Khi ông Jean Noel Poirier đến Hà Nội để nhận nhiệm vụ Đại sứ CH Pháp tại VN, thành phố đã thay đổi quá nhiều so với hồi 1989, khi ông tới lần đầu. “Tôi tới Hà Nội hồi 1989 trong một cuộc họp ngoại giao, phía VN có ông Nguyễn Cơ Thạch. Lúc đó tôi rất xúc động, nhưng đồng thời cũng thấy buồn vì cứ tối đến lại tối om không có đèn. Nhưng khi tôi quay lại, thành phố đã trở nên vô cùng năng động. Thanh niên tươi tắn, lúc nào cũng cười rất vui. Họ cũng suy nghĩ rất tích cực nữa. Khi bắt đầu nhiệm kỳ 2012 đó, tôi có cảm giác thành phố này rất gần, thân thiện, như đã sống ở đây trong quá khứ. Tôi nhìn những chi tiết kiến trúc của Hà Nội và thấy văn hóa Pháp len lỏi ở đó. Trên tường có những chi tiết rất Pháp”, ông Poirier nhớ lại. Đó là những chia sẻ của ông trong buổi nói chuyện “Hà Nội tình yêu của tôi”, tổ chức tại không gian văn hóa Hanoia, 38 Hàng Đào, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội chiều 13.7.
Đã học tiếng Việt từ khi mới 20 tuổi, ông Poirier càng không xa lạ gì với văn hóa Việt sau những năm làm việc tại TP.HCM và sau đó là một nhiệm kỳ ngoại giao tại Hà Nội. Cái nhìn của ông, như ông tự nhận, không thể giống với những khách du lịch đến rồi đi. “Tôi cứ suy nghĩ và bị thu hút vì những ấn tượng riêng biệt của Hà Nội. Nó mãi mãi khác với những vùng đất khác, để nhắm mắt lại nhớ Hà Nội ngay”, ông nói.
Yêu thành phố của thích nghi và lịch sử
Một trong những nét đặc trưng của Hà Nội, theo ông Poirier, là việc thành phố này vẫn giữ được những lớp kiến trúc lịch sử tiếp nối. Nói cách khác, Hà Nội vẫn còn bảo tồn được lịch sử quá khứ của nó. “Chúng ta vẫn thấy những kiến trúc xưa tồn tại. Đó là kiến trúc Pháp, cả kiến trúc của làng, có cả những kiến trúc đặc trưng xây sau này như các khu tập thể khi hợp tác với Liên Xô, Trung Quốc. Nếu đi Bắc Kinh thì không còn di sản quá khứ, chỉ có những tòa nhà lớn. Lịch sử đã biến mất rồi. Bangkok cũng thế…”, ông Poirier nói.
Đặc biệt, Poirier rất hứng thú khi nói về các khu tập thể. Cho dù đó là những công trình mang dấu ấn Xô Viết nhưng lối sống của người dân Hà Nội đã khiến chúng thay đổi để đáp ứng đời sống. “Trước đây, nó không có cửa hàng cửa hiệu gì xung quanh cả, mặc dù các khu có thể rất lớn như Giảng Võ, Thành Công. Nhưng bây giờ thì khác rồi, người dân lao ra trái, lao ra phải, lao ra không trung. Chỗ nào lao ra được là họ lao ra. Khu tập thể chính là nơi có nhiều quán ăn nhất. Chắc các KTS Nga khi quay lại cũng khó có thể nhận ra được tác phẩm của mình. Tôi hiểu nó sẽ biến mất trong tiến trình phát triển nhưng nếu giữ 1 vài khu tập thể như thế để làm bảo tàng thì hay quá”, ông Poirier nói.
tin liên quan
Công chiếu phim tình cảm Pháp quay tại VNBộ phim Ciel Rouge (tựa tiếng Việt: Bầu trời đỏ) của đạo diễn người Pháp Oliver Lorelle sẽ công chiếu trên toàn nước Pháp từ ngày 19.7, sau đó là tại VN vào tháng 10.
Bộ phim quà tặng
Chính vì thế, trong bộ phim tài liệu Hà Nội của tôi (Mon Hanoi) do chính Poirier lên ý tưởng và thực hiện, những hình ảnh khu tập thể cũng xuất hiện. Ông đi dọc suốt hành lang và nói những gì mình nghĩ về kiến trúc cũng như cuộc sống người dân trong đó. “Tôi không hiểu quá sâu về đời sống ở đó, nhưng nó cũng không được tiện lắm”, ông nói. Lý do ông đưa câu chuyện khu tập thể vào phim vì nó mang đậm linh hồn, lối sống Hà Nội.
“Phim giới thiệu người Hà Nội, một Hà Nội qua góc nhìn của tôi. Tôi gửi vào đó những gì mình nắm được về linh hồn Hà Nội, những bí mật của Hà Nội mà người Hà Nội không mấy khi để ý đến. Các đại sứ khi hết nhiệm kỳ thường viết hồi ký về kinh nghiệm của họ nhưng tôi lại quyết định quay một bộ phim. Rất vui vì VTV đồng ý chiếu phim vào 10.10, nên đây là một quà tặng của tôi cho người VN”, Poirier cho biết.
Cũng theo ông Poirier, Hà Nội có một đặc trưng nữa là lối sống của người dân. “Họ sống trên vỉa hè, ăn cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm ăn trên vỉa hè. Khách du lịch nhìn thấy đời sống trên vỉa hè sẽ thấy thói quen sinh hoạt của người Hà Nội”, ông vui vẻ nhận xét.
Cũng có cả những đoạn phim về phở Hà Nội trong tác phẩm. Món quốc hồn quốc túy đó được đặt trong tương quan với ẩm thực Pháp. “Phở là một phần rất quan trọng trong đời sống của người Hà Nội. Trong phim có một đoạn ẩm thực, so sánh thói quen người Pháp với VN về ẩm thực, cách suy nghĩ về ăn uống của hai nước”, ông nói.
Về điều này, nhiếp ảnh gia Hữu Bảo cho rằng, bộ phim là một tác phẩm rất đáng đón đợi vì góc nhìn Hà Nội từ một người đến từ nền văn hóa khác, nhưng lại trải nghiệm văn hóa Hà Nội rất lâu. “Nó sẽ giúp chúng tôi hiểu chúng tôi hơn khi xem, thậm chí hơn là khi chúng ta nói chuyện với nhau”, ông Hữu Bảo nói.
Bình luận (0)