Ngày 24.4, trong phiên xét xử ông Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo khác liên quan việc biến lô đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) từ tài sản nhà nước thành của tư nhân, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đã đề nghị mức án từ 2 - 11 năm tù đối với các bị cáo.
Đề nghị tòa tuyên hủy quyết định cho thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng
Cụ thể, VKS cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo giữ vị trí chủ chốt ở Bộ Công thương và UBND TP.HCM, nhưng “vì các động cơ khác nhau mà chuyển tài sản nhà nước sang cho tư nhân trái pháp luật, làm mất niềm tin của nhân dân”, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng. Tuy vậy, các bị cáo cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, có nhiều thành tích trong công tác, nên VKS cũng nhận thấy cần áp dụng hình phạt dưới khung và cần phân hóa vai trò.
Nhận định bị cáo Vũ Huy Hoàng (68 tuổi, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) giữ vai trò chính trong vụ án, VKS đề nghị mức án 10 - 11 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh, bị cáo Phan Chí Dũng (63 tuổi, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương) bị đề nghị mức án 7 - 8 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Trong 7 bị cáo còn lại thuộc một số cơ quan của TP.HCM, ông Lâm Nguyên Khôi, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT, và Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở TN-MT, đều bị đề nghị mức án 4 - 5 năm tù; Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM), Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở KH-ĐT), Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM) và Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất, Sở TN-MT) bị đề nghị 3 - 4 năm tù; Nguyễn Lan Châu (cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở TN-MT) bị đề nghị mức án 2 - 3 năm tù, cùng về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Về dân sự, VKS không đề nghị các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm bồi thường, mà đề nghị HĐXX tuyên buộc UBND TP.HCM hủy bỏ quyết định cho thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và các văn bản liên quan. UBND TP.HCM được yêu cầu xử lý khu đất theo đúng quy định, quan tâm đến quyền lợi của bên thứ ba ngay tình.
Ông Vũ Huy Hoàng nói không cố ý làm sai
Bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng ngay khi VKS hoàn tất đề nghị mức án, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, bản luận tội không hề tính đến các diễn biến trong phiên tòa, mà “từng câu từng chữ” được nêu lại từ cáo trạng. Theo luật sư, không có bằng chứng nào cho thấy ông Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo Sabeco chuyển quyền sử dụng lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho Sabeco Pearl, dẫn đến hậu quả thất thoát tài sản nhà nước. Việc chuyển quyền sử dụng này là do trách nhiệm của bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco cũng như chính quyền TP.HCM.
Các luật sư cũng có ý kiến về việc định giá lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (3.816 tỉ đồng) vào thời điểm khởi tố vụ án năm 2018 chứ không phải thời điểm vụ việc xảy ra, để tính con số thiệt hại 2.700 tỉ đồng cũng là chưa hợp lý. Trên thực tế, lô đất này đã bị cơ quan chức năng “đóng băng”, nên thực tế thiệt hại chưa xảy ra, hoặc thiệt hại rất ít, nên các luật sư đề nghị làm căn cứ để giảm nhẹ tội cho các bị cáo.
|
Luật sư cũng nêu việc ông Vũ Huy Hoàng bị bệnh nan y, Bệnh viện Việt Xô đã phải hội chẩn xem ông Hoàng có đủ sức khỏe để ra tòa không, nhưng ông Hoàng vẫn 3 lần chủ động xin ra tòa, thể hiện việc không né tránh trách nhiệm, mong được nêu quan điểm trước tòa. Với các lý do trên, luật sư cho rằng mức án đề nghị 10 - 11 năm tù với ông Hoàng là điều ông “không tưởng”.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng mức án VKS đề nghị với ông là quá nặng, không chắc ông có đủ thời gian chấp hành. Tự bào chữa trong hơn 30 phút, bị cáo Hoàng cho rằng nếu mình có mắc khuyết điểm thì chỉ do quá nhiệt tình và lo lắng Sabeco không có trụ sở làm việc, chứ không cố ý làm sai. Theo bị cáo Hoàng, VKS cáo buộc ông giữ vai trò chính, có hành vi có tính quyết định đến sai phạm của các bị cáo khác là không đúng thực tế.
Ông Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng việc Sabeco thoái vốn khỏi Sabeco Pearl (sau khi đã chuyển quyền sử dụng 6.000 m2 đất 2-4-6 Hai Bà Trưng sang cho Sabeco Pearl, làm mất tài sản nhà nước) là do đề xuất của Sabeco, chứ không phải ý kiến của Bộ. Khi Sabeco thoái vốn, ông không còn giữ cương vị bộ trưởng.
Cũng với quan điểm tương tự, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Chí Dũng cho rằng trách nhiệm chính trong vụ án thuộc về những người đại diện vốn nhà nước ở Sabeco. “Họ cố ý làm sai chỉ đạo của Bộ Công thương để hình thành Sabeco Pearl, nhưng sau đó lại đề xuất ngược lại xin thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Điều này trái hoàn toàn với kết luận của Viện KSND tối cao, là bị can Vũ Huy Hoàng chỉ đạo bằng được việc thoái vốn. Cáo buộc này hoàn toàn không có căn cứ. Toàn bộ đều do bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco làm”, luật sư nêu quan điểm và cho rằng nhóm bị cáo thuộc Bộ Công thương là Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng đã “không phạm tội như truy tố”.
Bình luận (0)