Tháng 4.2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC). Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng loạt nhân viên và nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bị ra lệnh bắt tạm giam.
Đây cũng là nút thắt đầu tiên được gỡ, "vén màn" chuỗi sai phạm của bà Nhàn cùng đồng phạm trong hàng loạt vụ án liên quan đến lĩnh vực y tế, công nghệ sinh học.
Bất ngờ: Không chấp nhận kháng cáo cho cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Lũng đoạn đấu thầu, hối lộ quan chức
Tháng 5.2022, xác định cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát lệnh truy nã đối với bị can này. Ngoài bà Nhàn, 7 người khác gồm cấp dưới tại Công ty AIC và lãnh đạo một số doanh nghiệp thân quen cũng bị truy nã.
Nhiều tháng sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND tối cao lần lượt phát thông báo kêu gọi các bị can ra đầu thú để được hưởng khoan hồng, nhưng đều không có kết quả.
Đến tháng 1.2023, dù nhóm bà Nhàn đang bỏ trốn, TAND TP.Hà Nội vẫn quyết định đưa vụ án liên quan đến dự án xây dựng BV đa khoa tỉnh Đồng Nai ra xét xử. Trong số 36 bị cáo, cựu Chủ tịch Công ty AIC bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù về 2 tội đưa hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản án xác định, bà Nhàn lợi dụng mối quan hệ với quan chức tỉnh Đồng Nai để được ưu ái tham gia thầu, chỉ đạo nhân viên sử dụng hàng loạt chiêu trò gian dối để trúng liên tiếp 16 gói thầu, gây thiệt hại 152 tỉ đồng. Bị cáo cùng nhân viên Công ty AIC còn đưa hối lộ cho nhiều quan chức với tổng số tiền lên tới 43,8 tỉ đồng.
Sau phiên sơ thẩm, cựu Chủ tịch Công ty AIC cùng nhóm bị cáo bị truy nã được luật sư kháng cáo thay. Dự kiến ngày mai 22.5, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm vụ án này.
Xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Cựu Chủ tịch Công ty AIC và anh trai cùng bị khởi tố
Tháng 8.2022, trước khi vụ án tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai được xét xử, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy cứu hình sự trong vụ án thứ hai, liên quan đến BV Sản nhi Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh).
Ở vụ án này, bà Nhàn vẫn bị khởi tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài cựu Chủ tịch Công ty AIC, vướng vòng lao lý còn có nhiều nhân viên công ty này và loạt cán bộ tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho BV Sản nhi Quảng Ninh, tổng mức đầu tư hơn 238 tỉ đồng, do sở y tế làm chủ đầu tư.
Quá trình thực hiện, các bị can đã thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá theo giá cao hơn giá thị trường, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC để nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản nhà nước trị giá 73 tỉ đồng.
Đến tháng 3.2023, mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố thêm 5 bị can với vai trò đồng phạm. Trong số này có ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phúc Hưng, cũng là anh trai bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Sai phạm khi mua sắm thiết bị thí nghiệm
Mới đây nhất, tháng 4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định có sai phạm trong vụ thứ ba. Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Công ty AIC, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và các đơn vị liên quan.
Cựu Chủ tịch AIC một lần nữa bị khởi tố về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với bà Nhàn, 8 bị can khác bị cáo buộc cùng tội danh, trong đó có Trần Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty AIC, người cũng bị truy nã với bà Nhàn; Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM; Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.
Xem nhanh 12h ngày 22.5: Xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Ngoài ra còn có Nguyễn Viết Thạch, cựu Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng (Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM); Nguyễn Trần Long, cựu chuyên viên Ban Quản lý đầu tư xây dựng (Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM); Trần Đăng Tấn, cựu Trưởng đại diện văn phòng Công ty AIC tại TP.HCM; Nguyễn Minh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM; Trần Vinh Vũ, cựu Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư và quản lý xây dựng Hồng Hà.
Kết quả điều tra ban đầu xác định bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm có sai phạm trong quá trình thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Hành vi này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
"Không có chuyện bắt được bà Nhàn nhưng giấu"
Giữa tháng 5 vừa qua, tại buổi họp báo thông tin về kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, cho biết Thường trực Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến Công ty AIC theo thời hạn bộ luật Tố tụng hình sự.
Riêng với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, các cơ quan đang tích cực áp dụng các biện pháp, cố gắng truy bắt. "Phải nói rõ là hiện chưa bắt được, không có cứ lấn cấn rằng bắt được rồi xong giấu ở đâu. Thi thoảng chúng tôi nhận được thông tin hỏi hình như bắt được rồi xong giam ở đâu phải không", ông Yên khẳng định trước một số thông tin đồn đoán về việc bà Nhàn đã bị bắt giữ.
Cũng về cựu Chủ tịch Công ty AIC, tháng 4 vừa qua, khi báo chí đặt câu hỏi về vấn đề quốc tịch của bà Nhàn, lãnh đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, đến thời điểm hiện tại, cục chưa nhận được bất kỳ thông tin nào do địa phương chuyển lên, liên quan đến vấn đề quốc tịch của người này.
Bình luận (0)