Cứu người đàn ông vừa qua cơn đột quỵ lại bị nhồi máu cơ tim

Lê Cầm
Lê Cầm
17/04/2024 19:21 GMT+7

Nam bệnh nhân V.M.T (47 tuổi, quê Tiền Giang) đột ngột đau đầu dữ dội, được người nhà đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, anh T. được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não và được can thiệp chụp mạch số hóa xóa nền lấy huyết khối thành công.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết, anh T. đột ngột đau đầu nhiều, sau đó nói lan man, nói khó nghe nên được chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện ở TP.HCM. Tại đây, anh T. được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não và được can thiệp chụp mạch số hóa xóa nền lấy huyết khối thành công. Sau khi được can thiệp, người bệnh tỉnh táo, ăn uống được.

Tưởng đã qua cơn nguy hiểm, bất ngờ sau đó, anh T. lên cơn khó thở, bứt rứt nhiều. Dựa trên các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu não chuyển dạng xuất huyết, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim EF giảm, trên nền bệnh nhân bị tăng huyết áp, tiểu đường loại 2 và rối loạn mỡ máu không điều trị. Sau khi các bác sĩ đặt nội khí quản, bệnh nhân được chuyển đến nhập viện Bệnh viện Gia An 115.

Tiên lượng rất nặng với nhiều rủi ro

Ngày 17.4, bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Duy Trang, Phó giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cho biết người bệnh có các dấu hiệu của sốc tim, suy tim do nhồi máu cơ tim cấp, viêm phổi, tiên lượng rất nặng. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ ngay lập tức cho người bệnh dùng thuốc vận mạch, thuốc huyết áp kết hợp kháng sinh, theo dõi sát sao tình trạng thở máy, sau đó thực hiện nhanh các cận lâm sàng cần thiết và tiến hành hội chẩn với chuyên khoa Tim mạch.

Cứu người đàn ông vừa qua cơn đột quỵ lại bị nhồi máu cơ tim- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau khi can thiệp

A.G

Kết quả cận lâm sàng cho thấy, người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, bệnh mạch vành 2 nhánh, hẹp động mạch vành 80%... Ngoài ra, người bệnh còn bị sỏi thận, tăng men gan và trào ngược dạ dày - thực quản.

"Với tình trạng hẹp động mạch vành cần thiết phải tiến hành chụp, nong và đặt stent động mạch vành ngay. Điều khó khăn là người bệnh đang trong tình trạng hôn mê, thở nội khí quản, huyết áp chưa ổn định, thể trạng kém, lại vừa trải qua đột quỵ não. Đây là thách thức không nhỏ cho cuộc can thiệp vì tỷ lệ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu không can thiệp kịp thời, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa", bác sĩ Trang chia sẻ.

Quyết định đặt stent cho bệnh nhân

Sau khi điều trị hồi sức tích cực, các bác sĩ quyết định tiến hành chụp, nong và đặt stent động mạch vành cho người bệnh. Sau can thiệp mạch, các bác sĩ lại tiếp tục can thiệp đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm qua tĩnh mạch cảnh trong để theo dõi huyết động liên tục, truyền thuốc, dịch và chất dinh dưỡng cho người bệnh.

Song song với tiếp tục điều trị nội khoa tích cực, các bác sĩ cũng theo dõi sát sao các tình trạng tim mạch, huyết áp, kiểm soát đường huyết… Nhờ đó, tình trạng người bệnh tiến triển khả quan và phục hồi tốt. Người bệnh được rút ống nội khí quản thành công, các chỉ số dần ổn định và đã được xuất viện về nhà.

Bác sĩ Dương Duy Trang khuyến cáo những người bệnh có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường, việc điều trị, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu là rất quan trọng để ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch cũng như các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu có các yếu tố nguy cơ, người bệnh cần đặc biệt chú ý việc kiểm tra, tầm soát định kỳ và có lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.