Cứu nạn giữa trùng khơi

An Dy
An Dy
03/04/2018 13:00 GMT+7

Giữa mênh mông biển nước và sóng dữ, con tàu tựa chiếc lá trôi dập dềnh và sinh mệnh con người cũng mong manh như sợi tơ mỏng...

“Cứu nạn”. Thông điệp ngắn gọn được truyền đi trong cuộc gọi chưa đến 2 giây. 15 phút sau, 21 thuyền viên trên chiếc tàu cứu nạn hàng hải SAR 412 lao vào sóng gió, quăng quật giữa muôn trùng khơi chỉ với một sứ mệnh duy nhất, đó là cứu người.
Trong khi thời tiết ở đất liền đang nắng đẹp, thì ngoài khơi xa, những tàu cá của ngư dân đang bất lực đánh vật với những cột sóng cao hơn 4 mét. Giữa mênh mông biển nước và sóng dữ, con tàu tựa chiếc lá trôi dập dềnh và sinh mệnh con người cũng mong manh như sợi tơ mỏng.
Cùng “ăn sóng nói gió”
Giữa trưa, nhận cuộc gọi từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm và cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC), tôi lập tức có mặt ở cầu cảng của MRCC để tham gia chuyến cứu nạn cùng SAR 412. Chuyến cứu nạn khẩn cấp diễn ra vào một ngày giữa tháng 1. Chờ lệnh xuất phát, bữa trưa được nấu ngay trên tàu. Trong bữa ăn vội, thông tin về vị trí cứu nạn được thuyền trưởng cập nhật. Một tàu cá hỏng máy trôi tự do đã 3 ngày cách khoảng 90 hải lý về phía Bắc, gần khu vực đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Bốn thuyền viên trên tàu đã kiệt sức, hai trong số đó sốt rất cao. Những dự báo về thời tiết, tốc độ di chuyển, tiên lượng sóng... cũng được chia sẻ ngắn gọn trong khoang tàu.
3 giờ chiều, tàu rời bến. Mặt biển chỉ gợn những đợt sóng nhỏ. Nhưng đi được chừng 5 hải lý, những cuộn sóng lớn bắt đầu xuất hiện. Tàu trồi lên hụp xuống. Anh Phạm Thành Long, máy trưởng của tàu SAR 412, nói nhanh: “Sóng không lớn lắm nhưng vì tàu đang đi ngược gió nên sẽ rất mệt. Tốt nhất là nằm trên ghế và thả lỏng người để giữ sức. Tầm 9 giờ tối sẽ đến được vị trí cứu nạn”. Tôi nhìn quanh, các thuyền viên đều chia nhau ở các vị trí, số còn lại tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức.
Cứu nạn giữa trùng khơi1
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn bên hải đồ điện tử Ảnh: An Dy
Vì ghế xếp nằm ngang so với tàu nên khi sóng lớn, cứ 3 giây tàu lại nghiêng góc hơn 35 độ khiến đầu tôi dộng mạnh vào thân tàu. Chưa kịp hoàn hồn thì góc nghiêng được trả lại ngay sau đó khiến toàn thân trượt dài về phía chân. Tôi kịp níu tay vào chân bàn nên trụ lại được, còn đồ đạc cứ rơi tự do. Trên những chiếc ghế còn lại, các thuyền viên vẫn say ngủ với khả năng thăng bằng trên sóng vô thức của nghề thủy thủ. Con thuyền chao nghiêng như quả lắc và trườn đi trong màn đêm...
Cứu nạn trong đêm
Đến vị trí 17,32 độ vĩ Bắc - 108,18 độ kinh Đông (cách Cửa Việt, Quảng Trị về phía đông bắc 70 hải lý), SAR 412 bắt đầu tìm kiếm. Thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn cho biết, một trong những kỹ năng cần thiết khi cứu nạn là tính toán mức độ trôi dạt của thuyền, của người trên các cấp gió, hướng gió. Dù vẫn có phần mềm thu thập thông tin, nhưng thực tế có khi lại khác. Những lúc này, kinh nghiệm và trực giác thực sự quan trọng. Không lâu sau đó, bằng mắt thường có thể nhìn thấy được SAR 412 đang trườn đến gần và giữ khoảng cách an toàn với một một con tàu gỗ đang bị nhồi giữa những cột sóng cao hơn 3 mét. Trên con tàu đó, có những ngư dân đang lả đi vì kiệt sức...

