Ngăn chặn những cái chết thương tâm do trẻ em đuối nước: Cha mẹ nhớ 6 nguyên tắc và an toàn khi bơi

Phan Diệp
Phan Diệp
13/06/2024 14:52 GMT+7

Các hoạt động nào dưới nước như: bơi, đi tàu thuyền, chơi ở công viên nước, chơi ở bể bơi trong nhà, kênh rạch xung quanh nhà, thậm chí tắm cho trẻ em tại nhà đều cần phải an toàn và phụ huynh là người chịu trách nhiệm chính.

Lời tòa soạn: Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Dự án Phòng chống đuối nước cho trẻ em (Tài trợ bởi quỹ từ thiện Bloomberg và quản lý bi GHAI, đối đối tác chiến lược là Cục Trẻ Em, trực thuộc Bộ LĐ-TB& XH):

- Đuối nước là nguyên nhân gây tai nạn thương tích hàng đầu cho trẻ em Việt Nam.

- Việt Nam có tỉ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao thứ 5 trong các nước Tây Thái Bình Dương.

- Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 trẻ tử vong do đuối nước.

Tuy nhiên, đuối nước là một tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh nếu chúng ta có đủ kiến thức và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Với mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc biết bơi, tạo động lực học bơi, Báo Thanh Niên giới thiệu đến độc giả loạt bài viết: Ngăn chặn những cái chết thương tâm do trẻ em đuối nước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Riêng tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm Việt Nam vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Phụ huynh cần phải giám sát, luôn để trẻ trong tầm mắt khi trẻ đang ở gần môi trường nước. Nhiều trường hợp đuối nước xảy ra do cha mẹ không để ý, hoặc để trẻ tự do chơi gần sông hồ, ao tắm mà không có người lớn theo dõi.

Ngăn chặn những cái chết thương tâm do trẻ em đuối nước: Cha mẹ nhớ 6 nguyên tắc và an toàn khi bơi- Ảnh 1.

Phụ huynh phải luôn để con trong tầm mắt.

Phan Diệp

Cha mẹ quên chú ý con nhỏ

HLV bơi lội Lương Ngọc Duy - người đã phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho hàng ngàn trể em cơ nhỡ trong 7 năm qua chia sẻ đã từng cứu vài trẻ bị chới với khi hụt chân ở hồ bơi trong chung cư. Nguyên nhân là phụ huynh mặc nhiên để con vui chơi dưới nước, mải mê lướt xem điện thoại.

Trong một lần đi thực tập cứu hộ biển ở Vũng Tàu, anh Duy và người bạn của mình phát hiện một bé gái 6 tuổi có dấu hiệu hoảng loạn, đang nhấp nhô cách bờ biển khoảng 10 m. Ngay lập tức, anh Duy và bạn của mình liền chạy ra bế bé lên bờ. Lúc này bé đã uống khá nhiều nước nhưng vẫn hô lớn để tìm ba.

Tuy nhiên, mãi 5 phút sau mọi người mới tìm được ba của bé vì anh đang bận tắm nước ngọt cho một đứa con nhỏ khác. Tưởng như bé gái sẽ được ba an ủi và trấn an thì bất ngờ bé bị ba trách móc vì dám bơi ra xa, trong khi đã dặn chỉ bơi gần bờ.

Trong tình huống này, HLV Lương Ngọc Duy khẳng định: "Một em bé khi rớt xuống nước nếu không cứu kịp sẽ là một thảm họa. Nếu may mắn cứu kịp thì cũng có thể để lại hàng loạt những di chứng như nhiễm trùng phổi, sốt… và đặc biệt là sau này sẽ cực kỳ sợ nước".

Ngăn chặn những cái chết thương tâm do trẻ em đuối nước: Cha mẹ nhớ 6 nguyên tắc và an toàn khi bơi- Ảnh 2.

HLV Lương Ngọc Duy (phải) và người bạn của mình đã cứu bé gái đuối nước ở Vũng Tàu, năm 2019.

