Ngăn chặn những cái chết thương tâm do trẻ em đuối nước:

Cứu hộ đuối nước: Chuyên gia chỉ ra sai lầm có thể khiến nạn nhân tử vong

Phan Diệp
Phan Diệp
15/06/2024 16:23 GMT+7

Theo các chuyên gia, quá trình cứu hộ đuối nước nếu thực hiện không đúng kỹ thuật vô tình có thể làm mất thời gian vàng để sơ cứu cho nạn nhân. Nguy hiểm hơn, trong nhiều tình huống có thể ảnh hưởng đến tính mạng người cứu hộ đuối nước.

Phóng viên Thanh Niên đặt nhiều câu hỏi cho Voreto – đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn an toàn cho cá nhân, tổ chức để tăng cường nhận thức phòng ngừa tai nạn, huấn luyện kỹ năng sơ cứu trên cạn từ cơ bản đến nâng cao, kỹ năng cứu hộ đuối nước, đảm bảo an toàn cho những sự kiện thể thao văn hóa…

Voreto, thành lập năm 2016, trụ sở tại TP.HCM và văn phòng tại TP.Vũng Tàu, mong muốn truyền tải đến mọi người thông điệp "an toàn" và "1 hành động kịp thời - 1 sinh mạng".

Những sai lầm

Đại diện Voreto chia sẻ, sai lầm đầu tiên của người cứu hộ đuối nước là chủ quan đánh giá quá cao khả năng của mình, cho rằng mình biết bơi là đủ. Việc kéo một nạn nhân ra khỏi môi trường nước đôi khi rất khó khăn, đòi hỏi người thực hiện không những bơi tốt mà còn bơi đúng kỹ thuật cứu hộ, thể lực thực sự tốt và bền bỉ.

Hơn nữa, nạn nhân có thể hoảng loạn và kéo hoặc dìm người cứu mình cùng chìm. Người cứu phải có khả năng thoát khỏi những trường hợp nạn nhân hoảng loạn, đủ sức đưa nạn nhân lên bờ, điều này không dễ dàng.

Sai lầm thứ hai là quan niệm phải vác nạn nhân trên vai và lưng, dốc ngược xốc nước. Kỹ thuật này không có ích, chỉ làm mất "thời gian vàng" sơ cứu cho nạn nhân. Trong trường hợp nạn nhân đuối nước ngưng tim ngưng thở, chỉ có kỹ thuật hồi sức tim phổi là hiệu quả và cần thực hiện sớm nhất.

Cứu hộ đuối nước: Chuyên gia chỉ ra sai lầm có thể khiến nạn nhân tử vong- Ảnh 1.

Tư thế nghiêng an toàn với nạn nhân bị đuối nước.

Voreto

Khi bản thân bị đuối nước thì nên làm gì?

Đại diện Voreto cho biết, có nhiều tình huống đuối nước khác nhau. Mỗi tình huống đòi hỏi một phương pháp xử lý khác nhau. Không phải lúc nào cũng áp dụng kỹ thuật hồi sức tim phổi.

Có 3 tình trạng đuối nước từ nhẹ đến nặng: nạn nhân còn tỉnh nhưng khó thở, nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn thở và nạn nhân ngưng tim, ngưng thở.

Giai đoạn đầu tiên được gọi là "aqua stress" - nạn nhân còn tỉnh nhưng trong tình trạng hoảng sợ, thường là do đã uống phải nước, sợ hãi trước một sinh vật biển hoặc do đánh giá quá cao khả năng của mình.

Để tránh hoảng sợ, điều đầu tiên khi bị đuối nước (dù biết bơi hay không) là phải giữ bình tĩnh, tìm cách thả nổi cơ thể, tránh cố gắng vùng vẫy, cố bơi khiến bản thân bị đuối sức.

Vì thế, mỗi người nên học cách thả nổi ở tư thế ngửa trước khi học các kỹ thuật bơi ếch, bơi sải… vì đó là một tư thế an toàn quan trọng. Khi không thể tiếp tục bơi, không nên cố quá sức của mình mà tốt nhất nên thực hiện tư thế "ngôi sao" - nằm thả nổi ngửa và giữ đầu trên mặt nước để thở - tư thế này cho phép người đó nghỉ ngơi và lấy lại sức. Sau đó, hãy kêu cứu và cố gắng làm dấu hiệu thu hút sự chú ý của những người trên bờ.

Nếu không biết bơi, đừng chủ quan mà hãy dùng áo phao. Ở trên áo phao thường có còi để khi gặp nạn có thể thổi còi gọi sự trợ giúp. Tình huống này chỉ áp dụng cho trạng thái "aqua stress".

Nếu ở các tình huống nguy hiểm và nghiêm trọng hơn thì nước có thể xâm nhập vào đường hô hấp gây nghẽn khiến nạn nhân không thể kêu cứu. Đuối nước nhiều khi diễn ra trong "im lặng", đó cũng là lý do tại sao nhiệm vụ quan sát lại vô cùng quan trọng đối với các cứu hộ viên, dù là trong một hồ bơi hay ngoài môi trường tự nhiên, nhiều nạn nhân bị đuối nước mà không được phát hiện kịp thời.

Làm gì để cứu người khác?

