"Cho con đi học là quyết định đúng đắn"
Từ khi con 8 tháng tuổi, linh cảm của người mẹ khiến chị Phạm Ngọc Trang (31 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) biết con không bình thường như những đứa trẻ khác. Sau nhiều lần thăm khám, bác sĩ kết luận con chị Trang mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Người mẹ khi đó quyết định nghỉ việc, toàn tâm đồng hành cùng con.
"Gần 3 tuổi con mới biết nói, tôi quyết định cho bé đi học mẫu giáo ở một trường tư thục. Ở lớp, ngoài cô giáo mầm non còn có thêm giáo viên chuyên biệt hỗ trợ con khi cần", chị Trang kể.
Tương tự, chị Đỗ Ngọc Uyên (44 tuổi, ở Q.7) cũng bắt đầu can thiệp ngay khi phát hiện con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Từ lúc 3 tuổi cho đến hết những năm mầm non, bé được hòa nhập trong môi trường tư thục.
"Lên lớp 1, tôi chọn trường công lập cho bé theo học. Học kỳ 1 vừa qua tôi thấy bé khá ổn, bé chịu ngồi nghe cô giảng. Nhưng nghỉ tết xong, có thể chương trình học nặng hơn nên con mất tập trung, dường như trốn tránh ánh mắt cô giáo. Tôi và giáo viên chủ nhiệm đang tìm cách giúp bé", chị Uyên nói.
Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm các tình trạng liên quan đến sự phát triển của não bộ. Khả năng và nhu cầu của người tự kỷ là khác nhau và có thể phát triển theo thời gian. Ở Việt Nam, hiện chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ tự kỷ. Song, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 1.2019, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong số này có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước khoảng 1% số trẻ sinh ra.
Năm 2007, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 2.4 hằng năm (bắt đầu từ năm 2008) là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ. Mục đích nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên hành động để nâng cao nhận thức về người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, thúc đẩy các nghiên cứu tìm ra những phương pháp mới cải thiện sức khỏe và khả năng hòa nhập của họ.
"Hòa nhập cho trẻ tự kỷ" có thể hiểu đơn giản nhất là cho trẻ ra ngoài, tiếp xúc với môi trường, con người xung quanh thay vì để bé ở nhà. Đến tuổi đi học, tùy vào tình trạng nhận thức và hành vi, phụ huynh có thể cho trẻ hòa nhập ở môi trường học đường. Trẻ tự kỷ vốn khó giao tiếp, khó có các mối quan hệ nhưng khi thích nghi với môi trường, các em sẽ có thêm bạn bè hoặc người mà các em tin tưởng. Vì vậy, thế giới của các em sẽ rộng lớn hơn.
Làm sao để con hòa nhập, có nghề nghiệp?
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ tại buổi workshop với chủ đề "Những điều rối ren" do nhóm Hi Future tổ chức cho biết: "Rối loạn phổ tự kỷ là phổ rất rộng, mỗi bạn có một kiểu khác nhau nhưng điểm chung là hạn chế khả năng ngôn ngữ và giao tiếp. Vì thế, để quyết định một trẻ tự kỷ có thể vào trường hòa nhập hay không phụ thuộc nhiều vào 2 yếu tố đó".
Cả 2 người mẹ là chị Uyên và chị Trang đều nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của con khi được đến trường.
"Ở lớp mẫu giáo, hầu như bé chưa biết kể chuyện trên lớp cho ba mẹ nghe nhưng lên lớp 1 thì chủ động hơn. Bé về nhà kể lại rằng được bạn làm giúp một chiếc thuyền để chơi", chị Uyên nói.
Tuy nhiên, những bà mẹ không hề phủ nhận khi con học chung với những trẻ bình thường khác sẽ gặp vô vàn khó khăn. Chị Trang và chị Uyên phải thường xuyên trao đổi với giáo viên, phụ huynh trong lớp về tình trạng của con. Con vẫn có lúc "làm phiền" các bạn trong lớp như chơi đùa mạnh tay khiến bạn đau, muốn chơi chung nhưng không biết cách nói để bạn hiểu…
TS Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh, nếu hòa nhập trong môi trường học đường, trẻ tự kỷ dễ tiến bộ nhanh hơn. Bởi, thứ nhất, trẻ sẽ được làm quen với môi trường xã hội thu nhỏ, tương ứng với những quy tắc, kỷ luật cần tuân theo. Thứ hai, trẻ được học các môn, kỹ năng căn bản được thiết kế chuyên nghiệp, phù hợp với độ tuổi.
Vậy khi nào trẻ sẵn sàng bước vào môi trường hòa nhập?
TS Thu Huyền phân tích: "Trẻ tự kỷ nếu có giấy xác nhận của chính quyền địa phương thì có thể nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi. Tuy nhiên, nhiều trẻ còn kèm thêm dấu hiệu của tăng động giảm chú ý, đa rối loạn... Thế nên, để được nhập học, nhà trường cần có buổi đánh giá với sự tham gia của giáo viên chuyên biệt".
Sau khi hòa nhập, được đến trường, nhiều phụ huynh có con lớn băn khoăn về định hướng nghề nghiệp tương lai. Đây là vấn đề được nhóm Hi Future tập trung giải quyết bằng những buổi chia sẻ cùng chuyên gia, tổ chức nhiều hoạt động để hướng nghiệp cho trẻ từ 8 tuổi.
Bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - tổ chức tình nguyện, phi lợi nhuận của các phụ huynh có con tự kỷ, các nhà chuyên môn về tự kỷ và những người mắc hội chứng tự kỷ chia sẻ: "Hãy bắt đầu hướng nghiệp cho trẻ ngay từ những việc làm đơn giản trong gia đình".
Với những bạn có khả năng vận động tinh, nhận thức tốt hãy tập cho các bạn làm những việc trong nhà. Ví dụ, nếu nhà buôn bán, làm dịch vụ, hãy cho trẻ tham gia một vài công việc phù hợp như sắp hàng lên kệ, lấy hàng cho khách...
Những trẻ có khả năng đặc biệt như như nấu ăn, làm đồ thủ công, hãy cho trẻ thử làm, bán sản phẩm của mình để tạo ra giá trị. Khi hiểu và làm thuần thục, các em sẽ dần dần thấy thích thú với công việc và tạo ra thu nhập tốt hơn.
Chị Thảo Nguyên - người sáng lập nhóm Hi Future chia sẻ: "Hãy tập cho con biết tự tạo ra sản phẩm của chính mình với niềm đam mê và cảm nhận hạnh phúc, điều đó giúp con sáng tạo và sống lâu với nghề".
Bình luận (0)