Chuyên gia tim mạch lý giải nguyên nhân ngưng tim khi chạy

Liên Châu
Liên Châu
17/04/2024 08:58 GMT+7

Các trường hợp ngưng tim trên đường chạy thường là khi vận động viên đã chạy khá dài, hoặc gần kết thúc để về đích. Các chuyên gia tim mạch đã lý giải nguyên nhân và đưa ra lời khuyên ngăn ngừa biến cố tim mạch khi gắng sức.

Mới đây, một nam thanh niên đột ngột ngã gục vì ngưng tim khi về đích trong giải chạy marathon tại Hà Nội.

Người bị ngưng tuần hoàn, ngưng tim cần được cấp cứu kịp thời, đúng cách

Người bị ngưng tuần hoàn, ngưng tim cần được cấp cứu kịp thời, đúng cách

Q.ANH

Về biến cố ngưng tuần hoàn, ngưng tim khi hoạt động gắng sức, tiến sĩ - bác sĩ Trần Song Giang, Trưởng Khoa C9, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ thường là do bệnh lý tim mạch. Bệnh lý tim mạch đó có thể do người đó đã mắc nhưng không biết. Hoạt động gắng sức chính là yếu tố tác động gây suy tim cấp, rối loạn nhịp tim, dẫn đến ngưng tim.

Hoặc người đó có bệnh tim mạch bẩm sinh (có bệnh tim tiềm ẩn), rối loạn nhịp tim bẩm sinh nhưng hầu như không có biểu hiện rõ rệt, ngay cả khi đi khám sức khỏe thông thường. Với trường hợp này, tình huống gắng sức là yếu tố gây rung thất (rung tâm thất là tình trạng rối loạn nhịp tim cấp cứu, khiến tim không thể bơm máu như bình thường được) khiến người đó bị ngưng tim đột ngột.

Cũng theo bác sĩ Giang, rối loạn nhịp tim, đôi khi có thể tự khỏi, nhưng thường cần được cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực. Tuy nhiên, cũng có loại rối loạn nhịp tim thì phải sốc điện mới giúp tim đập lại, ví dụ như trường hợp ngưng tim do rung thất.

Ngoài ra, một số bệnh lý khác về tim mạch cũng gây ngưng tim khi gắng sức. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ được phát hiện có bệnh về tim mạch khi khám chuyên khoa.

Tại Việt Nam chưa có số liệu về các ca ngưng tim đột tử khi chạy, nhưng tại một số nước có thống kê với tỷ lệ khoảng 0,5/100.000 người.

Vận động viên ngưng tim khi tham gia giải chạy Tây Hồ đã qua đời

Cần lưu ý khi bù nước

Bác sĩ Giang cho biết thêm, rối loạn điện giải (do mất nước bởi ra mồ hôi nhiều khi chạy), trong đó có giảm kali cũng gây rối loạn nhịp tim, ngưng tim.

Bởi vậy, khi tập thể lực, hoạt động gắng sức trong thời tiết nóng, hoặc chạy là những vận động gây ra mồ hôi nhiều, kèm theo đó là "thất thoát" kali dễ gây rối loạn nhịp tim, đặc biệt khi có bệnh lý tim mạch.

Theo chuyên gia tim mạch, một số báo cáo cho thấy có sự trùng lặp tương đối về thời điểm xảy ra biến cố tim mạch khi chạy, đó là khi bệnh nhân đã ở chặng cuối, có khi đã gần về đích. Việc hạ kali máu do mất điện giải qua mồ hôi cũng có thể làm tăng nguy cơ gây ngưng tim.

"Bởi vậy, với những trường hợp có hoạt động gắng sức như chạy, vận động thể lực ra nhiều mồ hôi thì nên lưu ý thêm về bù nước điện giải, thay vì chỉ dùng nước uống thông thường", bác sĩ Giang lưu ý.

"Để giảm nguy cơ ngưng tuần hoàn, ngưng tim gây đột tử, khi tham gia thể thao dù chuyên nghiệp hay phong trào vẫn cần khám sức khỏe, bao gồm sức khỏe tim mạch. Đặc biệt, những ai có người thân trong gia đình từng bị đột tử thì nên đi khám chuyên khoa sâu về tim mạch".

Hồi sinh tim phổi cơ bản là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân, cần được thực hiện ngay lập tức bởi người chứng kiến, nhằm duy trì tuần hoàn và ô xy cho não và các cơ quan khác cho đến khi hồi sức tim phổi nâng cao hoặc các can thiệp khác có thể được tiến hành bởi nhân viên y tế được đào tạo.

Đối với nạn nhân đã bất tỉnh, ngừng thở, mạch mất, cần nắm rõ và thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản.

Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Tần số sẽ là 100 - 120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là nửa dưới xương ức hoặc giữa hai vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.

Khi sơ cấp cứu cần tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, răng giả hay đờm dãi. Nếu có thì cần xử lý để làm thông đường thở cho người bệnh.

(Bệnh viện Bạch Mai)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.