Ngày 15.1, tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, HĐXX tập trung làm rõ trách nhiệm của các bị cáo trong việc thực hiện hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho máy chạy thận giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn, nguyên nhân dẫn tới tai nạn khiến 9 người tử vong hồi tháng 5.2017.
Khai tại tòa, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương nói việc ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 hoàn toàn đúng quy trình; còn việc sử dụng, quản lý máy móc, thiết bị trong BV cũng như phân công nhân sự phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc khoa hồi sức tích cực là thẩm quyền của các trưởng khoa, phòng chuyên môn nên bản thân không biết.
tin liên quan
Hoàng Công Lương: Bị cáo không thể là nguyên nhân gây chết ngườiKhai tại tòa chiều cùng ngày, bị cáo Lương không đồng ý với cáo buộc của Viện kiểm sát về tội danh “vô ý làm chết người”. “Nguyên nhân gây chết người là do tồn dư hóa chất trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO. Bị cáo không thể là nguyên nhân gây chết người”, bị cáo Lương nói và cho biết ngay từ khi nhận được cáo trạng đã có khiếu nại đối với các nội dung bị truy tố.
Về sự cố ngày 29.5.2017, bị cáo Lương khai do điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo hệ thống nước RO số 2 đã được phòng vật tư - thiết bị y tế sửa xong và có thể vận hành được nên tin và ra y lệnh chạy thận. Theo bị cáo, từ trước tới nay phòng vật tư bàn giao cho Đơn nguyên thận nhân tạo thì đơn nguyên sẽ tiếp tục sử dụng và đương nhiên là nguồn nước phải an toàn.
Tuy nhiên, trước đó, bị cáo Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư - thiết bị y tế BVĐK Hòa Bình, lại cho rằng phòng vật tư chỉ có trách nhiệm sửa chữa thiết bị, còn việc có đưa thiết bị vào hoạt động hay không thuộc thẩm quyền của khoa hồi sức tích cực. Do đó, phòng vật tư cũng không có trách nhiệm phải cảnh báo khoa hồi sức tích cực phải chờ xét nghiệm mẫu nước mới được vận hành hệ thống lọc nước RO số 2.
Bình luận (0)