NVCC

Theo HLV Lương Ngọc Duy, phụ huynh không thể đổ lỗi cho con mình không nghe lời, bởi khi bơi trong môi trường tự nhiên như sông, biển thì nguy hiểm càng nhiều hơn như bị sóng lớn cuốn trôi, di chuyển đến khu vực có dòng chảy xa bờ…. Tại những vùng biển khai thác du lịch, trẻ cũng không thể nhận biết hoặc hiểu ý nghĩa của những biển báo hay cờ đánh dấu vị trí nguy hiểm, tuyệt đối không đến gần. Trẻ em vô tư, khi đi biển chưa thể nhận biết được những nguy hiểm xung quanh nên rất cần phụ huynh giám sát chặt chẽ.

Để hạn chế tai nạn khi tắm biển, cần trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn nước. Người lớn đã biết bơi cũng không ngoại lệ.

Để tránh rủi ro, HLV Lương Ngọc Duy chỉ ra 6 nguyên tắc sau để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ:

  1. Phụ huynh phải luôn dõi theo và dặn dò trẻ chỉ được xuống nước khi có người lớn.
  2. Khi xuống nước phải có áo phao.
  3. Tập cho trẻ cách sử dụng còi báo hiệu.
  4. Tập ra hiệu khi cảm thấy có nguy hiểm.
  5. Tập kỹ năng an toàn nước như nổi sấp, nổi ngửa, thở nước và kỹ năng sử dụng phao, vật có thể nổi trên mặt nước.
  6. Ngoài kiến thức, kỹ năng an toàn nước thì trẻ phải được học bơi để hạn chế rủi ro khi vui chơi trong môi trường nước.

Biết bơi mới chỉ là điều kiện cần

"Biết bơi là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để xử lý kịp thời khi bản thân và người xung quanh bị đuối nước. Bơi ở hồ bơi khác với bơi ở ao hồ, sông, biển".

An toàn nước trước khi đến hồ bơi

Đầu tiên, khi đến bất kỳ hồ bơi nào để học bơi hoặc tập luyện, mọi người cần nắm rõ địa chỉ hồ bơi ở đâu, có trạm y tế, bệnh viện nào gần nhất. Khi có sự cố trong hồ bơi cần hỗ trợ y tế thì việc cung cấp địa chỉ chính xác, nhanh chóng sẽ tiết kiệm nhiều thời gian trong việc di chuyển, cấp cứu người bị đuối nước.

Khi đến hồ bơi, cần để ý xem ở đó có bao nhiêu hồ, độ sâu của từng hồ, bản thân hoặc người thân của mình đang bơi ở hồ nào.

Tiếp đến là quan sát những ghế cứu hộ và nhân viên đội cứu hộ, đài quan sát trong hồ bơi để kịp thời thông báo khi phát hiện sự cố. "Phụ huynh có thể cho con em của mình bơi ở khu vực gần vị trí ghế cứu hộ để khi có sự cố, việc phát hiện được kịp thời, nhanh chóng hơn", HLV bơi lội Lương Ngọc Duy chia sẻ.

Tiếp đến là quan sát và hỏi tình trạng hoạt động của hệ thống camera giám sát ở hồ bơi.

Đọc kỹ nội quy hồ bơi và vị trí phòng y tế, căn tin, nhà vệ sinh của hồ bơi, vị trí để dụng cụ tập bơi. Khảo sát khóa học bơi bao nhiêu buổi và khảo sát huấn luyện viên: HLV phải có đầy đủ bằng cấp, nếu không khi xảy ra sự cố, việc sơ cứu sai cách có thể khiến học viên tử vong.

Ngăn chặn những cái chết thương tâm do trẻ em đuối nước: Cha mẹ nhớ 6 nguyên tắc và an toàn khi bơi- Ảnh 3.

Đài quan sát toàn hồ bơi.

