Câu hỏi được dư luận dấy lên khi có thông tin trong vụ tai nạn giao thông làm chết 3 người hôm qua ở Hà Nội, sau khi gọi xe cấp cứu và chờ không được, cơ quan chức năng mới đưa cháu bé bị thương đến bệnh viện nhưng nạn nhân đã tử vong trên đường đi.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 3 người chểt - Ảnh: An Chiến |
“Chờ mãi không thấy xe cấp cứu đến”
Theo một người dân trên phố Ái Mộ, sau khi vụ tai nạn xảy ra, nhiều người đã gọi tới tổng đài 115, có người tiếp nhận nhưng chờ mãi không thấy xe cấp cứu đến đưa nạn nhân đi. “Chúng tôi đã cố gắng gọi xe cứu thương, tuy nhiên phải gần 1 tiếng đồng hồ sau, xe cứu thương mới đến”, người này nói và cho biết do xe cấp cứu đến quá muộn nên Công an P.Bồ Đề phải sử dụng xe tải chở nạn nhân đi cấp cứu.
Thiếu tá Đinh Xuân Hiếu, Phó trưởng công an P.Bồ Đề, xác nhận sau khi xảy ra tai nạn, người dân và cơ quan chức năng đã gọi xe cấp cứu (115), đồng thời cố gắng vẫy taxi chạy qua để đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng bất thành. “Nhiều xe taxi chạy qua, nhìn thấy nạn nhân chảy máu nhiều, bị thương nặng nên họ không dừng lại. Sau một khoảng thời gian đợi xe cứu thương, thấy cháu bé đang hấp hối, có hy vọng cứu sống nên chúng tôi đã sử dụng xe tải của công an phường đưa cháu đến viện. Trên đường đi chúng tôi gặp xe cứu thương, nên đã chuyển nạn nhân sang xe cứu thương. Tuy nhiên, cháu bé đã không qua khỏi”, thiếu tá Hiếu cho hay.
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội, lại nói trung tâm nhận được tin khoảng 7 giờ 35, lập tức điều xe từ cấp cứu 115 Long Biên (đặt tại Trung tâm y tế Q.Long Biên) đến nơi lúc khoảng 7 giờ 58. Được hướng dẫn của lực lượng công an và ghi nhận tình trạng cháu bé, nhân viên cấp cứu đã khẩn trương xử trí tại chỗ, đưa cháu đến Bệnh viện Đức Giang để đặt nội khí quản, duy trì đường thở rồi nhanh chóng chuyển cháu lên Bệnh viện Việt Đức (?).
Còn bác sĩ của Khoa Khám cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức cho biết nạn nhân được chuyển đến trước 9 giờ. “Các xe cấp cứu đều có gắn chíp, ghi lại nhật ký giờ xe lăn bánh sau khi nhận lệnh điều xe; hành trình và các điểm đi - đến của xe. Hầu hết các xe đều phải lăn bánh trong vòng 2 - 3 phút sau khi có lệnh điều xe.
Các lái xe đều nắm rõ đường đi, giờ cao điểm phải tìm đường đi thuận lợi, tối giản thời gian vận chuyển để bệnh nhân được đến cơ sở điều trị sớm nhất, phù hợp với tình trạng bệnh”, ông Nguyễn Văn Sáu nói.
“Cứu người là ưu tiên hàng đầu”
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra giải quyết TNGT - Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết theo quy trình và quy định điều tra giải quyết TNGT đã được Bộ Công an quy định, khi xảy ra TNGT, cơ quan chức năng và người dân đều có trách nhiệm đưa người bị nạn đi cấp cứu và bảo vệ hiện trường.
“Đối với cơ quan chức năng, công an phường không được giao nhiệm vụ điều tra giải quyết TNGT, họ chỉ có thẩm quyền bảo vệ hiện trường và tổ chức đưa nạn nhân đi cấp cứu. Căn cứ vào tính chất mức độ của vụ tai nạn, công an quận, huyện nơi xảy ra tai nạn sẽ cử CSGT hoặc phối hợp với cảnh sát hình sự điều tra”, đại tá Sơn nói và cho biết thêm: “Bất cứ vụ TNGT nào, việc tổ chức đưa nạn nhân đi cấp cứu cũng là ưu tiên số 1. Bảo vệ hiện trường cũng là nhiệm vụ quan trọng nhưng không được cứng nhắc”.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), khi thấy người bị nạn, người tham gia lưu thông trên đường cùng các lực lượng chức năng đang có mặt tại hiện trường phải cứu nạn nhân kịp thời bằng mọi biện pháp, chẳng hạn như đón xe, điều xe khác đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để cứu chữa. “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, trong khi có điều kiện mà không cứu giúp để dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 102 bộ luật Hình sự về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, luật sư Tuấn dẫn quy định của pháp luật.
Xe cấp cứu xuất phát trong 1 phút khi nhận yêu cầu
Theo bác sĩ Võ Quang Huy, Phó giám đốc điều hành Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM): Nếu tai nạn xảy ra ở trung tâm thành phố, khi nhận được cuộc gọi yêu cầu, trong 1 phút xe tại Trung tâm cấp cứu 115 sẽ xuất phát và chỉ mất 5 - 10 phút sẽ có mặt tại hiện trường (tùy tình trạng kẹt xe). Nếu vụ tai nạn xảy ra ở cửa ngõ phía tây TP.HCM, khi nhận cuộc gọi từ người dân thì trung tâm sẽ điều xe cấp cứu ở Trung tâm cấp cứu 115 khu vực Bình Tân đến hiện trường.
Thang Duy
|
Bình luận (0)