Chiều 7.4, BS chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các BS của bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân đột quỵ rất nặng nguy cơ tử vong cao vì đã quá “thời gian vàng” để điều trị.
Sau khi chụp kiểm tra CT-Scan não, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 9 (vào viện đã 9 giờ kể từ khi phát bệnh), tăng huyết áp.
Bệnh nhân được kiểm soát huyết áp tích cực bằng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch cùng lúc thực hiện quy trình báo động đỏ của đơn vị can thiệp đột quỵ. Qua chụp cộng hưởng từ sọ não, ê-kíp can thiệp do tiến sĩ - BS (TS.BS) Hà Tấn Đức, Trưởng đơn vị Can thiệp đột quỵ, thực hiện đã tiến hành can thiệp bơm thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân.
Tới sáng 7.4, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện các động tác chính xác, huyết áp ổn định, tình trạng yếu nửa người phải đã cải thiện, sức cơ tay phải, chân phải đã tốt hơn nhiều, bệnh nhân cũng đã giảm nói đớ. Kết quả chụp CT-Scan sọ não kiểm tra sau 24 giờ không ghi nhận xuất huyết não.
Nói về trường hợp cấp cứu khá đặc biệt trên, TS.BS Hà Tấn Đức, cho biết, ở ca bệnh này, nếu tính từ lúc khởi phát triệu chứng đến khi dùng tiêu sợi huyết là 10 giờ. Ê kíp đã quyết định sử dụng tiêu sợi huyết mặc dù bệnh nhân đã quá thời gian vàng khi nhận thấy sự không tương thích giữa thời gian khởi phát (trên 6 giờ) và hình ảnh học trên cộng hưởng từ sọ não.
“Mặc dù thời gian vàng cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não là trong vòng 6 giờ đầu. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện trễ, tùy vào từng trường hợp cụ thể, khả năng đáp ứng điều trị có thể mở rộng đến 24 giờ. Vì vậy, một khi có dấu hiệu của đột quỵ người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được tái thông mạch não trong thời gian ngắn nhất”, TS.BS Hà Tấn Đức khuyến cáo.
Bình luận (0)