Họ phải có mặt trên tàu trong vòng 15 phút sau khi báo động và thường xuyên đối diện với hiểm nguy nhưng những người làm nghề cứu nạn ở Đà Nẵng MRCC luôn sát cánh cùng ngư dân.
Máy trưởng Nguyễn Tùng Sơn (phải) tàu SAR 412 trao đổi nghiệp vụ chuyên môn với chuyên gia Hà Lan - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Ra biển trong vòng 15 phút
|
Theo ông Nguyên, nhờ máy trưởng mà SAR 412 chưa từng gặp sự cố máy trong gần 10 năm làm nhiệm vụ. Nhưng ông Sơn chỉ khiêm tốn cho rằng máy móc không hỏng là không đúng, nhưng chưa sự cố nào ảnh hưởng đến nhiệm vụ cứu nạn. Mới đây nhất, ngày 14.12 trên đường đi cứu ngư dân, SAR 412 chạy ngược sóng cao 3-4 m, con tàu chồm lên gần như 45 độ, chân vịt cắm xuống bùn, máy ngắt ly hợp tự bảo vệ. Sự cố này cũng giống như lần cứu nạn tại Quy Nhơn năm 2009. Cả hai tình huống rất nguy hiểm vì tàu gần núi, chết máy sẽ bị sóng đập vào đá. Tổ máy phải xác định nhanh, đánh giá đúng tình trạng sự cố để ra quyết định, nếu đúng thì khắc phục được ngay còn nếu sai thì chẳng khác nào châm dầu vào lửa, và cả hai lần ông Sơn đều đưa tàu thoát hiểm trong gang tấc. Nhiệm vụ cam go là thế, nhưng giờ nghỉ thì anh em tổ máy cũng không được tự do vì luôn phải sẵn sàng trong 15 phút báo động phải xuất phát. “Trong giao tiếp anh em bạn bè cứ trách mình lúc nào cũng luẩn quẩn trong vòng càn khôn 15 phút, nhiều lúc liên hoan vui vẻ cũng không dám quá chén vì xác định phải đi bất cứ lúc nào”, ông Sơn chia sẻ.
Trả nợ biển và bạn tàu
Trưa 17.12.2014, tàu ĐNa 90609 đánh bắt cách Đà Nẵng 35 hải lý thì bị gãy trục láp, 7 ngư dân vật lộn giữa biển động sóng cao 3m, gió giật cấp 8-9. Ông Trần Văn Long, Giám đốc Đà Nẵng MRCC điều tàu SAR 274 đi cứu nạn dù chỉ vài ngày nữa là về hưu. Lựa chọn kết thúc nghiệp cứu nạn, cứu hộ biển ở Đà Nẵng MRCC là ấp ủ từ lâu để ông trả nợ biển, nợ bạn tàu, bởi khi còn làm Hoa tiêu khu vực 4 ông đã nhiều lần tiễn đưa những người bạn bỏ mình theo tàu đắm mà không được cứu kịp thời. “Như vụ tàu C.L 115 chở xi măng bị phá nước, sóng đánh chìm tại Cồn Cỏ, chỉ 1 người sống sót, 14 người trong đó có thuyền trưởng là bạn học của tôi tử nạn. Tiếp đó là tàu V.C 12 chết máy thả trôi tại Lý Sơn, gặp giông lốc lật chìm cũng không có tàu ứng cứu, thuyền trưởng là bạn thân đồng thời là bậc đàn anh của mình cùng 18 thuyền viên tử nạn”, ông Long xúc động kể.
Ngay khi nhận chức Phó giám đốc năm 2004, ông Long đã bị “thử lửa” khi chiều 31.12.2004, tàu Sông Thương trọng tải 11.000 tấn chở 130 tấn dầu trên hải trình Đà Nẵng-Hòn Gai lật úp ở độ sâu 22m tại Thừa Thiên-Huế. “Lúc này gió mùa cấp 8, sóng cao 2-3 m, tôi cùng thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa đưa tàu SAR tìm 3 tiếng trong đêm, cứu sống toàn bộ 28 thủy thủ khi vừa bước sang năm mới 2005”, ông Long nhớ lại. Vụ cứu nạn theo ông Long “chưa từng có” là ngày 3.11.2009 cứu 8 người TQ, 4 người Myanmar trên tàu Lucky Dragon bị đắm ở biển Đà Nẵng. Cách cuối cùng đồng thời cũng mạo hiểm là Hải đội 2 Biên phòng và Đà Nẵng MRCC quyết định cử 21 người của 2 đơn vị, bơi ra đưa từng thuyền viên vào bờ. Ông Long kể, bơi huấn luyện chỉ sóng cấp 2-3, còn lúc này sóng cao 5-6m, các anh em bơi ngược sóng mệt đã đành, càng đến gần tàu sóng đập ngược ra càng mất sức. Oái ăm nhất là nhóm 4 người cuối cùng trên tàu Lucky Dragon không biết bơi nên việc cứu nạn càng gian nan, vất vả...
Bình luận (0)