Cứu đôi chân bệnh nhân khỏi nguy cơ cắt cụt do tai nạn giao thông

Lê Cầm
Lê Cầm
15/08/2024 08:19 GMT+7

Anh C.B.T (40 tuổi, quê Thanh Hóa) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng choáng và dập tắc động mạch khoeo chân trái sau vụ tai nạn giao thông.

Ngày 15.8, bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Huỳnh Anh Hùng (Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM) cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng choáng, vùng chân bên trái bị dập nát và vết thương hở ở vùng cẳng chân. Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng sơ cứu, qua thăm khám phát hiện bệnh nhân bị gãy 1/3 xương trụ, gãy 1/3 trên xương đùi trái, gãy xương cẳng chân bên trái, mạch máu không có tín hiệu.

"Cuộc hội chẩn khẩn trương diễn ra và ê kíp quyết định phẫu thuật cấp cứu khẩn để kịp thời giữ đôi chân cho người bệnh. Trong quá trình mổ ghi nhận mô cơ dập nát rất nhiều, mạch máu vùng cẳng chân bị đứt hoàn toàn ở động mạch và tĩnh mạch. Ê kíp đã tiến hành cắt lọc cơ kết hợp xương đùi, xương cẳng chân bằng khung ngoại vi và nối mạch cẳng chân", bác sĩ Hùng chia sẻ.

Bệnh nhân bị đa chấn thương, mất máu nhiều dẫn đến rối loạn đông máu, rối loạn chức năng nhiều cơ quan. Ê kíp phẫu thuật phải truyền máu cho người bệnh, điều chỉnh chống đông, theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực.

Theo bác sĩ Hùng, đây là một ca phẫu thuật khá căng thẳng vì vùng chân bệnh nhân bị dập nát nhiều, mạch máu bị đứt ở vị trí khó xử lý, nguy cơ cắt cụt chi rất cao. Nhưng trên tinh thần khẩn trương, kiên trì, ê kíp đã nỗ lực giữ lại đôi chân cho người bệnh sau 6 giờ phẫu thuật.

Sau 2 ngày hồi sức tích cực và điều trị thì mạch chân ấm, ổn định, chân có cảm giác, người bệnh có thể cử động chân. Bệnh nhân sau đó được chuyển qua Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực để theo dõi tình trạng mạch máu. Sau 3 ngày, bệnh nhân chuyển Khoa Chỉnh hình vi phẫu để tiếp tục chăm sóc điều trị.

Cứu đôi chân bệnh nhân khỏi nguy cơ cắt cụt do tai nạn giao thông- Ảnh 1.

Mạch của bệnh nhân đã trở lại bình thường sau 10 ngày phẫu thuật

BSCC

Bác sĩ chuyên khoa 1 Triệu Anh Đức (Khoa Chỉnh hình vi phẫu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM) cho biết, trong thời gian tới, kế hoạch điều trị tiếp theo cho bệnh nhân là cắt lọc, khâu che xương, mổ kết hợp vùng xương đùi và xương trụ; khớp mu sẽ nắn và cố định bằng khung cố định ngoài hoặc cố định bằng nẹp vít. Khi vết thương hở ở cẳng chân lành hoàn toàn sẽ tiến hành kết hợp lại xương cẳng chân bằng nẹp vít và ghép xương, tái tạo lại dây chằng vùng gối.

"Động mạch khoeo là động mạch cấp máu cho cẳng bàn chân, khi bị chấn thương động mạch khoeo dẫn đến thiếu máu cẳng bàn chân cấp tính và nếu không được chẩn đoán, xử lý kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử chi, phải cắt cụt chi. Phẫu thuật nối động mạch khoeo là một kỹ thuật khó, đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn cao của các phẫu thuật viên. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và nhanh chóng giữa các chuyên khoa đã giúp giữ lại được đôi chân cho bệnh nhân", bác sĩ Đức chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.