Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị đề nghị 36 - 42 tháng tù

30/08/2024 16:05 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex, bị viện kiểm sát đề nghị mức án 36 – 42 tháng tù, với cáo buộc sai phạm trong đấu giá đất.

Ngày 30.8, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ án sai phạm về đấu giá đất liên quan đến bà Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Tập đoàn Vimedimex).

Hậu quả đã được khắc phục toàn bộ

Hồi tháng 4, phiên tòa từng được đưa ra xét xử, đại diện viện kiểm sát đề nghị cho cả 11 bị cáo hưởng án treo. Tuy nhiên, do bà Loan liên tục kêu oan, cùng với một số tình tiết khác, hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị đề nghị 36 - 42 tháng tù- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 30.8

ẢNH: PHÚC BÌNH

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện viện kiểm sát giữ quan điểm, truy tố bà Loan cùng 8 bị cáo khác (phần lớn là các cán bộ, nhân viên Tập đoàn Vimedimex và các công ty tham gia đấu giá) về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Riêng 2 bị cáo Bùi Thanh Huyền (cựu Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT TP.Hà Nội) và Nguyễn Thị Cẩm Lê (cựu cán bộ Sở TN-MT TP.Hà Nội) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy giữ nguyên quan điểm truy tố về mặt tội danh, nhưng mức án mà viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo đã có sự thay đổi so với phiên tòa hồi tháng 4.

Trong đó, bà Loan bị đề nghị mức án 36 - 42 tháng tù, bị cáo Trần Công Tuyên (cựu cán bộ thuộc Ban quản lý dự án H.Đông Anh, Hà Nội) bị đề nghị mức án 18 - 24 tháng tù. Các bị cáo khác được đề nghị hưởng án treo.

Theo kiểm sát viên, quá trình giải quyết vụ án, hầu hết các bị cáo đã thành khẩn khai báo. Riêng bị cáo Loan và Tuyên không thừa nhận hành vi phạm tội, do đó không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

Đến nay, thửa đất đấu giá trong vụ án đã hoàn trả cho Nhà nước, vì thế hậu quả đã khắc phục toàn bộ. Đây là tình tiết để xem xét cho toàn bộ các bị cáo.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc sử dụng 3 pháp nhân (gồm Công ty Bắc Từ Liêm, Công ty Thanh Trì và Công ty Mỹ Đình) để chỉ đạo tham gia đấu giá hơn 16.000 m2 đất thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía đông nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, H.Đông Anh, Hà Nội.

Quá trình đấu giá, 3 pháp nhân này cùng nhau trả giá theo kịch bản đã lên từ trước, giúp Công ty Bắc Từ Liêm trúng đấu giá với mức giá hơn 326 tỉ đồng, tương đương hơn 20,1 triệu đồng/m2. Thực tế, giá trị khu đất là hơn 28,5 triệu đồng/m2, tương đương hơn 462 tỉ đồng. Chênh lệch giá khiến ngân sách thiệt hại hơn 135 tỉ đồng.

Triệu tập điều tra viên

Trong quyết định trả hồ sơ hồi tháng 4, TAND TP.Hà Nội yêu cầu điều tra bổ sung nhiều nội dung. Một trong số này là giám định chữ ký của bị cáo Nguyễn Thị Loan và tài liệu liên quan đến điều tra viên tên Bùi Đức Hiếu trong các bút lục mà bị cáo cho là không đúng.

Tại tòa ngày 30.8, để phục vụ việc xét xử, hội đồng xét xử triệu tập điều tra viên tên Cương và một kiểm sát viên được phân công tham gia trong quá trình điều tra vụ án.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan tiếp tục đề nghị giám định các bút lục ghi lời khai như nhiều lần đã đề nghị, vì cho rằng có dấu hiệu cắt ghép.

Trả lời trước tòa, điều tra viên tên Cương cho hay, sau khi được phân công tham gia giải quyết vụ án có trực tiếp lấy lời khai của bị cáo Loan, gồm 3 biên bản lời khai và 1 biên bản hỏi cung, có luật sư của bị cáo tham gia.

Luật sư của bị cáo Loan thì cho rằng thân chủ không thuộc trường hợp phải áp dụng bắt khẩn cấp vào ban đêm, chưa kể thời điểm đó sức khỏe không đảm bảo, thế nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp tố tụng này.

Phản hồi ý kiến trên, điều tra viên tên Cương nói, tuy không tham gia trực tiếp nhưng qua nắm bắt hồ sơ, ông được biết khi tiến hành khám xét phòng làm việc, cơ quan tố tụng phát hiện máy tính bị tháo. Xác định có dấu hiệu tiêu hủy chứng cứ, nếu không giữ người khẩn cấp thì có thể không phục vụ tốt quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã quyết định bắt khẩn cấp.

Ngược lại, bị cáo Loan và luật sư khẳng định trong hồ sơ vụ án không có nội dung nào thể hiện chi tiết phòng làm việc của bị cáo có máy tính hoặc chứng cứ bị tiêu hủy.

Đáng chú ý, luật sư đề cập tới việc bị cáo Loan có chữ ký chứng kiến về việc bắt khẩn cấp một bị cáo khác, trong khi đó bị cáo Loan khẳng định không được mời chứng kiến việc này. Hồ sơ vụ án còn thể hiện người bị bắt khẩn cấp nêu trên và bị cáo Loan đang bị giam giữ ở 2 trại tạm giam khác nhau, cách nhau 20 km; thời điểm này bị cáo Loan lại đang làm việc với điều tra viên khác, nên không thể cùng lúc làm 2 việc như vậy.

Trả lời vấn đề trên, điều tra viên tên Cương cho rằng có thể do sai sót trong quá trình ghi biên bản nên hồ sơ thể hiện 2 người bị giam giữ ở 2 nơi khác nhau. Thực tế, 2 bị cáo đều bị giam giữ ở cùng một nơi. Sai sót này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án.

Ngoài ra, thời điểm đó là dịch Covid-19, toàn bộ bị can được trích xuất ra 1 phòng làm việc chung. Vì thế, khi bị cáo Loan đang làm việc với điều tra viên thì được mời chứng kiến việc bắt khẩn cấp với bị cáo khác trong cùng vụ án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.