Cựu cán bộ ngân hàng Vietinbank biến khách VIP thành 'con nợ ngàn lượng'

Phan Thương
Phan Thương
17/06/2022 16:39 GMT+7

Lợi dụng sự tin tưởng của khách VIP, cựu cán bộ ngân hàng Vietinbank đã cho khách hàng ký khống, in ghép, tạo dựng giấy tờ thể hiện đã trả hết nợ mượn từ khách, đồng thời khách VIP còn vay của bị cáo 82 tỉ đồng và 3.866 lượng vàng SJC.

Ngày 16.6, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần 2 tuyên phạt Huỳnh Tấn Luật (48 tuổi, quê Đồng Nai, cựu cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank) 20 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời buộc bị cáo bồi thường gần 400 tỉ đồng cho bị hại.

Bị cáo Huỳnh Tấn Luật

C.T.V

Tháng 6.2019, TAND TP.HCM từng xét xử sơ thẩm tuyên phạt Huỳnh Tấn Luật 20 năm tù. Về dân sự, tòa buộc Luật bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bị hại là bà Võ Thị Kiên (72 tuổi, ngụ Q.11) và kê biên các tài sản mua từ số tiền chiếm đoạt. Nếu xảy ra tranh chấp thì khởi kiện thành vụ án dân sự khác.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Kiên kháng cáo, yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án, làm rõ vai trò giúp sức của một số người thân trong gia đình Luật, thu hồi 11 tài sản còn lại để khắc phục thiệt hại.

Tháng 11.2019, TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của bà Kiên, tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra.

Theo cáo trạng, Luật là cán bộ Vietinbank chi nhánh 1. Mẹ của Luật có mối quan hệ thân thiết với bà Võ Thị Kiên, biết bà Kiên có nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nên mẹ Luật nói bà Kiên gửi tiền vào các phòng giao dịch ngân hàng do Luật phụ trách để giúp con tăng doanh số huy động vốn.

Từ tháng 7.2010 đến 7.9.2011, bà Kiên đã gửi hàng trăm tỉ đồng vào các phòng giao dịch do Luật phụ trách.

Do lượng tiền gửi của bà Kiên rất lớn, từ tháng 10.2011, ngân hàng đồng ý cho Luật được thực hiện các giao dịch tại nhà riêng của bà Kiên. Trong quá trình giao dịch, vì tin tưởng Luật, bà Kiên thường ký sẵn vào các giấy tờ, biểu mẫu chưa ghi nội dung để Luật thực hiện giao dịch rút tiền lãi của các khoản tiết kiệm.

Cũng trong thời gian từ tháng 10.2010 đến 11.2012, khi có được sự tin tưởng, Luật vay hơn 239 tỉ đồng và gần 8,7 triệu USD của bà Kiên để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Theo đó, lãi suất Luật trả cho bà Kiên cao hơn lãi suất ngân hàng.

Do kinh doanh thua lỗ, Luật nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bà Kiên đã cho vay. Lợi dụng việc bà Kiên tin tưởng mình khi làm thủ tục thanh toán tiền không đọc nội dung và ký vào các biểu mẫu chưa ghi nội dung để thuận lợi cho Luật thực hiện việc rút tiền, nhận lãi các khoản gửi tiết kiệm, Luật soạn thảo, in ghép thêm nội dung vào 9 tờ giấy. Nội dung các tờ giấy thể hiện đã trả hết nợ cho bà Kiên. Đồng thời làm giả biên nhận chính bản thân bị cáo cho bà Kiên vay 82 tỉ đồng, 3.866 lượng vàng SJC.

Tháng 9.2014, Luật khởi kiện ra tòa án để đòi nợ nhằm chối bỏ trách nhiệm và chiếm đoạt số tiền 385 tỉ đồng (gồm gốc lẫn lãi). Tuy nhiên, khi bà Kiên làm đơn tố cáo lại Luật vì có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản thì Luật rút đơn khởi kiện.

Quá trình điều tra, CQĐT xác định chữ ký trên tờ giấy thể hiện đã trả nợ cho bà Kiên là giả. Ngoài ra, Luật còn vay tiền của 12 người khác từ năm 2006 đến 2014 tổng cộng 162 tỉ đồng và 10.000 USD.

Cựu cán bộ ngân hàng trên đã dùng hơn 155 tỉ đồng tiền vay của bị hại Kiên và những người khác để mua 21 tài sản gồm bất động sản và xe ô tô nhưng để người thân đứng tên. Và Luật đã khắc phục hậu quả hơn 1,6 tỉ đồng cho bà Kiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.