Đã xác định vào khu vực Hoàng Sa thì phải tính toán thời gian thật chặt chẽ. Ban đêm vào đó thì không biết đường nào mà lần. Nhưng đã đến đó rồi thì chẳng có gì phải sợ nữa…

Thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn

Sau gần 1 giờ nỗ lực tiếp cận tàu bị nạn, trong điều kiện thời tiết khó khăn và tiềm ẩn nhiều bất trắc, nhóm người bị nạn được di chuyển bằng cano sang tàu SAR 412 để các bác sĩ tiến hành cấp cứu và hồi sức. Tàu gỗ được chằng dây tời quanh thân và kéo về đất liền. “Hơn 4 ngày trôi dạt trên biển, rồi mất dần tín hiệu liên lạc, chúng tôi tưởng mình sẽ bỏ mạng giữa khơi xa. Là dân đi biển chuyên nghiệp, nhưng bọn tôi đuối sức hết cả”, anh Trần Văn Toán, thuyền viên người Nam Định trên tàu NĐ 92268, kể trong cơn thở dốc.
Giữa đêm đen giông gió, những người đàn ông trên 2 con tàu cứu nạn và bị nạn nói chuyện ân nghĩa, chuyện sinh nghề tử nghiệp… Còn trên ca bin, thuyền trưởng Sơn bắt đầu tâm tư chuyện nghề. Ông nói, những lần cứu nạn ở phía Nam mới gian nan, tàu phải đi ngang, gió mùa đông bắc tạo những cột sóng cao 4 mét rất nguy hiểm. Cũng có lúc tàu “chịu đựng” nỏi nhưng người thì không. Với kinh nghiệm đi biển hơn 30 năm và hơn 13 năm lái tàu cứu nạn, ông Sơn hiểu rõ từng vùng biển. “Những chuyến cứu hộ trong điều kiện gió mùa đông bắc, đông nam, tây nam khó khăn vẫn đi được vì nương theo một chiều. Nhưng khi áp thấp nhiệt đới sóng xoáy, bão cuộn như vòi rồng thì vô cùng nguy hiểm. Có những lúc tàu như trôi tự do, phải kiềm giữ chứ để trôi ngang là lật luôn”, ông Sơn hồi tưởng.
Rồi ông trầm tư tiết lộ, ngoài việc cứu nạn trong tình trạng thời tiết xấu, thủy thủ đoàn luôn phải tự đặt mình vào tình trạng báo động bởi còn có những nguy hiểm rình rập khác…
Trực chỉ Hoàng Sa
SAR 412 hiện là lực lượng dân sự duy nhất của VN thường xuyên hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Phía đông trùng với giới hạn ngoài của vùng tìm kiếm cứu nạn của VN, từ vùng biển nam Quảng Bình đến vùng biển nam Bình Định. Vì vậy, tầm hoạt động của SAR 412 hơn 300 hải lý, vượt ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Khu vực này thời tiết diễn biến phức tạp với gió, bão, áp thấp nhiệt đới cường độ cao. Đây lại là khu vực tàu thuyền qua lại rất đông nên dễ xảy ra tai nạn hàng hải.
Cứu nạn giữa trùng khơi2
Đưa người bị nạn từ SAR 412 lên bờ cấp cứu Ảnh: An Dy
Thuyền trưởng Sơn dắt tôi lên ca bin, mở hải đồ điện tử của Anh. Tất cả các tàu thuyền trong khu vực đều hiện lên với vị trí tọa độ chính xác. “Nhưng khi đi vào vùng biển Hoàng Sa, tàu Trung Quốc xuất hiện bất thình lình, thường không hiển hiện và định vị trên hệ thống hải đồ”, ông Sơn kể. Trong năm 2017, SAR 412 thực hiện 13 chuyến cứu nạn vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, cứ vào gần các đảo chừng 15 - 10 hải lý là bắt đầu bị ngăn cản, mạnh hơn là dồn đuổi. “Có lần thuyền bị nạn nằm gần khu vực đảo Chim Én, sâu bên trong quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi xác định sẽ khó khăn rồi đây... Nhưng quyết đi là đi thôi!”, ông cười khà khà. Đúng như dự đoán, SAR 412 vừa đến gần các đảo Tri Tôn, Phú Lâm là các tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc đuổi theo, có cả máy bay quần thảo trên đầu. “Chúng tôi là tàu cứu nạn VN, không được phép đe dọa, cản trở chúng tôi làm nhiệm vụ”, SAR 412 liên tục đáp trả hành vi chặn tàu. Vừa thông báo, vừa phải... né tránh, bọc hậu ngoạn mục trước những con tàu to gấp đôi, gấp ba. Bởi nếu để bị đâm va, họ sẽ “vu vạ” như tai nạn hàng hải và bồi thường. Phải khéo léo, mềm dẻo, không để va đâm mới đảm bảo được mục tiêu cứu người.
Có những lúc SAR 412 phải kiên trì với sự đeo bám dai dẳng hàng trăm hải lý của các tàu hải cảnh, hải giám từ Tri Tôn vòng ngược qua Phú Lâm để vào cho được đảo Chim Én, đảo Bom Bay cứu ngư dân. Không chỉ cắt đeo bám, SAR 412 còn phải chủ động né các tàu bất thình lình lao lao ra cản đường. “Đã xác định vào khu vực Hoàng Sa thì phải tính toán thời gian thật chặt chẽ. Ban đêm vào đó thì không biết đường nào mà lần. Nhưng đã đến đó rồi thì chẳng có gì phải sợ nữa. Vì mình hoạt động theo sứ mệnh nhân đạo, tiêu chí cứu nạn không phân biệt quốc tịch, màu da, chế độ chính trị. Ai gặp nạn kêu cứu đều cứu hết”, thuyền trưởng Sơn khẳng khái nói, khi tay ông vẫn đang lèo lái con thuyền cứu nạn vượt qua sóng dữ cập bờ an toàn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.