Cựu đại tá Phùng Anh Lê phủ nhận cáo trạng, đề nghị được trả tự do

Trần Cường
Trần Cường
12/08/2022 16:32 GMT+7

Tại tòa, cựu đại tá Phùng Anh Lê , cựu Trưởng Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội) phản bác cáo trạng cũng như lời khai của các bị cáo trong vụ án và cho rằng cần đình chỉ xét xử, trả tự do cho bản thân.

Chiều 12.8, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm, xét xử cựu đại tá Phùng Anh Lê, cựu Trưởng Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội) về tội “nhận hối lộ” và 3 thuộc cấp về tội “tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam”, gồm: Nguyễn Đức Châu, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội); Vũ Công Ngọc, cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Tây Hồ và Lê Đình Trung, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP) Công an Q.Tây Hồ.

Xét xử Cựu Trưởng Công an Q.Tây Hồ Phùng Anh Lê về tội nhận hối lộ

Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên tòa

trần cường

Không có chuyện tạm giữ và thả nghi phạm?

Trả lời tại tòa, bị cáo Phùng Anh Lê cho hay, thời điểm tháng 9.2016, bị cáo giữ chức Trưởng Công an Q.Tây Hồ, thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Q.Tây Hồ phụ trách chung công tác và chịu trách nhiệm điều tra của công an quận.

Tuy nhiên, Viện KSND tối cao cáo buộc trên cương vị của mình bị cáo Lê biết rõ Nguyễn Hữu Tài (29 tuổi, trú P.Phúc Xá, Q.Ba Đình, Hà Nội; phạm tội cướp tài sản) đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra nhưng khi được ông Phùng Văn Bảy (chú họ) đặt vấn đề, bị cáo Lê đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn” nhận 110 triệu đồng rồi chỉ đạo cấp dưới thả người.

Khai tại tòa, bị cáo Lê cho rằng việc tạm giữ Tài vào ngày 22.9.2016, bị cáo này không được báo cáo và chỉ nhớ ngày hôm đó ký 1 quyết định tạm giữ một đối tượng bắt truy nã về, chứ không phải Tài. Chính vì vậy, bị cáo này phủ nhận việc đã chỉ đạo cấp dưới thả Tài.

Trước phản bác của bị cáo, chủ tọa cho hay lời khai của cả 3 bị cáo cấp dưới và những người có liên quan đều thể hiện tối 22.9.2016 Công an Q.Tây Hồ có tạm giữ Tài, sau đó bị cáo Lê đã yêu cầu cấp dưới mang hồ sơ lên phòng xem, bị cáo còn gọi Đội phó Đội điều tra tổng hợp xuống cùng xem hồ sơ, sau đó chỉ đạo xuống nhà tạm giữ lấy Tài ra và thả về.

“Bị cáo lý giải thế nào?”, chủ tọa hỏi. Đáp lại, bị cáo Lê khẳng định: “Không có chuyện đó”.

Khai bị cấp dưới đổ tội

Trình bày thêm, bị cáo Lê cho rằng trong số các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì 2 người có mâu thuẫn với bị cáo trước đây, đó là bị cáo Trung và ông Hải, Phó trưởng Công an Q.Tây Hồ. Còn lại những người khác khai cho bị cáo Lê thì phải thực tế, khách quan.

“Đổ tội cho cấp trên thì trách nhiệm của họ sẽ thấp đi… nếu không có tôi thì trách nhiệm đó sẽ lần lượt thuộc về các bị cáo khác trong ngày hôm nay, nhưng khi đưa tôi lên làm chủ mưu thì người khác sẽ thấp hơn”, bị cáo Lê trình bày.

Bị cáo Vũ Công Ngọc, cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Tây Hồ

trần cường

Bị cáo Lê cho rằng trong vụ án này “chắc chắn có sự chỉ đạo, thống nhất” sau ngày 1.1.2021 khi có cuộc họp của Trưởng Công an Q.Tây Hồ hiện tại triệu tập, khi Công an TP.Hà Nội vào cuộc điều tra. Theo bị cáo Lê, trưởng quận hiện tại đã chỉ đạo Ngọc hoặc Hùng mang hồ sơ vụ việc của Tài lên xem. Bị cáo Lê cho rằng trưởng quận đã nói “nếu hồ sơ này ông Lê không sao thì chỉ có chúng mày chết”, sau đó chỉ đạo Ngọc và những người khác viết rằng bị cáo Lê chỉ đạo miệng để thu và hủy hồ sơ.

Ngoài ra, bị cáo Lê còn cho rằng bị một lãnh đạo cay cú, trù dập.

Khi chủ tọa hỏi “có việc giấu hồ sơ ở Công an Q.Tây Hồ?”, bị cáo Lê trả lời “vâng, tôi đặt câu hỏi với cơ quan điều tra tại sao phải hủy hồ sơ này đi”.

Bị cáo Phùng Anh Lê đề nghị thả tự do cho mình

Tại tòa, bị cáo Lê nhiều lần phản bác cáo trạng, cũng như lời khai của các bị cáo người liên quan trong vụ án và cho rằng người khai mình trực tiếp chỉ đạo là bị cáo Ngọc, còn những người khác nghe theo bị cáo Ngọc nói lại hết.

Chủ tọa cho bị cáo Ngọc, Trung lên đối chất, cả 2 bị cáo đều khẳng định hành vi của bị cáo Lê như cáo trạng và lời khai trong phiên xét xử sáng 12.8. Bị cáo Ngọc nói rằng sau khi nhận chỉ đạo của Lê xuống phòng tạm giữ nhận lại Tài, bị cáo có gặp Trung và gọi điện, sau đó bị cáo Lê chỉ đạo Trung giao Tài cho Đội Cảnh sát hình sự. “Chắc chắn là như thế”, bị cáo Ngọc khẳng định.

“Như tôi trình bày, vụ này cả 2 (Trung và Ngọc) đều là bị cáo, nếu không đổ cho tôi thì cả 2 sẽ nặng hơn”, bị cáo Lê tiếp tục gỡ tội.

Hội đồng xét xử vụ án

trần cường

Bị cáo Lê cũng phủ nhận cáo buộc đã nhận 110 triệu đồng từ ông Bảy và phủ nhận việc đã cùng vợ đến gặp ông Bảy mục đích để trao đổi về nội dung liên quan đến Tài, sau đó chủ động đưa vào cuộc nói chuyện các thông tin nhằm làm mờ hành vi phạm tội của mình rồi ghi âm lại và yêu cầu ông Bảy viết thư xin lỗi gửi để Lê nộp cho cơ quan điều tra nhằm chứng minh Lê không phạm tội. Tuy nhiên, ông Bảy khẳng định đã đưa tiền cho Lê và được vợ của Lê nhờ thêm một số nội dung vào bức thư xin lỗi.

Ngoài phủ nhận cáo trạng và lời khai của các bị cáo khác và người liên quan, bị cáo Lê còn cáo buộc Viện kiểm sát vi phạm tố tụng và đề nghị tòa đình chỉ xét xử, đình chỉ vụ án “tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam” và thả tự do cho bị cáo Ngọc ngay tại tòa.

Đồng thời, bị cáo Lê cũng đề nghị đình chỉ xét xử tội nhận hối lộ, trả tự do cho bản thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.