Ngày 26.2, BS chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: tình trạng bệnh nhi N.H.K.H, học sinh lớp 9 (ngụ quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) đang hồi phục rất khả quan.
Trước đó, H. được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ cấp cứu sau tai nạn giao thông, bị gãy đa xương, sưng đau, biến dạng đùi phải, vết thương dập nát vùng 1/3 dưới cẳng chân phải, lộ xương có biến chứng tổn thương mạch máu rất nặng với nguy cơ cao phải cưa chi.
Do bệnh quá nặng nên H. đã được Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sau khi báo động đỏ liên viện để bệnh viện tuyến trên chuẩn bị trước.
Tại đây, H. được xác định bị gãy hở gần lìa cẳng chân phải, gãy xương đùi phải, đây là dạng tổn thương phức tạp bao gồm phần gân cơ xương, thần kinh cũng như cả hai mạch máu quan trọng cung cấp máu cho vùng cổ bàn chân.
Bàn chân phải của bệnh nhi đã có những biến chứng nặng nhạt màu, bắt đầu tím, lạnh, mạch chày trước và chày sau bên phải mất, rối loạn cảm giác và vận động. Đặc biệt, do thời gian tổn thương đã qua gần 12 giờ nên tiên lượng phải cưa chân rất cao.
“Lúc ấy, các BS đã đánh giá lại thật kỹ các yếu tố để tìm cách cứu bàn chân cho bệnh nhi. Cũng may là các chỉ số xét nghiệm, tổng trạng còn cho phép một phẫu thuật nối chi, bệnh nhi còn rất trẻ nên khả năng hồi phục cao”, BS Phong nói.
Ê kíp phẫu thuật do BS.CK1 Nhâm Phúc Duy (chuyên khoa vi phẫu) đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Các BS quyết định thông nối lại mạch máu, tái lập lại tuần hoàn cho bàn chân, khâu nối lại mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu, cố định xương gãy.
Cứu bàn chân bằng vi phẫu
Theo BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, cuộc phẫu thuật nối mạch máu vi phẫu cho bệnh nhi H. gặp nhiều khó khăn do kích thước của mạch máu rất nhỏ.
Ê kíp phẫu thuật đã sử dụng bộ nối mạch vi phẫu để nối các mạch máu nhỏ (Kỹ thuật nối mạch bằng Coupler). Dụng cụ này sẽ giảm nguy cơ xẹp miệng nối động mạch và tĩnh mạch, vốn có thể làm tăng nguy cơ tắc mạch chết phần chi nối.
Thời gian khâu nối mỗi mạch máu chỉ từ 4-6 phút, độ chính xác cao. “Trước đây, với những ca phẫu thuật như trên, các BS thường tiến hành nối mạch máu cho bệnh nhân bằng kim và chỉ khâu. Thời gian để nối một mạch máu bằng chỉ khâu khoảng 30-60 phút và nguy cơ bị hẹp miệng nối và tắc gây hoại tử vạt da rất cao. Việc rút ngắn thời gian phẫu thuật và an toàn giúp mạch máu bệnh nhân hồi phục nhanh, các mô sớm phục hồi chức năng”, BS Thống Em nói.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhi ổn định, vết mổ còn ít dịch thấm băng, bàn ngón chân hồng ấm, độ bảo hòa ô xy đầu ngón 98%, bệnh giảm đau nhiều, các chỉ số xét nghiệm đều trở về trong giới hạn bình thường, mạch máu chi nối bắt được.
“Lúc vào bệnh viện nghe BS giải thích có khả năng cháu phải cưa chân, tôi rụng rời vì con gái còn nhỏ rồi làm sao để trở lại bình thường. Giờ chân con cứu được rồi, mừng mà chỉ biết nhìn con khóc, không biết phải cảm ơn các y BS ở đây như thế nào, đặc biệt là BS Duy và ê kíp đã cố gắng hết sức để cứu chân con tôi”, bà Lê Thu Hạnh, mẹ H. nói.
Bình luận (0)