TAND TP.Hà Nội vừa mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Duy Đức Tuấn, 50 tuổi, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn đầu tư tài chính Thái Bình Dương (gọi tắt là Công ty Thái Bình Dương), về tội cưỡng đoạt tài sản.
Bị hại trong vụ án là ông Vũ Hùng Sơn, cựu Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia).
Hôm 11.4, phiên tòa từng được mở, song phải hoãn do ông Sơn và một số người liên quan vắng mặt.
Phi vụ tống tiền từ chiếc xe Mercedes Benz S550
Theo cáo trạng, tháng 10.2009, bị cáo Tuấn nhờ người bạn ở Mỹ mua hộ một xe Mercedes Benz S550 với giá 75.000 USD, đứng tên Công ty Thái Bình Dương. Nhưng do không nắm được quy trình, ông Tuấn không làm được thủ tục nhập khẩu, nên đã tìm đến ông Vũ Hồng Sơn, khi này là Giám đốc Công ty TNHH Bảo Tín Sơn Tùng, nhờ làm thủ tục giúp.
Ông Sơn nhận lời. Hai bên ký thỏa thuận, Công ty Bảo Tín Sơn Tùng sẽ chỉ định Công ty CP đầu tư Ánh Việt (chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô) làm thủ tục nhập khẩu chiếc xe, phí dịch vụ 2.000 USD. Công ty Thái Bình Dương có trách nhiệm liên hệ với công ty bán xe tại Mỹ để hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Cuối năm 2009, chiếc Mercedes Benz S550 được nhập khẩu thành công và bàn giao cho bị cáo Tuấn quản lý, sử dụng. Theo yêu cầu của bị cáo Tuấn, Công ty CP đầu tư Ánh Việt xuất hóa đơn nhập khẩu cho một công ty khác, có giám đốc là người quen của Tuấn.
Đến năm 2013, do công ty này dừng hoạt động, bị cáo Tuấn đề nghị xuất lại hóa đơn cho một công ty khác do Tuấn là người đại diện pháp luật. Nhưng vì đã chốt số liệu báo cáo thuế, Công ty CP đầu tư Ánh Việt không thể thực hiện được mong muốn này.
Tháng 8.2016, bị cáo Tuấn gửi đơn tố giác ông Sơn lừa đảo chiếm đoạt 1,7 tỉ đồng thông qua việc ký hợp đồng nhập khẩu xe Mercedes Benz S550. Thụ lý đơn, Công an TP.Hà Nội xác định vụ việc là quan hệ dân sự, không có sự việc phạm tội nên không khởi tố vụ án; đồng thời thông báo cho bị cáo Tuấn về kết quả giải quyết.
Từ năm 2018 - 2020, bị cáo Tuấn gửi nhiều đơn tố giác ông Sơn có hành vi làm giả tài liệu để nhập lậu xe ô tô. Bị cáo còn liên tục đăng các bài viết kèm ảnh hồ sơ, lý lịch công chức của ông Sơn đang được lưu tại Bộ Công thương và chia sẻ công khai trên mạng xã hội Facebook.
Giữa năm 2020, khi là Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, ông Sơn sợ ảnh hưởng đến uy tín và công việc nên nhờ người liên lạc với Tuấn để khuyên giải. Bị cáo yêu cầu đưa 10 tỉ đồng thì mới rút đơn, nhưng ông Sơn không đồng ý.
Tiếp đó, một người bạn của ông Sơn tên Cường (trú tại Hà Nội), gọi điện thoại cho bị cáo Tuấn để hòa giải, Tuấn vẫn không đồng ý, đồng thời "hạ giá" xuống còn 7,9 tỉ đồng. Ông Sơn không chấp nhận vì số tiền vượt quá khả năng tài chính của mình.
Hai bên tiếp tục có nhiều lần gọi điện, trao đổi qua lại. Bị cáo Tuấn có lúc "hạ giá" xuống 7,5 tỉ đồng, khi lại nâng lên 10 tỉ đồng như ban đầu, sau cùng chốt 9,5 tỉ đồng. Ông Sơn đồng ý sẽ giao tiền.
Tháng 10.2020, ông Sơn làm đơn trình báo Công an TP.Hà Nội, tố giác hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị cáo Tuấn. Chưa thấy đối phương chuyển tiền, bị cáo Tuấn tiếp tục gửi đơn tố giác tới các cơ quan chức năng.
Vào cuộc xác minh, công an kết luận thủ tục nhập khẩu chiếc ô tô Mercedes Benz S550 là đúng quy định pháp luật. Đến tháng 4.2023, bị cáo Tuấn bị bắt tạm giam.
