Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trước ngày hầu tòa

04/07/2024 13:28 GMT+7

Theo luật sư, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đang trong quá trình điều trị bệnh, song tinh thần vẫn tốt trước ngày hầu tòa.

Dự kiến ngày 22.7 tới đây, TAND TP.Hà Nội sẽ xét xử vụ án thao túng chứng khoán và lừa đảo liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (gọi tắt là Tập đoàn FLC) và đồng phạm.

Trong số 50 bị cáo, ông Trịnh Văn Quyết bị truy tố về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. Hầu tòa còn có 2 em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga, nhiều cựu lãnh đạo Tập đoàn FLC và các công ty trong "hệ sinh thái". Ngoài ra, còn có hàng loạt cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE)…

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trước ngày hầu tòa- Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

T.N

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, có khoảng 80 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Riêng cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư bào chữa.

Trước khi phiên tòa được mở, trao đổi với Thanh Niên, một trong 4 luật sư của ông Quyết cho biết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bệnh lao và đang trong quá trình điều trị. Tuy vậy, tinh thần của bị cáo vẫn đảm bảo.

Theo luật sư, đến thời điểm này, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã nhận thức về các hành vi sai phạm, xin chịu trách nhiệm hình sự và dân sự như cáo buộc. Ông Trịnh Văn Quyết cũng mong cơ quan chức năng áp dụng chính sách khoan hồng cho các bị cáo là người thân, đồng nghiệp cấp dưới liên quan đến vụ án.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc ngoan cố, đổ tội cho em gái

Cạnh đó, bị cáo xin chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng các tài sản cá nhân, sẽ vận động gia đình, bạn bè để khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất.

Theo cáo buộc, từ tháng 5.2017 - tháng 1.2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, bị cáo Quyết chỉ đạo "xả bán" cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Trước đó, từ năm 2014 - tháng 9.2016, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.

Tiếp đó, các bị cáo tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros. Niêm yết cổ phiếu thành công, bị cáo Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư.

Kỷ lục về số người được triệu tập

Dự kiến phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm sẽ kéo dài trong nhiều ngày.

Thẩm phán Vũ Quang Huy được phân công làm chủ tọa phiên tòa. 6 kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP.Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên xử.

Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS, với tư cách là bị hại; đồng thời triệu tập 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Đây là con số kỷ lục về số người được triệu tập trong một phiên xử.

Gần đây nhất, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, TAND TP.Hà Nội cũng triệu tập hơn 6.000 bị hại, nhưng cũng là rất nhỏ nếu so với vụ án này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.