Phan Diệp

HLV Lương Ngọc Duy chia sẻ, để học bơi hiệu quả nhất thì nên tập cả 4 kiểu bơi theo thứ tự: sải, ngửa, bướm, ếch. Nhưng do nhu cầu thị trường hiện tại là cần biết bơi nhanh một số HLV dạy kiểu bơi ếch trước xong mới đến sải.

Khi học bơi, phải trang bị đủ dụng cụ như: quần áo, kính, nón, khăn khô… Ngoài ra có thể sử dụng thêm những sản phẩm hỗ trợ cho việc đi bơi như: dép đi ở hồ bơi, nút bịt tai, dầu gội, xịt mũi, nhỏ mắt… Bắt buộc mặc đồ bơi đúng chuẩn, vì những loại trang phục khác khi ngâm nước sẽ trở nên nặng hơn. Với người có tóc dài, bắt buộc phải đội nón bơi cho gọn, để tóc không quấn vào mũi, miệng gây ngộp thở.

Đặc biệt, lựa chọn thời gian học bơi thích hợp là điều quan trọng. Cần duy trì việc học ít nhất một tuần 3 buổi, tránh trường hợp không đều đặn, việc học sẽ mất thời gian, kém hiệu quả.

An toàn nước trong khi bơi

Với trẻ em, trước khi xuống hồ, nên cho trẻ ăn nhẹ trước đó khoảng 1 tiếng. Để ý tình trạng sức khỏe trẻ trước khi cho trẻ xuống hồ, xem trẻ có dị ứng, bị bệnh hay không.

Nên khởi động khoảng 15 phút trước khi xuống hồ bơi. Tắm tráng giúp cơ thể quen việc thay đổi thân nhiệt, thích nghi với môi trường nước khi xuống hồ. Tắm tráng – nhiều người hiểu nhầm là để cơ thể sạch sẽ nhưng điều quan trọng hơn đó là giúp cơ thể quen việc thay đổi thân nhiệt, tránh sốc nhiệt khi xuống hồ.

Đặc biệt, khi bản thân hoặc cho trẻ em xuống hồ, cần biết độ sâu của hồ đó. Xuống hồ đúng vị trí cầu thang. Để tránh trượt té, khi xuống hồ, mặt quay vào thành hồ. HLV Duy đã chứng kiến nhiều người xuống hồ bằng cầu thang theo hướng ngược lại (mặt hướng ra hồ bơi) bị trượt té, đập đầu vào thành hồ hoặc bị kẹt ở cầu thang, chìm xuống nước.

Ngăn chặn những cái chết thương tâm do trẻ em đuối nước: Cha mẹ nhớ 6 nguyên tắc và an toàn khi bơi- Ảnh 4.

Xuống hồ bơi bằng cầu thang, mặt quay vào thành hồ.

Lương Ngọc Duy

Nếu không phải và vận động viên cần tập luyện chuyên nghiệp, thời gian ở dưới hồ chỉ nên từ khoảng 45 phút – 60 phút để đảm bảo sức khoẻ.

Một điểm quan trọng nhất dành cho phụ huynh khi đưa con đến hồ bơi để vui chơi, tập luyện đó là luôn để con trong tầm mắt. Tránh việc xao nhãng, tránh việc dùng điện thoại mà không để ý đến con, hay tâm lý đã có các HLV và người cứu hộ túc trực. Bản thân HLV cũng từng cứu nhiều trẻ bơi ở hồ chung cư bị hụt chân, chới với trong khi phụ huynh vẫn còn mải mê cắm đầu vào điện thoại. Vì thế, HLV tha thiết mong các phụ huynh, khi dẫn con đi bơi thì luôn phải để mắt, để tâm đến con.

"Phụ huynh cũng nên thử tưởng tượng nếu con mình bị đuối nước thì sẽ nên làm gì, tiếp cận và cứu con như thế nào. Tránh trường hợp vì quá nôn nóng cứu con mà chạy nhanh dẫn đến trượt té, hoặc bản thân không biết bơi nhưng lại lao thẳng xuống hồ nước dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho bản thân và con em của mình", HLV Ngọc Duy chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.