Cựu Phó tổng giám đốc SCB mong sớm sum họp với gia đình, con nhỏ

21/03/2024 17:56 GMT+7

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) nói do đặt niềm tin sai chỗ, nghĩ Trương Mỹ Lan sẽ giúp cho SCB vực dậy, phát triển mạnh hơn, không ngờ có hậu quả ngày hôm nay. Bị cáo mong HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo có mức án nhẹ, sớm sum họp với gia đình.

Ngày 21.3, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng các bị cáo gây thiệt hại cho SCB. Theo đó, các luật sư tiếp tục bào chữa cho các lãnh đạo chủ chốt của SCB.

Cựu Phó tổng giám đốc SCB mong sớm sum họp với gia đình, con nhỏ- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

NGUYỄN ANH

Luật sư Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB, bị đề nghị 19 - 20 năm tù về hành vi tham ô tài sản) cho rằng, cần phải xem xét số tiền chiếm đoạt.

Theo luật sư Công, bị cáo Dung thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan mà không được hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào. Hành vi của bị cáo Dung là thẩm định tài sản, hoàn thiện hồ sơ vay từ SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan để xử lý các khoản vay đến hạn của Trương Mỹ Lan có từ năm 2012 (hay còn gọi là đảo nợ), hoàn toàn không có các khoản vay mới.

Cựu Chủ tịch SCB ‘không quậy phá’ bị đề nghị án chung thân, luật sư nói gì?

Tin tưởng Trương Mỹ Lan mù quáng, làm theo lệnh

Luật sư cho rằng, nguyên nhân phạm tội là do bị cáo Dung mù quáng tin tưởng, làm theo lệnh của Trương Mỹ Lan, một phần cũng do tiếp nối hành vi của người tiền nhiệm chức vụ trước mình. Quá trình đảo nợ này đã diễn ra từ nhiều năm về trước, trước khi bị cáo Dung được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SCB phụ trách phê duyệt tín dụng và xử lý nợ.

Về số cổ phần mà bị cáo Dung khai được nhận vào năm 2021 từ bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư phân tích thêm, đây là phần thưởng năm theo chế độ của SCB dành cho nhân viên, không phải là số cổ phần được bị cáo Trương Mỹ Lan cho riêng bị cáo Dung. Số cổ phần này không phải là sự thỏa thuận ăn chia lợi ích để thực hiện hành vi giúp sức cho Trương Mỹ Lan.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm trừ số tiền chiếm đoạt, đồng thời làm rõ những nội dung chưa hợp lý về việc thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân bởi đây chính là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng quy kết giá trị chiếm đoạt và gây thiệt hại của các bị cáo Dung trong vụ án.

Luật sư nói cần xem xét lại việc thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân mà cáo trạng và luận tội của các vị đại diện Viện KSND TP.HCM sử dụng làm căn cứ để truy tố trách nhiệm hình sự. Đồng thời, yêu cầu Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự định giá 1.284 tài sản thế chấp các khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan để làm căn cứ truy tố, xét xử vụ án.

Theo luật sư, trong kết luận điều tra và cáo trạng, bị cáo Dung bị quy kết rằng đã thực hiện hành vi hoán đổi tài sản bảo đảm có giá trị thấp hơn theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan vào thời điểm ngày 26.9.2022. 

Cụ thể là hoán đổi 3 bất động sản có giá trị hơn 337 tỉ đồng, tức không đủ giá trị để đảm bảo cho khoản vay 1.500 tỉ đồng. Trong khi bị cáo Dung đã nghỉ việc ở SCB từ ngày 13.9.2022. Do đó, luật sư đề nghị không quy kết trách nhiệm của bị cáo Dung đối với khoản vay này.

Trương Mỹ Lan dành 1.650 tỉ đồng để khắc phục cho chồng và Trương Huệ Vân

'Tự chịu trách nhiệm hành vi sai trái, không đổ lỗi cho đồng nghiệp và cấp dưới'

Luật sư Nguyễn Thành Công phân tích thêm, bị cáo Dung cũng như các bị cáo khác trong vụ án chỉ là người lao động, làm công ăn lương được giao nhiệm vụ liên quan đến các hồ sơ vay. Lúc đó bị cáo Dung với nhận thức Trương Mỹ Lan có nhiều tài sản, nhiều mối quan hệ làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài, có thể đảm bảo trả được các khoản vay tại SCB nên bị cáo Dung không hề nghĩ đến hậu quả như hôm nay.

Luật sư cho rằng bị cáo Dung tham gia trong guồng máy SCB không phải là một mắt xích quan trọng, mang tính quyết định trong vụ án. Cụ thể sau ngày 13.9.2022, khi bị cáo Dung nghỉ việc SCB vẫn hoạt động bình thường dưới sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Vì vậy cần xem xét bị cáo Dung chỉ với vai trò là giúp sức cho Trương Mỹ Lan chứ không phải giúp sức tích cực như cáo buộc.

Cựu Phó tổng giám đốc SCB mong sớm sum họp với gia đình, con nhỏ- Ảnh 2.

Bị cáo Mỹ Dung tại tòa

TTBC

Luật sư cũng đồng ý với luận tội của Viện KSND TP.HCM khi cho bị cáo Dung được hưởng các tình tiết giảm nhẹ bởi sự thành khẩn của bị cáo trong quá trình điều tra. Bị cáo Dung tự chịu trách nhiệm với hành vi sai trái của mình chứ không đổ lỗi cho đồng nghiệp hay cấp dưới, bị cáo rất ăn năn và hối cải. Bị cáo Dung hiện đang bị bệnh u bướu ở cổ và ngực, quá trình tạm giam bị cáo được cơ quan điều tra giúp đỡ cho thăm khám.

Khi tự bào chữa bổ sung, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nói vì thời điểm đó, bị cáo và nhân viên của SCB tin tưởng vào tài năng của Trương Mỹ Lan. Bởi khi ấy, Trương Mỹ Lan có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường, bị cáo Dung nghĩ Lan sẽ giúp cho SCB vực dậy, phát triển mạnh hơn. 

Nhưng cho tới thời điểm này, Dung thừa nhận mình đã đặt niềm tin sai chỗ, nên mới dẫn đến hậu quả ngày hôm nay. Bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình, con nhỏ.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện hành vi phạm tội, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan hơn 200.690 tỉ đồng và gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh 69.023 tỉ đồng. Tại tòa, bị cáo Dung thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo buộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.