Để số đông mọi người không học chuyên sâu về cứu hộ có thể dễ nhớ, đại diện Voreto cho biết: "Trong trường hợp đuối nước nghiêm trọng (nạn nhân ngừng tim) điều nên làm là bắt đầu với 5 lần thổi ngạt. Sau đó là các chu kỳ nhiều lần gồm 30 lần xoa bóp tim ngoài lồng ngực và 2 lần hà hơi thổi ngạt. Kỹ năng hồi sức tim phổi nhằm giúp máu có ô xy lưu thông, duy trì sự sống cho nạn nhân đó cho đến khi lực lượng y tế đến hiện trường".

Về nguyên tắc, không thực sự có sự khác biệt giữa cứu hộ đuối nước cho người lớn và trẻ em, ngoại trừ trong trường hợp ngừng tim cần các biện pháp xử lý khác nhau.

Việc cứu đuối trong hồ bơi luôn dễ dàng hơn. Vì khu vực bơi lội được giới hạn, nước trong nên dễ phát hiện và tìm kiếm.

Tuy nhiên, ở môi trường tự nhiên như sông và biển vô cùng rộng lớn, người cứu hộ còn phải đối mặt với thủy triều, dòng chảy nguy hiểm và cả những sinh vật sống. Khi tai nạn xảy ra, khả năng phát hiện và tìm kiếm vô cùng khó khăn, nên kế hoạch an toàn và hoạt động phòng ngừa lại càng phải chặt chẽ, hiệu quả.

Cứu hộ đuối nước: Chuyên gia chỉ ra sai lầm có thể khiến nạn nhân tử vong- Ảnh 2.

Người cứu hộ sử dụng phao cứu đuối nước ngoài môi trường tự nhiên.

Voreto

Quy trình cứu đuối nguyên tắc là giống nhau, đó là: cần đưa nạn nhân ra khỏi môi trường nước và thực hiện các hành động sơ cứu phù hợp với tình trạng của nạn nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng bơi và kỹ năng cứu hộ ở môi trường tự nhiên khó tập luyện hơn nhiều lần, có những người bơi rất bền và rất xa nhiều km nhưng không đạt được kỹ năng cứu đuối, có người cứu đuối được trong hồ bơi nhưng ra sông biển thì lại không thể.

Vị trí xảy ra đuối nước có thể rất xa và hoang vắng khó tiếp cận, khó đưa vào bờ, khó tìm được sự trợ giúp… Hơn thế nữa, nạn nhân còn gặp nguy hiểm bởi các vật thể và sinh vật có trong môi trường tự nhiên đó tác động thêm khiến tình trạng họ tăng nặng, hoảng loạn, gây chấn thương…

Cứu hộ đuối nước: Chuyên gia chỉ ra sai lầm có thể khiến nạn nhân tử vong- Ảnh 3.

Kiểm tra hô hấp.

Voreto

Kỹ năng cứu đuối là chưa đủ, cần phải hiểu rõ và thành thạo các kỹ năng sơ cứu. Không chỉ có kỹ năng hồi sức tim phổi là phương án duy nhất trong cứu hộ thủy nạn mà phải tùy vào tình huống và tình trạng của nạn nhân.

Ngoài ra, vì nhiều lý do đội y tế không thể có mặt ngay lập tức, vì thế cần kéo dài thời gian sơ cứu. Đồng thời, phải phối hợp với những sơ cứu viên, lực lượng cứu hộ khác.

"Cứu hộ là một công tác phức tạp cần học chuyên sâu, luyện tập kỹ càng, phối hợp nhịp nhàng. Bởi, thật đáng tiếc nếu đưa được người đuối nước ra khỏi nước nhưng không thể cứu sống họ", đại diện Voreto nhấn mạnh.

Trưởng nhóm Voreto là anh Dovergne Yann (quốc tịch Pháp), có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn từ môi trường quân đội, cảnh sát, lực lượng cứu hỏa cứu hộ, huấn luyện viên cứu hộ trên cạn, dưới nước, huấn luyện viên của các huấn luyện viên…

Anh Dovergne Yann từng là đội trưởng lính cứu hỏa từ năm 2004 đến 2012 tại Sở Cứu hỏa và cứu hộ Puy-de-Dôme. Anh Dovergne Yann đã tham gia cứu hộ trong nhiều môi trường (tai nạn thành thị, xe đặc dụng, cháy rừng…), dùng nhiều kỹ thuật (cứu hộ đội nhóm, xử lý tai nạn giao thông xe ôtô ...)

Sở thích sông nước đã đưa anh đến lĩnh vực cứu đuối, ban đầu với vị trí huấn luyện viên tại Liên đoàn Cứu hộ - sơ cứu Pháp và Liên đoàn Bơi lội - thể thao quốc gia.

Sau đó anh được đào tạo nâng cao thành huấn luyện viên của những giảng viên, cả ở môi trường hồ bơi lẫn tự nhiên (biển, hồ, sông) và thiết kế chương trình đào tạo.

Những kỹ năng sơ cứu đa dạng và phương pháp sư phạm cho phép anh điều chỉnh chương trình và các kỹ thuật cứu hộ của Pháp phù hợp với tình hình y tế của Việt Nam, cũng như xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu đặc biệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.