Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (Đà Nẵng Radio) được ví như những người canh gác biển cả bởi đây là nơi tiếp nhận mọi thông tin về tàu thuyền và kịp thời chuyển cơ quan cứu nạn.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Đà Nẵng Radio, ngư dân tàu cá BĐ 95393 bị tàu nước ngoài đâm chìm được cứu kịp thời - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Cầu nối giữa biển khơi
|
Người thân chưa bao giờ gặp
Với ông Đức, lần Đà Nẵng Radio phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Hồng Kông (Hồng Kông MRCC) đưa 2 máy bay cứu ngư dân Quảng Ngãi là sự kiện đáng nhớ nhất trong nhiều năm làm cầu nối cứu nạn trên biển của Tổ khai thác. Đó là vào trưa 5.7.2012, tàu cá QNg 96246 do ông Nguyễn Lý làm thuyền trưởng cùng 16 ngư dân đang ở 19,06 độ vĩ bắc, 113,48 độ kinh đông thì bị nổ bình gas khiến ngư dân Nguyễn Khuân (19 tuổi, con ông Lý) chết tại chỗ, Dương Quang Mẫu (43 tuổi) và Nguyễn Văn Tính (17 tuổi, cùng ngụ Lý Sơn) bị sức ép vụ nổ trọng thương ở đầu, mất nhiều máu, hôn mê. Khai thác viên trực ca Phùng Thị Thúy Lợi liền nối máy đến bác sĩ hướng dẫn sơ cứu nạn nhân, rồi lập cầu nối thông tin với các đơn vị cứu nạn trong và ngoài nước. Đến 17 giờ cùng ngày, Hồng Kông MRCC đưa 2 máy bay đi cứu nạn. Qua trao đổi trực tiếp với phi công, Đà Nẵng Radio hướng dẫn tàu cá treo cờ trắng nhận dạng. Sau đó, ngư dân bị thương được đưa về Hồng Kông cứu chữa. Dù trong thư cảm ơn các đơn vị cứu nạn, ông Lý không biết tên khai thác viên Phùng Thị Thúy Lợi, chỉ ghi “cảm ơn cô thông dịch viên Đà Nẵng” nhưng chị Lợi rất hạnh phúc, vì chị cũng như các khai thác viên khác vốn đã quen với công việc góp phần cứu người lặng thầm sau tai nghe, micro như thế. Và từ lâu, khai thác viên và ngư dân đã là “những người thân chưa bao giờ gặp”.
Khai thác viên Trần Thị Hồng Liên (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) với 17 năm trong nghề chia sẻ, mới nghe vài tiếng gọi trên sóng là nhớ ngay tên họ, quê quán, số tàu, một số ngư dân hay nhờ nối máy thì khai thác viên thuộc cả hoàn cảnh gia đình. Năm 1997 chị đến với công việc tình cờ nhưng chỉ một thời gian ngắn chị đã say mê và từ chối công việc ở công ty liên doanh nước ngoài. “Trao đổi với ngư dân thì vất vả hơn do họ chưa rành về máy móc hay tần số như tàu hàng, lại dùng từ địa phương Bình Định, Nghệ An nên vừa nghe vừa đoán, nhưng khi đã hết bỡ ngỡ thì lại rất thân thương, mỗi lần giúp được ngư dân qua cơn hoạn nạn thì vô cùng vui sướng”, chị Liên tâm sự. Chị kể, có lần đang trao đổi thì tàu hàng bị nạn chìm và mất liên lạc, tàu cứu nạn đến hiện trường chưa tìm được thì chị hết ca, vậy là mất ăn mất ngủ, nóng ruột như người thân của mình bị nạn cho đến tận hôm sau, khi thuyền viên được cứu. “Nhiều ngư dân như anh Hay, anh em Đào Ngọc Minh Tâm - Đào Ngọc Minh Thành tàu ĐNa 90369 ngoài báo tin cứu nạn còn nhờ nối máy đến đầu nậu hỏi chuyện giá cả hải sản để chủ động sản lượng đánh bắt đưa về bờ hay hỏi thăm gia đình”, chị Liên chia sẻ thêm. Chị cũng đã nhiều lần xúc động khi cảm nhận được nỗi nhớ nhà, nhớ con của ngư dân miền Trung, dù vất vả giữa biển khơi vẫn nhớ ngày con cái thi cử và nhờ nối máy về gia đình để động viên, hay thăm nom sức khỏe người thân, hỏi ngày vợ sanh, giỗ chạp để kịp về. Do đó, lực lượng khai thác viên cũng như kỹ thuật đều thấm thía hơn trách nhiệm đảm bảo thông suốt thông tin trước sự hi sinh, chấp nhận xa khơi của ngư dân. Chị tâm niệm, mình có làm tốt vai trò cầu nối tinh thần đó, thì ngư dân mới ấm áp, cảm thấy đất liền và biển cả thật gần, yên tâm bám biển, giữ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Bình luận (0)