"Cứ mỗi tuần anh ấy lại gửi đơn khắp nơi"
Được triệu tập tới tòa, lần này ông Vũ Hồng Sơn có mặt. Trong khi đó, ông Cường, người trung gian kết nối giữa ông Sơn và bị cáo Duy Đức Tuấn, tiếp tục có đơn xin vắng, với lý do nhập viện đột xuất.
Do ông Cường vắng mặt, hội đồng xét xử công bố một số đoạn ghi âm cuộc gọi giữa ông này và bị cáo Tuấn, thể hiện các nội dung đe dọa "làm vụ này là nó mất nghiệp luôn", "ngoan thì chồng đủ 10 tỉ"...
Bị cáo Tuấn thừa nhận giọng nói trong ghi âm là của mình, nhưng cho rằng không có chuyện tống tiền, mà chỉ thông qua ông Cường để yêu cầu ông Sơn trả lại tiền mua xe cho mình.
Theo lời bị cáo, khi chiếc Mercedes Benz S550 về đến cảng và gặp rắc rối về thủ tục, bị cáo gửi công ty người quen nhờ bán hộ. Tuy nhiên, Công ty Bảo Tín Sơn Tùng của ông Sơn lại sang cẩu xe đi, với lý do bị cáo còn nợ 400 triệu đồng.
Bị cáo sau đó trả hết nợ, được trả lại xe kèm giấy tờ, nhưng công ty của ông Sơn lại xuất hóa đơn cho công ty khác, không phải cho công ty của bị cáo, khiến bị cáo không thể đăng ký xe. Bị cáo có yêu cầu xuất lại hóa đơn thì bị yêu cầu "nộp thêm mấy trăm triệu ", đây chính là nguồn cơn bức xúc khiến bị cáo viết đơn tố cáo.
Ngược lại, ông Sơn phủ nhận lời khai của bị cáo Tuấn. Ông này cho biết, công ty mình không có dịch vụ nhập khẩu ủy thác, nhưng do người trong công ty có quen biết đơn vị xuất nhập khẩu, nên mới nhận lời giúp bị cáo.
Nói về người trung gian là ông Cường, ông Sơn cho hay đây là người quen của cả mình và bị cáo Tuấn. Ông Sơn có nhờ ông Cường nói với bị cáo Tuấn rằng hai bên nếu có mâu thuẫn thì là giữa Tuấn với Công ty Bảo Tín Sơn Tùng. Bởi lẽ năm 2012, ông Sơn không làm giám đốc công ty này nữa, vì thế nếu có khúc mắc thì bị cáo Tuấn phải giải quyết với công ty chứ không phải cá nhân ông.
Thế nhưng, dù biết rõ ông Sơn đang công tác tại Bộ Công thương và không còn làm doanh nghiệp, bị cáo Tuấn vẫn đến bộ và nhiều cơ quan khác để tố cáo. Công an từng 2 lần trả lời vụ việc không có dấu hiệu lừa đảo, dù vậy bị cáo vẫn "ròng rã tố cáo từ năm 2016 đến tận năm 2022".
"Cứ mỗi tuần anh ấy lại gửi đơn khắp nơi, một ngày tôi nhận vài chục cuộc điện thoại, những người biết tôi và cả những người không biết đều nghĩ tôi lừa đảo", ông Sơn bức xúc, và hỏi bị cáo thực sự có mục đích gì, "tại sao làm ăn với công ty mà cứ chĩa búa rìu vào cá nhân tôi".
Trả lời câu hỏi này, bị cáo cho hay được giới thiệu đến công ty để làm việc với ông Sơn, khi ông Sơn rời chức giám đốc thì không thấy thông báo gì, vì thế "tôi chỉ kiện ông thôi, chứ giám đốc kế nhiệm làm sao biết việc đó".
Đáng chú ý, luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn đặt vấn đề: ông Sơn đã gửi đơn tố cáo đối với bị cáo, thậm chí khi trả lời truyền thông cũng khẳng định sẽ nhờ pháp luật xử lý người vu khống mình, tại sao sau đó vẫn nhắn tin thương lượng riêng với bị cáo?
Ông Sơn đáp rằng, đã gửi đơn tố cáo nhưng chưa biết bao giờ sự việc mới được công an giải quyết, trong khi bị cáo vẫn liên tục viết đơn tố cáo, khiến cuộc sống và công việc của ông bị ảnh hưởng.
Sau khoảng 1 ngày xét hỏi, hội đồng xét xử nhận thấy còn một số tình tiết chưa rõ, cần thu thập thêm chứng cứ, nên quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại sẽ thông báo sau.
Bình luận (0)