Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc ngoan cố, đổ tội cho em gái

28/10/2023 19:25 GMT+7

Kết luận điều tra vụ án thể hiện, dù phạm tội nhiều lần nhưng cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vẫn ngoan cố không thừa nhận hành vi, thậm chí bị can này còn đổ tội cho em gái và người khác.

Ngày 28.10, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an ra kết luận điều tra và đề nghị viện kiểm sát truy tố ông Trịnh Văn Quyết (48 tuổi), cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), và 20 bị can về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc ngoan cố, đổ tội cho em gái- Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC

THANH HUYỀN

Phía điều tra cáo buộc ông Quyết đã thao túng 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC, chiếm đoạt 723 tỉ đồng và lừa đảo 3.620 tỉ đồng qua việc bán cổ phiếu Công ty cổ phần xây dựng Faros (Công ty Faros). Giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết còn có em gái là bị can Trịnh Thị Minh Huế (42 tuổi). Bà Huế bị truy tố về cả 2 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.

Viện KSND tối cao trả hồ sơ vụ tỉ phú Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán

Kết luận điều tra thể hiện, ông Quyết là người có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán; sáng lập Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS (Công ty BOS) và 50 công ty khác.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch FLC đã lợi dụng các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thu lợi bất chính đặc biệt lớn và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, ông Trịnh Văn Quyết còn lôi kéo, tác động những người thân trong gia đình và bạn bè thực hiện hành vi phạm tội.

Khi bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam, dù các chứng cứ chứng minh đã rõ nhưng ông Quyết vẫn ngoan cố không thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời đổ lỗi cho em gái và người khác thực hiện hành vi. Do vậy, C01 cho rằng cần xử lý ông Trịnh Văn Quyết bằng một bản án nghiêm khắc trước pháp luật để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Đối với bị can Trịnh Thị Minh Huế, C01 xác định Huế đảm nhận công việc kế toán tổng hợp của Tập đoàn FLC, đã giúp anh trai mình thao túng chứng khoán và lừa đảo. Tuy nhiên, quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bà Huế khẳng định bản thân tự thực hiện hành vi phạm tội, không phải thực hiện theo chỉ đạo của anh trai.

Cũng theo kết luận điều tra, bị can Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo người thân, nhân viên và các công ty con, sử dụng khoản chứng khoán để "thổi" giá các mã AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Từ đó, ông Quyết hưởng lợi bất chính 723 tỉ đồng.

Xem nhanh 12h ngày 29.10: Xe Thành Bưởi ngừng chở khách | Đại gia Trịnh Văn Quyết đổ tội cho em gái

Ngoài ra, ông Quyết còn "phù phép", nâng khống vốn của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng. Sau đó, bị can này đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM để bán, chiếm đoạt 3.620 tỉ đồng của các nhà đầu tư. Khi thu lợi được số tiền bất chính, bị can Quyết đã dùng để mua cổ phần tại hãng hàng không Bamboo Airways, trả nợ, gửi vào tài khoản chứng khoán và chi tiêu cá nhân.

Dù được đánh giá phạm tội lần đầu nhưng vào các năm 2017 và 2022, bị can Trịnh Văn Quyết bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử phạt lần lượt 65 triệu đồng và 1,5 triệu đồng do bán "chui" cổ phiếu FLC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.