữa tháng 11.2020, đến nay bãi tắm An Bàng (P.Cẩm An, TP.Hội An) vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh ngổn ngang. Tỉ mẩn ngồi gia cố 2 cây trụ đang gồng mình chống đỡ phần trước của căn chòi lá đang có nguy cơ đổ sập tiếp về phía biển, ông Đinh Văn Chinh (57 tuổi, chủ nhà hàng Hồng Hạnh) than phiền rằng đã gần 1 năm nay, việc bán buôn ở đây thường xuyên ngưng trệ.
|
“Vừa qua đợt dịch Covid-19, giờ lại thêm nạn biển xâm thực, nguy cơ nuốt chửng hàng loạt nhà hàng nên không thể kinh doanh, buôn bán được gì”, ông Chinh thở dài. Dãy nhà chuyên kinh doanh hải sản dọc bờ biển An Bàng bị hư hỏng nặng, trong đó có tài sản của chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (40 tuổi, ở tổ 4, KP.Thịnh Mỹ). Khoản vay mượn 400 triệu đồng (chưa kể tích góp riêng) để dựng nhà hàng từ 4 năm trước, giờ chỉ trơ lại công trình vệ sinh. “Nợ chưa trả xong thì nhà đã bị sóng đánh sập”, chị Hoa nghẹn ngào.
Không thể chậm trễ!
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết địa phương đã chi cả ngàn tỉ đồng làm kè biển, nhưng tới nay mọi thứ vẫn không thể kiểm soát. Theo ông Sơn cho rằng, nguyên nhân được chỉ ra vẫn xoay quanh các yếu tố như chế độ thủy văn sông Thu Bồn thay đổi, tình trạng xây dựng các công trình dọc biển quá dày, rừng đầu nguồn bị tàn phá, nước biển dâng… “Để “cứu” bờ biển Hội An, chúng tôi đã kiến nghị với tỉnh và T.Ư cùng với TP bỏ kinh phí kè cứng phá sóng từ bãi tắm Cửa Đại kéo dài xuống Resort Alya với chiều dài khoảng 4 km. Bên cạnh đó, kè mềm mềm bằng cọc tre và trồng cây tạo cảnh quan với chiều dài khoảng 2 km từ bãi tắm Cửa Đại lên bờ biển An Bàng. Tổng cộng kinh phí đầu tư dự án kè biển Hội An mất khoảng 600 tỉ đồng”, ông Sơn nói.
Tính kỹ ra, mỗi năm TP.Hội An đều bố trí kinh phí để kè, gia cố bờ biển; riêng năm 2020 đã bố trí 40 tỉ đồng khắc phục tình trạng sạt lở. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đối với bờ biển Hội An và các huyện miền núi. “Hội An dựa vào di sản và du lịch biển. Biển mà mất thì sẽ thiệt hại tới 50%. Nếu không có biển ngành du lịch sẽ tổn thương nghiêm trọng. Vì vậy, bằng mọi giá phải tìm mọi cách để “cứu” bờ biển Hội An. Dù biết kè sẽ mất đi vẻ hoang sơ của bờ biển nhưng vẫn còn chỗ để du khách tắm, chưa kể biển xâm thực mạnh sẽ gây sạt lở nhiều khách sạn, đường giao thông”, ông Sơn chia sẻ.
Làm đê ngầm chắn sóngBQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNN Quảng Nam đang thực hiện dự án đê ngầm chắn phá sóng từ xa với chiều dài 220 m (kinh phí 40 tỉ đồng) và được thiết kế chạy song song, cách bờ 250 m. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Văn Điềm, Giám đốc BQL dự án, cho biết đơn vị đang lên kế hoạch để trong năm 2021 triển khai kè bờ biển.
Với tổng vốn đầu tư công 300 tỉ đồng, BQL đang trình phê duyệt dự án làm đê ngầm với chiều khoảng 1,7 km cách bờ 250 m để giảm sóng; xây dựng xong sẽ nạo vét luồng lạch để bơm cát vào phục hồi bãi biển. Tỉnh Quảng Nam cũng đang lập dự án vay vốn ODA (Quỹ phát triển Pháp) với số tiền 300 tỉ đồng để triển khai làm ngầm tương tự.
|
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng đã đến lúc không thể chậm trễ cứu biển Hội An, bởi tình thế hiện nay là vô cùng nguy cấp. Tỉnh với T.Ư sẽ triển khai một số đoạn đê ngầm đặt cách bờ biển một khoảng để phá sóng, trong bờ cũng có một số đoạn gia cố bằng bê tông. Trong thời gian tới, các dự án sẽ được triển khai mạnh để hạn chế tối đa tình trạng biển xâm thực đất liền.
Bình luận (0)