Cứu cụ ông bị đột quỵ khi đang ăn cơm

Lê Cầm
Lê Cầm
26/12/2024 09:56 GMT+7

Trong lúc đang ăn cơm với gia đình, cụ ông P.V.B (84 tuổi, ngụ Củ Chi, TP.HCM) đột nhiên xuất hiện triệu chứng nói đớ, 1/2 người bên phải bị yếu, ngay lập tức người nhà đã đưa cụ vào bệnh viện cấp cứu.

Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đã từng đột quỵ nhẹ 1 lần cách đây vài năm. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tự ngưng thuốc điều trị, không đi tái khám và tự mua thuốc huyết áp về uống tại nhà.

Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), các bác sĩ ghi nhận ông B. đã rơi vào tình trạng nói khó nặng, méo miệng, yếu 1/2 người phải, không thể nâng tay phải, chân phải khỏi mặt giường. Nhận định đây là các dấu hiệu của một cơn đột quỵ não, ngay lập tức quy trình cấp cứu đột quỵ được khởi động.

Các bác sĩ khoa cấp cứu, đơn vị Đột quỵ khoa Nội thần kinh đã tiến hành hội chẩn và đưa ra chỉ định thực hiện chụp MRI sọ não để xác định vị trí nhồi máu não và nhận định còn trong thời gian vàng cấp cứu đột quỵ.

Ngày 26.12, bác sĩ chuyên khoa 2 Diệp Trọng Khải, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM, cho biết dựa vào tình trạng bệnh, bệnh nhân được tư vấn sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) có tác dụng làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu - nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Đây là phương án cứu chữa phù hợp, hiệu quả, an toàn và nhanh chóng, tiết kiệm nhất cho người bệnh. Bởi vì đối với đột quỵ, cứ mỗi một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi do thiếu oxy, dẫn đến các hậu quả nặng nề như liệt, mất khả năng ngôn ngữ, thậm chí tử vong.

Sau 5 phút tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, nói chuyện rõ lời hơn và có thể tự nâng tay lên khỏi mặt giường. Qua phim chụp cắt lớp vi tính mạch máu não ghi nhận không tắc mạch máu lớn. Tiếp theo đó, người bệnh được chuyển sang khoa Nội thần kinh để theo dõi và điều trị phục hồi chức năng tại khoa.

Cứu cụ ông bị đột quỵ khi đang ăn cơm- Ảnh 1.

Bệnh nhân hồi phục ổn định sức khỏe sau can thiệp và điều trị đột quỵ

ẢNH: BSCC

Sau 3 ngày điều trị, ông B. đã có sự phục hồi rõ rệt về sức khỏe cũng như khả năng vận động, ngôn ngữ. Ông đã bắt đầu đi lại được, nói chuyện lưu loát hơn, tay và chân phải có thể thực hiện được các động tác đơn giản. Dự kiến ông sẽ được xuất viện trong vài ngày tới và duy trì uống thuốc dự phòng cũng như tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để phòng ngừa đột quỵ tái phát.

Kiểm soát bệnh lý nền là yếu tố quan trọng để phòng đột quỵ

Theo bác sĩ Trọng Khải, đối với những người lớn tuổi việc kiểm soát các bệnh lý nền là yếu tố rất quan trọng cần tuân thủ nghiêm ngặt đúng liều lượng, chỉ định của bác sĩ điều trị. Khi phát hiện người nhà hoặc người xung quanh đột ngột méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân hoặc mất ngôn ngữ... thì đừng chần chừ, hãy nhanh chóng liên hệ cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến với cơ sở y tế có điều trị đột quỵ gần nhất để tránh các biến chứng dẫn đến tàn phế, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Bác sĩ Khải cho biết, hiện nay tại Bệnh viện Xuyên Á cũng như một số bệnh viện khác, thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ đã được áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế, quyền lợi này giúp giảm đáng kể chi phí cấp cứu, điều trị đột quỵ, giảm gánh nặng cho bệnh nhân.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.